Nghề bắt cua đồng với người dân nơi đây được xem là nghề lấy công làm lời, bởi dụng cụ bắt cua đồng cũng khá đơn giản, chỉ cần một cái cây được vạt nhọn đầu, cái bao, hoặc xô để đựng. Theo kinh nghiệm của những người chuyên đi bắt cua đồng cho biết, muốn bắt được nhiều cua, nên đi vào buổi sáng, vì cua có đặc điểm hay ngoi lên lấy ô-xy vào thời điểm này, còn buổi chiều nắng nóng cua tìm chỗ trú ẩn.
Với việc bắt cua như vậy, nếu chịu khó trung bình một người có thể bắt được 2-5kg cua mỗi buổi sáng. Hiện giá thu mua cua dao động từ 80-90 ngàn đồng/kg. Tính ra, một người có thể kiếm được từ 160-400 ngàn đồng/ngày, cá biệt có những người bắt giỏi được nhiều cua có thể kiếm được hơn 500 ngàn đồng/ngày.
Khi ánh nắng mặt trời buổi sớm mai xiên qua từng kẽ lá, chiếu thẳng xuống lớp bùn non sền sệt, cũng là lúc bà Nguyễn Thị Thanh (ngụ ấp An Hoà, xã An Nhứt, huyện Long Điền) lục tục mang theo dụng cụ để lội bùn bắt cua đồng. Mới U40 nhưng bà Thanh đã có thâm niên bắt cua đồng hơn 30 năm, và được biết đến là một trong những tay thợ “săn” cua đồng có tiếng nhất vùng.
Đôi chân khéo léo di chuyển trên lớp bùn non tìm cua đồng đang trú ẩn, bà Thanh cho biết, đặc tính của loài cua đồng là vào mùa hè thường đào hang sâu xuống lớp bùn non để tránh nắng và trú ngụ. Còn mùa nước bạc, cũng là mùa sinh sản nên cua đồng thường tập trung thành đàn sát mép nước, trên bùn hoặc trên lớp cỏ xanh. Vì thế, mùa bắt cua đồng diễn ra quanh năm, nhưng phương pháp bắt lại khác nhau. Vừa nhanh tay, lẹ mắt, vừa biết chính xác đồng ruộng có cua trú ngụ, mùa này, cứ mỗi sáng ra đồng, bà Thanh bắt được trên dưới cả chục ký.
Mùa nắng, cua khan hiếm bà cũng bắt được 4-5kg mỗi buổi. Nghề làm quanh năm giúp bà có nguồn thu nhập ổn định. Đó là lý do bà theo cái nghề lấm lem bùn đất này đến tận nay. Muốn tìm bắt được những con cua đồng điệp màu và lẩn khuất dưới lớp bùn mỡ màng cần phải có kinh nghiệm của con mắt nhà nghề.
“Tôi theo ba má bắt cua từ lúc mới 7 tuổi. Với nghề này làm quanh năm không có ngày nào nghỉ. Người có kinh nghiệm sẽ phân biệt đâu là hang cua, đâu là hang còng. Nhìn qua sẽ thấy, trước cửa hang cua đồng để lại vô số vệt kéo dài trên bùn, mún bùn được cua đồng vần lên rất to và dày, đường đi rõ rệt”, bà Thanh chia sẻ bí quyết tìm cua đồng.
Gắn bó với đồng ruộng nhiều năm qua, bà Nguyễn Thị Bé (ngụ ấp An Hoà, xã An Nhứt, huyện Long Điền) nhận thấy, cua đồng ngày càng khan hiếm. Một trong những nguyên nhân là diện tích đất ruộng ngày càng thu hẹp cùng với quá trình đô thị hóa nhanh, bà con trồng lúa sử dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó, lượng người đổ về các cánh đồng bắt cua mưu sinh cũng ngày càng nhiều, những con cua đồng nhỏ bị khai thác theo kiểu tận thu.
“Vẫn biết là càng ngày cua càng ít hơn nhưng tôi cũng phải bám lấy nghề. Nghề bắt cua không tốn nhiều thời gian. Vất vả, nhưng tui làm riết thành quen, có thêm thu nhập nên tui thường chọn đi bắt vào lúc nông nhàn. Nhờ có nghề này, gia đình có thêm tiền trang trải cho cuộc sống hằng ngày”, bà Bé chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, thương lái chuyên thu mua cua đồng chợ Phước Nguyên, TP. Bà Rịa cho hay: “Tôi thường thu mua cua đồng của người dân vào sáng sớm. Vì cua đồng ngâm lâu sẽ chết và óp, mất ngon. Sau khi thu gom cua, tôi bán cho các nhà hàng, quán bún, chợ… Cua đồng được nhiều người lựa chọn vì thơm ngon, dễ chế biến với thực đơn phong phú”.