Đặc sản tiến Vua nức tiếng Việt Nam: Thơm ngon bổ dưỡng, hàng thượng phẩm "đắt như vàng"

Tất Đạt Chủ nhật, ngày 14/08/2022 08:10 AM (GMT+7)
Sá sùng là một trong những món ăn bổ dưỡng, được người dân Việt Nam và thế giới rất ưa chuộng. Đặc biệt, thời xa xưa chúng còn được coi là đặc sản tiến Vua nức tiếng ở Việt Nam.
Bình luận 0

Đặc sản tiến Vua nức tiếng ở Việt Nam: Sá sùng

Mặc dù có hình dáng kì lạ, nhưng sá sùng là một trong những hải sản cực kỳ quý hiếm, tương truyền từ xa xưa đã được sử dụng làm đặc sản tiến Vua. Chỉ những người có điều kiện mới có cơ hội thưởng thức sản vật đặc biệt này.

Tại Việt Nam, loài vật này có nhiều tên gọi như sá sùng, sâu đất, đồn đột, chặt khoai, giun biển, địa sâm,...  Sá sùng phân bố tại nhiều nơi trên thế giới, nhưng chúng chỉ "nổi danh" trong danh sách ẩm thực ở các vùng của Việt Nam và Trung Quốc. Ngày nay, sá sùng được khai thác nhiều nhất ở vùng biển Móng Cái hoặc tại đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, đồng thời đây cũng chính là vùng có đặc sản sá sùng ngon nhất cả nước.

Ngoài ra, sá sùng còn xuất hiện ở vùng biển có cát pha ở vịnh Bắc Bộ, Côn Đảo, Nha Trang hoặc tại bãi biển Vạn Mỹ, Đông Hưng, Trung Quốc.

Sá sùng tươi có độ dài khoảng 5-10 cm, cá biệt có con dài 15-20cm. Sá sùng chỉ sống ở những bãi cát ven biển, nơi thủy triều lên xuống. Chúng có hình dạng như một con giun lớn nhiều màu sắc.

Đặc sản tiến Vua nức tiếng Việt Nam: Thơm ngon bổ dưỡng, hàng thượng phẩm "đắt như vàng" - Ảnh 1.

Theo nhiều nghiên cứu y học hiện đại, sá sùng có tác dụng hỗ trợ điều trị một số bệnh lý về hô hấp, xương khớp. Sá sùng có chứa tới 17 nguyên tố khoáng và 18 các loại acid amin khác nhau như alanin, glycin, succinic, glutamine…

Vì là loại hải sản quý, có nhiều dưỡng chất thiết yếu với cơ thể, nên sá sùng có giá thành khá cao. Hiện nay, sá sùng sấy khô đang được bán với giá dao động từ 2.000.000 - 2.500.000 VNĐ/kg. Sá sùng thượng hạng được ví là "đắt như vàng", bởi giá thành có thể lên đến 4.000.000 - 5.000.000 VNĐ/kg, gần bằng 1 chỉ vàng (tuỳ thời điểm).

Sá sùng còn là một vị thuốc trong Đông y, với tác dụng cường dương, tăng sinh lực. Các phương pháp chế biến phổ biến nhất là ngâm nước muối, luộc chín, căng ra phơi khô. Khi sử dụng, chỉ cần đem luộc lần nữa rồi cắt thành từng miếng nhỏ nấu với thuốc Bắc hoặc bỏ vào bụng gà ác hầm nhừ rồi ăn.

Đặc sản tiến Vua nức tiếng Việt Nam: Thơm ngon bổ dưỡng, hàng thượng phẩm "đắt như vàng" - Ảnh 2.

Sá sùng tươi cũng ngon không kém. Sá sùng tươi trong các món canh, xào hay rang đều mang lại hương vị đặc biệt. Trong món phở truyền thống của Hà Nội và Nam Định, để làm ngọt nước dùng, ngoài ninh xương bò, nhiều đầu bép còn cho thêm sá sùng hoặc tôm nõn.

Bên cạnh đó, sá sùng tươi còn có thể chế biến thành các món hấp dẫn khác như như nấu cháo, nướng, xào chua ngọt, chiên giòn, gỏi… Sá sùng nướng chấm tương ớt, muối tiêu, chanh ăn vừa thơm vừa giòn, vừa ngọt vừa dai dai, béo bùi.

Đặc sản tiến Vua nức tiếng Việt Nam: Thơm ngon bổ dưỡng, hàng thượng phẩm "đắt như vàng" - Ảnh 3.

Khai khác đặc sản sá sùng khó khăn

Sá sùng hay được người dân gọi là giun biển. Chúng na ná giun đất nhưng có phần to hơn, chuyên sống ở các đụn cát tại nơi giao nhau giữa sông và biển. Muốn săn được sá sùng, ngoài việc tốn công dò dẫm thì còn phải tinh mắt, nhìn đúng hang, lỗ mà sá sùng sống. Khi thấy hang, lỗ thì dùng lưỡi mai cắm thật sâu và chặn bắt. Săn sá sùng không phải đơn giản vì khi bình minh chưa lên chúng đã rúc sâu vào hang để trốn nắng.

Đặc sản tiến Vua nức tiếng Việt Nam: Thơm ngon bổ dưỡng, hàng thượng phẩm "đắt như vàng" - Ảnh 4.

Đặc sản tiến Vua nức tiếng Việt Nam: Thơm ngon bổ dưỡng, hàng thượng phẩm "đắt như vàng" - Ảnh 5.

Nơi ẩn náu lý tưởng của sá sùng là các khe cát, hang đá ở các vùng đáy biển sâu đến 30m. Sá sùng chỉ có thể thu hoạch khi mực nước biển xuống thấp, vào khoảng tháng 3 đến tháng 7 hàng năm. Người đi thu hoạch món đặc sản này phải đi khi thủy triều rút bớt (thường là sáng sớm).

Theo nhiều đánh giá, sá sùng của huyện Hải Hà, đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn là loại sá sùng ngon và có chất lượng cao nhất. Ngoài ra, loại sá sùng ở vùng cù lao Ré (bây giờ là huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi) cũng được đánh giá cao.

Sá sùng rất nhạy cảm với môi trường sinh trưởng. Những năm gần đây, do tình trạng đánh bắt quá mức không hợp lý và môi trường sống bị suy thoái nên môi trường tự nhiên của sá sùng bị giảm mạnh, đẩy giá cả lên ngày một cao.

Sau khi bắt, sá sùng tươi phải được làm sạch bằng cách lộn ngược để tẩy rửa bùn đất, các cơ quan nội tạng rồi cắt hai đầu, rửa sạch mới mang chế biến. Theo một chuyên gia, sá sùng ngon nhất là khi được cấp đông một thời gian ngắn rồi chế biến, vì độ lạnh sẽ làm sá sùng giòn hơn khi thưởng thức.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem