Những thiếu nữ mới chỉ từ 14 tuổi đã lấy chồng, chỉ 3 năm sau đã có 2 con trong khi điều kiện gia đình vô cùng khó khăn. Thế nhưng, vì những hủ tục của buôn làng mà các em lại chính là người gặp khó khăn nhất trong cuộc sống bởi vấn nạn tảo hôn.
Clip: Nỗ lực tuyên truyền, xóa bỏ hủ tục tảo hôn, hôn nhân cận huyết ở Lâm Đồng.
Thay vì trong lứa tuổi đến trường cùng bạn bè, nhưng các "cặp vợ chồng trẻ con" phải nghỉ học, ở nhà và làm những ông bố, bà mẹ bất đắc dĩ. Điều này đã khiến cho các em bé được sinh ra bị suy dinh dưỡng, thấp còi và tỉ lệ tử vong của trẻ em dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi gia tăng. Đồng thời, cũng làm tăng tỉ lệ tử vong của bà mẹ liên quan đến thai sản, gây khó khăn cho công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ và chăm sóc trẻ em.
Tại thôn 4, xã Lộc Bắc (huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng), phóng viên trao đổi với K’Thắm thì được biết, cô gái này lấy chồng từ năm 15 tuổi, khi đang học lớp 9. Thế nhưng, đến năm 2019 cô và chồng mới đủ tuổi và đến UBND xã để đăng kí kết hôn.
Sau khi kết hôn, cặp vợ chồng trẻ đã được bố mẹ chia cho 5 sào cà phê. Chồng của K’Thắm vừa chăm sóc vườn cà phê, vừa tranh thủ làm thêm bên ngoài để trang trải cuộc sống. Thế nhưng, cuộc sống của họ vẫn chưa khá lên được do công việc ổn định không có.
Trong khi đó, tại buôn Hàng Piơr, xã Bảo Thuận (huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng), bà K’ Dĩnh cho biết: "Con cô, con cậu lấy nhau sinh ra con nên nó bị đau ốm suốt, nuôi mãi không lớn được, còn bị dị tật bẩm sinh. Nếu biết hậu quả thế này thì chúng tôi không cho chúng nó lấy nhau đâu. Gia đình chúng tôi giờ không cho chúng lấy nhau như thế này nữa, thế gọi là hôn nhân cận huyết, nên mọi người đừng đi theo "lỗi lầm" của chúng tôi".
Theo Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng, giai đoạn 2015-2020, qua điều tra, khảo sát chưa đầy đủ toàn tỉnh có 1.064 trường hợp tảo hôn chiếm tỷ lệ 3,68% so với tổng số kết hôn và 30 cặp hôn nhân cận huyết thống chiếm tỉ lệ 0,1% so với tổng số kết hôn. Tuy nhiên, con số thực tế về tình trạng trên còn cao hơn rất nhiều.
Liên quan đến tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết ở Lâm Đồng, phóng viên đã có buổi trao đổi với ông Dơ Woang Ya Gương – Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh. Ông Gương cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn là do trình độ hạn chế của người dân địa phương. Người vi phạm thường ở độ tuổi đang đi học, do học lực yếu và bỏ học nên ở nhà lấy vợ, lấy chồng sớm hơn tuổi quy định. Đồng thời, vẫn đang còn tồn tại phong tục, tập quán lấy chồng, lấy vợ sớm hơn tuổi quy định của một số dân tộc thiểu số.
Đặc biệt, cấp ủy, chính quyền và đoàn thể các địa phương chưa thực sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo tốt công tác tuyên truyền và vận động thuyết phục người dân, thiếu biện pháp quản lý, giáo dục phòng ngừa đối tượng vị thành niên, chưa kiên quyết xử lý theo quy định.
Song song với đó, các phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên (Cơ ho, Chu ru, Mạ, M’Nông...) vẫn còn duy trì chế độ hôn nhân theo mẫu hệ và không muốn có người của dòng họ khác sử dụng gia tài của mình có được nên đã xảy ra trường hợp "con bà cô, lấy con ông cậu" để đảm bảo an toàn.
"Đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025". Hiện nay, một số đơn vị đã triển khai thực hiện tốt các nội dung của đề án như xã Đồng Nai Thượng (huyện Cát Tiên), Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS THPt liên huyện phía Nam, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS THPt Di Linh, xã Đạ Quyn (huyện Đức Trọng) có đến 96% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết tại xã Đạ Quyn tồn tại gần như phổ biến trong đời sống của đồng bào từ xưa đến nay cũng đã giảm rõ rệt.
Qua những năm triển khai đề án, tại tỉnh Lâm Đồng đã cơ bản nâng cao được nhận thức, ý thức trách nhiệm của xã hội, cộng đồng và người dân vùng dân tộc thiểu số trong thực hiện các quy định pháp luật về hôn nhân và gia đình. Từ đó tạo được sự đồng thuận trong xã hội nhằm ngăn ngừa tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số", ông Ya Gương đánh giá.
Đến nay, công tác điều tra, khảo sát hàng năm còn gặp nhiều khó khăn với nhiều lý do phần lớn người dân vi phạm không khai báo với chính quyền. Trong khi đó, chính quyền chưa sâu sát trong đời sống đồng bào dân tộc thiểu số nên chưa phát hiện và tư vấn, can thiệp kịp thời nhất là đối với tình trạng hôn nhân cận huyết. Hoặc vì thành tích nên chính quyền địa phương không báo cáo đầy đủ, số liệu thực tế có thể còn cao hơn.
Điều đặc biệt nhất khiến tình trạng trên vẫn còn xuất hiện nhiều là do phong tục, tập quán không còn phù hợp với đời sống ngày nay, đã tồn tại lâu đời nên không thể một sớm một chiều xóa bỏ mà cần có thời gian vận động trên tinh thần giảm dần năm sau giảm nhiều hơn năm trước và tiến tới xóa bỏ hoàn toàn.