Làng nhiều chùa nhất Việt Nam (Bài 2): Từ làng chùa thành "nơi đáng sống" của các tín đồ phật giáo

Văn Long Thứ năm, ngày 21/07/2022 06:30 AM (GMT+7)
Không chỉ nhiều chùa nhất, “làng chùa Đại Ninh" còn là "địa chỉ đỏ" khi các chức sắc, tín đồ tôn giáo, phật tử cùng người dân chung tay xây dựng một cuộc sống văn minh, tốt đẹp; cưu mang trẻ em cơ nhỡ có hoàn cảnh khó khăn và tích cực tham gia công tác từ thiện.
Bình luận 0

Clip: "Làng chùa Đại Ninh" với công tác làm từ thiện, cưu mang trẻ em cơ nhỡ tại xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.

Mái ấm của trẻ lang thang cơ nhỡ

Sau khi tham quan khuôn viên chùa Pháp Vân, Hòa thượng Thích Đạo Thành đã đưa chúng tôi đến khu vực các chú tiểu đang được nuôi dưỡng, học tập tại chùa. Những chú tiểu sống ở chùa có rất nhiều hoàn cảnh, người được gia đình gửi tới, đứa thì lang thang, cơ nhỡ được chùa cưu mang.

Làng nhiều chùa nhất Việt Nam ở Lâm Đồng (bài 2): Sống “tốt đời đẹp đạo” theo giáo lý của đạo Phật - Ảnh 2.

Những chú tiểu được chăm sóc, nuôi dưỡng và cho học tập tại chùa Pháp Vân. Ảnh: Văn Long.

"Hiện tại, chùa Pháp Vân đang nuôi dưỡng 16 chú tiểu có hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ. Có chú thì bố mẹ đưa đến chùa nói vài câu rồi để con lại, lên xe bỏ đi. Chứng kiến các con khóc, bố mẹ lại vô trách nhiệm như vậy, mình không thể không cưu mang các con được, mà đã nhận thì phải lo cho các con đến nơi đến chốn" - Hòa thượng Thích Đạo Thành chia sẻ.

Các thầy nuôi các chú tiểu ăn học đàng hoàng như bao đứa trẻ khác. Những ngày nghỉ hè thì chùa thuê giáo viên về dạy học thêm, thuê võ sư dạy võ cho các chú tiểu. Khi lớn lên, các chú tiểu đã học xong cấp 3 thì có quyết định tu hay ra ngoài đời lập nghiệp là quyền của các chú. Hiện, có 1 chú tiểu được nuôi dưỡng tại chùa đang học Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn vừa học Trung cấp Phật học. Bên cạnh đó cũng có một người đã học xong Cao cấp Phật học".

Làng nhiều chùa nhất Việt Nam ở Lâm Đồng (bài 2): Sống “tốt đời đẹp đạo” theo giáo lý của đạo Phật - Ảnh 3.

Thôn Phú An có khoảng 1.200 nhân khẩu nhưng đã có đến 50% người dân tu tại gia. Ảnh: Văn Long.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Thành – Bí thư Chi Bộ thôn Phú An (xã Phú Hội, huyện Đức Trọng) cho biết, thôn Phú An có khoảng 1.200 nhân khẩu, tuy nhiên có đến 50% người dân tu tại gia. Tại địa phương, từ những người tu tại gia cho đến những sư thầy trong các ngôi chùa được Giáo hội Phật giáo huyện Đức Trọng công nhận đều sống rất hài hòa, tình hình an ninh trật tự tại địa phương luôn được đảm bảo.

Đặc biệt, các chùa, tịnh xá đều tham gia rất tốt các chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng cuộc sống văn minh, xanh - sạch - đẹp. Các cơ sở tôn giáo đều chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước, thực hiện nếp sống văn minh; luôn chung tay, góp sức vì sự phát triển của địa phương.

Tích cực làm từ thiện

Sau nửa ngày tham quan "làng chùa Đại Ninh", phóng viên Dân Việt gặp được bà K’Suynh – Phó Chủ tịch UBND xã Phú Hội. Vị lãnh đạo này cho biết: "Xã Phú Hội hiện 34 chức sắc tôn giáo, 42 cơ sở thờ tự được công nhận trên địa bàn. Trong đó, riêng 2 thôn Phú An và Phú Bình đã có đến hơn 30 cơ sở thờ tự của đạo Phật thường được gọi là "làng chùa Đại Ninh". Tình hình hoạt động tôn giáo của các cơ sở tôn giáo trên địa bàn đến nay cơ bản ổn định, chưa phát sinh các vấn đề liên quan đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Làng nhiều chùa nhất Việt Nam ở Lâm Đồng (bài 2): Sống “tốt đời đẹp đạo” theo giáo lý của đạo Phật - Ảnh 4.

Những ngôi chùa tại thôn Phú An được trang trí rất đẹp trên nền khí hậu ôn hòa. Ảnh: Văn Long.

Cũng trong thời gian qua, chính quyền địa phương đã vận động nhiều chức sắc, tín đồ tôn giáo tham gia các các tổ chức chính trị-xã hội. Hiện có 4 chức sắc, 43 tín đồ tôn giáo tham gia vào Ủy ban Mặt trận và Ban chấp hành, Ban thường vụ các đoàn thể của xã Phú Hội".

Bà K’Suynh cũng cho biết, từ năm 2019 đến nay các tổ chức tôn giáo đã đóng góp xây dựng 2 căn nhà đại đoàn kết, tặng trên 3.000 phần quà cho hộ nghèo, cận nghèo gia đình khó khăn. Bên cạnh đó, còn có hơn 4.000 phần quà cho thiếu nhi nghèo, khó khăn nhân dịp Tết trung thu với tổng giá trị trên 2 tỷ đồng.

Ngoài ra, trong trận lũ lụt tại miền Trung năm 2020, các chùa Vĩnh Minh Tự Viện, Chùa Pháp Vân, Chùa Phú Hội... đã vận động hỗ trợ 6 chuyến xe chở hàng hóa, nhu yếu phẩm hỗ trợ người dân với tổng kinh phí trên 700 triệu đồng.

Làng nhiều chùa nhất Việt Nam ở Lâm Đồng (bài 2): Sống “tốt đời đẹp đạo” theo giáo lý của đạo Phật - Ảnh 5.

Tượng Quán Thế Âm Bồ Tát tại chùa Pháp Vân được xem là tượng phật cao nhất nhì Việt Nam tại thời điểm được thành lập. Ảnh: Văn Long.

Đặc biệt, các chức sắc, chức việc, người uy tín trong các tôn giáo tích cực tham gia phát huy vai trò tuyên truyền, vận động tín đồ, người dân chấp hành quy định của Nhà nước về phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Các tổ chức tôn giáo đã đóng góp cho quỹ tiêm phòng Covid-19 trên 500 triệu đồng, hỗ trợ trang thiết bị khử khuẩn tại UBND xã Phú Hội với kinh phí 40 triệu đồng. Phát trên 10.000 khẩu trang, hỗ trợ trên 5.000 suất quà cho các khu vực cách ly trên địa bàn xã.

Chính vì những kết quả trên, bà K’Suynh cho biết, trong những năm tới, địa phương sẽ tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo thực hiện tốt cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", tham gia ủng hộ "Quỹ vì người nghèo", thực hiện tốt phong trào "chung tay vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem