Làng nhiều chùa nhất Việt Nam (Bài cuối): Tạo điều kiện để cơ sở phật giáo hoạt động đúng quy định pháp luật

Văn Long Thứ sáu, ngày 22/07/2022 06:30 AM (GMT+7)
Tại “làng chùa Đại Ninh” có nhiều cơ sở tôn giáo được cấp phép, tuy nhiên cũng có những cơ sở chưa được chính quyền địa phương công nhận. Vì vậy, Ban tôn giáo tỉnh Lâm Đồng đã quản lý theo đúng pháp luật hoạt động tôn giáo tại địa phương.
Bình luận 0

Tự do tôn giáo trong khuôn khổ pháp luật

Liên quan đến việc hình thành "làng chùa Đại Ninh" tại xã Phú Hội, huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng), phóng viên Dân Việt đã có buổi trao đổi với ông Đặng Xuân Hồng – Phó Ban Tôn giáo thuộc Sở Nội vụ tỉnh Lâm Đồng.

Clip: Chính quyền các cấp ở tỉnh Lâm Đồng luôn tạo điều kiện để Phật giáo hoạt động đúng quy định của pháo luật.

Ông Hồng cho biết, "làng chùa Đại Ninh" là khu vực khá đặc biệt tại tỉnh Lâm Đồng. Hiện, theo thống kê của đơn vị này thì "làng chùa Đại Ninh" có khoảng 20 cơ sở thờ tự Phật giáo hợp pháp. Bên cạnh đó, còn có nhiều tịnh xứ, tịnh thất hoạt động tự phát, chưa được chính quyền địa phương công nhận.

Làng có nhiều chùa nhất Việt Nam tại Lâm Đồng (bài 3): Quản lý chặt chẽ tình hình hoạt động tôn giáo - Ảnh 1.

Cơ quan chức năng tại tỉnh Lâm Đồng quản lý rất chặt chẽ tình hình hoạt động tôn giáo tại địa phương. Ảnh: Văn Long.

"Theo Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì việc hình thành các cơ sở tôn giáo hợp pháp cần phải dựa trên các yếu tố: Xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân địa phương; nằm cách xa cơ sở thờ tự hợp pháp khác và được phê duyệt quy hoạch đất tôn giáo.

Tại địa phương, hiện nay những cơ sở tôn giáo chưa được nhà nước công nhận thì chỉ xác định là tu tại gia. Vì vậy, đối với các cơ sở chưa được công nhận thì không cho phép tập trung đông người để sinh hoạt tôn giáo và không được treo bảng hiệu. Nếu vi phạm sẽ bị chính quyền sở tại lập biên bản, xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành", ông Đặng Xuân Hồng thông tin.

Làng có nhiều chùa nhất Việt Nam tại Lâm Đồng (bài 3): Quản lý chặt chẽ tình hình hoạt động tôn giáo - Ảnh 2.

Việc hình thành và hoạt động của các cơ sở tôn giáo phải thực hiện đúng quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo hiện hành. Ảnh: Văn Long.

Ông Hồng cũng cho biết, trong những năm qua, các cấp chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện để các cơ sở tôn giáo hoạt động hợp pháp. Trong các buổi lễ trọng cũng như các chức sắc tôn giáo bị ốm đau thì địa phương luôn quan tâm, hỗ trợ kịp thời.

"Trong công tác quản lý nhà nước về tôn giáo tại địa phương vẫn còn một số hạn chế như: Việc giải quyết một số thủ tục hành chính lĩnh vực tôn giáo về thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc còn chậm so với quy định của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Bộ thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cơ sở tôn giáo chưa đạt kết quả cao. Công tác quản lý về trật tự xây dựng, quản lý sinh hoạt tôn giáo trái phép, nhất là khu vực vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa của chính quyền cơ sở chưa chặt chẽ, chưa kịp thời phát hiện, xử lý theo quy định của pháp luật", ông Hồng thông tin thêm.

Nâng cao tỷ lệ các cơ sở tôn giáo hợp pháp

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Lê Nguyên Hoàng – Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng cho biết, đối với việc quản lý đất đai, xây dựng tại khu vực "làng chùa Đại Ninh" nói riêng cũng như trên địa bàn huyện nói chung, UBND huyện đã yêu cầu Phòng Nội vụ, Phòng Kinh tế và Hạ tầng, Phòng Tài nguyên và Môi trường cùng các đơn vị liên quan tập trung thực hiện nhiều nội dung quan trọng.

Huyện Đức Trọng đã và đang tiếp tục triển khai tuyên truyền Luật Tín ngưỡng, tôn giáo của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật tín ngưỡng, tôn giáo đến cán bộ, công chức, chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo trên địa bàn.

Làng có nhiều chùa nhất Việt Nam tại Lâm Đồng (bài 3): Quản lý chặt chẽ tình hình hoạt động tôn giáo - Ảnh 3.

Huyện Đức Trọng đã và đang tăng cường công tác quản lý về đất đai và xây dựng đối với các cơ sở tôn giáo tại địa phương. Ảnh: Văn Long.

"Huyện đã tập trung tuyên truyền, phổ biến các quy định về đất đai cho các cơ sở tôn giáo nhằm nâng cao tỷ lệ các cơ sở tôn giáo hợp pháp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định. Đồng thời, các xã, thị trấn cần tăng cường công tác hướng dẫn các cơ sở tôn giáo về thủ tục đất đai, xây dựng đảm bảo theo đúng quy định.

Ngoài ra, địa phương cũng tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng đối với các công trình xây dựng có liên quan đến tôn giáo. Không để hình thành các cơ sở xây dựng tư nhân thành các điểm sinh hoạt tôn giáo trái phép. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các trường hợp xây dựng không đúng quy định hoặc sử dụng đất sai mục đích", ông Hoàng thông tin.

Làng có nhiều chùa nhất Việt Nam tại Lâm Đồng (bài 3): Quản lý chặt chẽ tình hình hoạt động tôn giáo - Ảnh 4.

Trong những năm qua, tại Lâm Đồng, tình hình hoạt động tôn giáo đang đi vào nề nếp, ổn định. Ảnh: Văn Long.

Theo đánh giá của Ban Tôn giáo tỉnh Lâm Đồng, trong những năm qua được sự quan tâm, lãnh đạo của các cấp, các ngành thì tình hình hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo tại địa phương đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Hoạt động tôn giáo ngày càng đi vào nề nếp, ổn định, tình trạng sinh hoạt tôn giáo trái phép, khiếu nại, khiếu kiện giảm. 

Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa các cấp chính quyền, mặt trận, đoàn thể với các cấp tổ chức, chức sắc, tôn giáo ngày càng thân thiết, gần gũi, gắn bó mật thiết. Từ đó, phát huy được vai trò, vị trí của chức sắc, tổ chức tôn giáo trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, tích cực tham gia các phong trào do địa phương phát động, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem