Cụ thể, ngày 17/8/2022, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 5273/VPCP-NN gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, kiểm tra thông tin về chuyển nhượng kết quả nghiên cứu giống cây trồng trong sản xuất nông nghiệp.
Văn bản của Văn phòng Chính phủ nêu rõ, ngày 13/7/2022, báo điện tử Dân Việt và dư luận phản ánh hiện tượng một số viện khoa học sử dụng ngân sách Nhà nước để nghiên cứu, sản xuất giống cây trồng, sau đó bán bản quyền cho doanh nghiệp, người dân phải đi mua giống của doanh nghiệp hoặc trồng thuê cho doanh nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, xử lý thông tin nêu trên trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao theo đúng quy định của pháp luật.
Trước đó, ngày 12/7, báo điện tử Dân Việt có bài: "Long An: Nông dân kêu khó xuất khẩu thanh long vì vướng bản quyền bảo hộ", ngày 13/7, Dân Việt tiếp tục có bài: "Nông dân kêu khó vì giống thanh long quý đã bán bản quyền, Giám đốc Sở NNPTNT Long An nói: Không ảnh hưởng", phản ánh việc các thành viên Hợp tác xã thanh long Vạn Thành (xã Hiệp Thạnh, Châu Thành, Long An) đang gặp khó khăn trong việc chứng nhận nguồn gốc xuất xứ giống thanh long ruột đỏ LD1 liên quan đến việc bản quyền giống.
Mọi chuyện bắt đầu từ khi Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam quyết định bán bản quyền giống thanh long LD1 cho Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit với giá 5 tỷ đồng vào ngày 15/5/2017.
Theo ông Nguyễn Vạn Thành, Giám đốc Hợp tác xã thanh long Vạn Thành, do bản quyền giống thanh long LD1 hiện đã thuộc về Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit nên các cơ sở, hợp tác xã, nông dân muốn xuất khẩu thanh long gặp nhiều khó khăn.
"Hiện nay, các thị trường nhập khẩu đều đòi hỏi phải có nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, trong tờ khai hải quan phải thể hiện nguồn gốc giống đó ở đâu, như vậy, nếu chúng tôi muốn xuất khẩu thanh long phải có chứng nhận của Công ty Hoàng Phát Fruit về xuất xứ. Chúng tôi rất lo phải mất thêm phí bản quyền thì mới có thể xuất khẩu", ông Thành nói.
Trong khi đó, đại diện đơn vị lai tạo giống, TS.Trần Thị Oanh Yến, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam, cho biết, Viện không bán đại trà giống thanh long LD1 cho nông dân mà chỉ bán một số lượng hạn chế để thực hiện khảo nghiệm. Sau đó, thấy hiệu quả, bà con tự nhân giống bán cho nhau nên Viện không thể can thiệp được.
"Lúc đó, Viện chỉ thực hiện khảo nghiệm diện hẹp nhưng bà con đã tự động nhân giống bán cho nhau. Thực tế, chúng tôi nghiên cứu được khoảng 14 dòng thanh long ruột đỏ, về nguyên tắc các dòng đều phải trải qua thời gian khảo nghiệm rồi mới được công nhận giống chính thức", bà Yến cho biết.
Khẳng định việc Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam bán bản quyền giống thanh long ruột đỏ LD1 cho Công ty Hoàng Phát Fruit là hoàn toàn đúng quy định pháp luật, bà Yến cho rằng, việc đảm bảo bản quyền giống là rất cần thiết để bảo vệ quyền lợi chung của nông dân và doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Khắc Huy, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit cho biết, việc doanh nghiệp quyết định mua giống thanh long ruột đỏ LD1 là hoàn toàn theo đúng thông lệ quốc tế về bản quyền giống cây trồng.
Ông Huy cũng cam kết, sẵn sàng hợp tác với các cơ sở trồng thanh long chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, ghi tên khoa học để đảm bảo các yêu cầu của các thị trường nhập khẩu.