Bảo hộ giống thanh long, nông dân Long An chưa giàu có đã thấy ồn ào, thua thiệt

Trần Đáng Thứ năm, ngày 16/06/2022 12:20 PM (GMT+7)
Vùng trồng thanh long ở Châu Thành (Long An) có hơn chục năm nay. Tuy nhiên, từ năm 2020, khi giống thanh long ruột đỏ LD1 (có tên khoa học Hylocereus undatus và Hylocerus costaricensis) vướng quyền bảo hộ giống, nơi đây bùng phát sóng gió.
Bình luận 0

Ông Nguyễn Vạn Thành (xã Hiệp Thạnh, Châu Thành), một nông dân trồng thanh long kỳ cựu ở Châu Thành cho biết, ông mua giống thanh long LD1 của Viện Cây ăn quả miền Nam và trồng từ năm 2012. Đến năm 2020, Viện Cây ăn quả miền Nam bán giống thanh long ruột đỏ này cho Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit và công ty đã đăng ký quyền bảo hộ giống.

Bảo hộ giống thanh long chưa giàu có đã thấy ồn ào, thua thiệt - Ảnh 1.

Công ty Hoàng Phát, đơn vị bảo hộ giống thanh long thanh long ruột đỏ LD1 (có tên khoa học Hylocereus undatus và Hylocerus costaricensis). Ảnh: Trần Đáng

Hậu quả nhãn tiền với quyền bảo hộ giống

Cũng theo ông Thành, từ ngày giống thanh ruột đỏ LD1 bị quyền bảo hộ giống chi phối việc sản xuất và kinh doanh  của nông dân trên địa bàn bị đảo lộn.

Theo đó, lâu nay ông Thành trồng thanh long ruột đỏ bán cho doanh nghiệp xuất khẩu sang Nhật Bản. Mỗi tuần, ông bán khoảng 20-30 tấn thanh long cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Tuy nhiên, mới đây doanh nghiệp này thông báo việc mua bán thanh long sắp tới sẽ gặp trở do phía Nhật Bản lo ngại xâm phạm bản quyền bảo hộ giống thanh long LD1.

Không chỉ sản xuất, kinh doanh thanh long bị đảo lộn, việc xin mã vùng trồng và mã giống cũng đang… bất khả thi.

Ông Nguyễn Trọng Trung Dũng, Trưởng điều hành Công ty TNHH Chế biến trái cây Zasaka ở Bình Dương cho biết, công ty đã gởi đơn xin mã vùng trồng, mã giống thanh long ruột đỏ nhưng hơn 2 tháng chưa được cơ quan chức năng giải quyết với lý do người khác đang có chứng nhận bảo hộ giống này rồi.

Bảo hộ giống thanh long chưa giàu có đã thấy ồn ào, thua thiệt - Ảnh 2.

Bằng bảo hộ giống thanh long LD1 của Công ty Hoàng Phát. Ảnh: Trần Đáng

"Cơ quan chức năng yêu cầu doanh nghiệp phải chứng minh có sở hữu giống thanh long này không. Giờ muốn xuất thanh long sanh Hàn Quốc phải có mã vùng trồng, nhưng không có mã vùng trồng lấy gì đăng ký với bên kiểm dịch", ông Dũng thổ lộ.

Về việc quản lý vùng trồng thanh long tại Long An, vừa qua Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) có công văn gởi Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng (Long An). 

Nội dung công văn này có ghi: Đối với vùng trồng thanh long ruột đỏ đăng ký xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc, đề nghị Chi cục cung cấp tên giống để Cục BVTV có căn cứ gắn mã số cho các vùng trồng này vì theo quy định, Nhật Bản chỉ chấp thuận nhập khẩu thanh long ruột đỏ giống lai giữa Hylocereus undatus và Hylocerus costaricensis.

Theo ông Thành, tại Long An nông dân trồng thanh long ruột đỏ LD1 chiếm 90%. Hiện, Long An có 12.000ha thanh long. Việc Cục Bảo vệ thực vật yêu cầu cung cấp tên giống mới để Cục gắn mã vùng là… bất khả thi cho người đăng ký.

"Thanh long ruột đỏ nông dân Châu Thành đang trồng hiện nay là giống đang được bảo hộ", ông Thành khẳng định.

Bảo hộ giống thanh long chưa giàu có đã thấy ồn ào, thua thiệt - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Vạn Thành và gốc thanh long LD1 mua của Viện Cây ăn quả miền Nam vào năm 2012 trước khi bị bảo hộ giống. Ảnh: Trần Đáng

Cũng theo ông Dũng, Hàn Quốc mở cửa cho nhập thanh long ruột đỏ khoảng 3 năm nay. Nhưng vừa mở cửa, cũng là lúc Công ty Hoàng Phát mua và bảo hộ giống thanh long ruột đỏ, nên giờ không còn doanh nghiệp nào xuất thanh long sang thị trường Hàn Quốc được nữa trừ… Công ty Hoàng Phát.

"Với thị trường Nhật, do trước nay diễn ra rồi nên bây giờ cứ tiếp diễn xuất khẩu thanh long ruột đỏ. Nhưng tương lai không xa sẽ xảy ra tình trạng như Hàn Quốc", ông Dũng khẳng định.

Không dừng lại ở đó, ông Dũng dự đoán nhiều khả năng thị trường các nước khác cũng đòi hỏi trong hồ sơ xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước phải ghi rõ mã vùng, mã giống thanh long ruột đỏ. Điều này đồng nghĩa, thanh long ruột đỏ Việt Nam không thể xuất đi đâu nếu không qua tay Công ty Hoàng Phát.   

Bảo hộ giống thanh long để không… "ăn chùa"

Trao đổi với TS. Võ Hữu Thoại, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam (Tiền Giang) về việc bán giống thanh long LD1 cho Công ty Hoàng Phát và công ty này làm chứng nhận bảo hộ giống, ông Thoại cho rằng, bán để có tiền nuôi hoạt động nghiên cứu giống của viện. Và bán giống thanh long để doanh nghiệp trong nước "hết cảnh ăn chùa".

"Đừng có mong ăn chùa nữa. Quen ăn chùa rồi. Không bỏ tiền ra mua bản quyền mà muốn xuất khẩu chùa", ông Thoại thổ lộ.

Bảo hộ giống thanh long chưa giàu có đã thấy ồn ào, thua thiệt - Ảnh 5.

Khi bị bảo hộ giống doanh nghiệp không dám mua thanh long của HTX, HTX không mua thanh long của nông dân. Ảnh: Trần Đáng

Lý giải về việc vì sao Viện đã bán giống thanh long trước đó rồi gần chục năm sau bán và đồng ý cho Công ty Hoàng Phát sở hữu trí tuệ, bảo hộ giống, ông Thoại cho biết, trước đó "bán chút xíu giống" ra thị trường mà thôi.

Thực tế, theo một cán bộ Phòng NNPTNT huyện Châu Thành, Viện Cây ăn quả miền Nam bán ra "hằng hà" giống thanh long ruột đỏ LD1 cho nông dân huyện Châu Thành trồng.

Năm 2017, diện tích thanh long ở huyện Châu Thành tăng vọt lên hơn 7.000ha, chủ yếu là thanh long LD1.

Giải quyết việc "bán trước giống trước, bảo hộ sau", ông Thoại cho rằng, bà con nông dân, doanh nghiệp muốn bán thanh long LD1 phải đàm phán với doanh nghiệp bảo hộ giống.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Khắc Huy, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Phát cho biết, doanh nghiệp nào muốn xuất khẩu thanh long ruột đỏ thì đến hợp tác, công ty sẽ cung cấp thanh long cho xuất khẩu.

Bảo hộ giống thanh long chưa giàu có đã thấy ồn ào, thua thiệt - Ảnh 6.

Việc bảo bộ giống thanh long không biết tốt hay xấu cho nghề trồng thanh long ở Long An. Ảnh: Trần Đáng

Ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Long An cho biết, trước khi giống thanh long DL1 do Viện Cây ăn quả miền Nam nghiên cứu được bảo hộ giống, nông dân đã trồng giống thanh long này khoảng chục năm.

"Nếu bán ngay ban đầu khi làm giống, rồi làm bảo hộ không vấn đề gì. Đằng này đã bán giống ra ngoài, nông dân trồng thanh long mênh mông, rồi lại bán cho doanh nghiệp bảo hộ giống, thì khó cho nông dân, doanh nghiệp quá. Bây giờ các doanh nghiệp xuất khẩu không dám xuất khẩu thanh long ruột đỏ vì sợ vi phạm bản quyền của công ty Hoàng Phát. Thật khó hiểu!", ông Trịnh ngao ngán.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem