Nông dân kêu khó vì giống thanh long quý đã bán bản quyền, Giám đốc Sở NNPTNT Long An nói: Không ảnh hưởng

Khánh Nguyên (ghi) Thứ tư, ngày 13/07/2022 12:10 PM (GMT+7)
Trước băn khoăn của nông dân về việc giống thanh long ruột đỏ LD1 đã được doanh nghiệp mua bản quyền sẽ gây khó khăn cho bà con trong việc chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An khẳng định, việc sản xuất, xuất khẩu thanh long không bị ảnh hưởng bởi vấn đề bản quyền.
Bình luận 0
Nông dân kêu khó vì giống thanh long quý đã bán bản quyền, Giám đốc Sở NNPTNT Long An nói: Không ảnh hưởng - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An khẳng định, việc sản xuất, xuất khẩu thanh long ruột đỏ LD1 không bị ảnh hưởng bởi vấn đề bản quyền. Ảnh: Báo Long An.

Mới đây, đại diện Hợp tác xã thanh long Vạn Thành (Châu Thành, Long An) có bày tỏ sự băn khoăn, lo lắng việc xuất khẩu thanh long ruột đỏ LD1 sang một số thị trường sẽ gặp khó khăn do giống thanh long này đã được Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam bán bản quyền cho Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit từ năm 2017, trong khi bà con đã mua giống của Viện và trồng từ trước đó với diện tích khá lớn. Quan điểm của Sở NNPTNT tỉnh Long An về vấn đề này như thế nào?

- Ngay sau khi có những băn khoăn, kiến nghị của nông dân, hợp tác xã, đại diện Sở NNPTNT tỉnh Long An đã có cuộc làm việc với Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam, Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit.

Hội Nông dân tỉnh Long An cũng đã mời các đơn vị họp để thống nhất, kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, kiến nghị của nông dân.

Sau khi làm việc với các bên, đến giờ này có thể khẳng định, vấn đề bản quyền giống thanh long ruột đỏ LD1 giữa Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam và Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit không ảnh hưởng đến việc sản xuất thanh long của bà con nông dân. 

Ông Nguyễn Khắc Huy, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit, đồng thời là Phó Chủ tịch Hội Thanh long tỉnh Long An cũng khẳng định việc doanh nghiệp mua bản quyền giống thanh long LD1 là để giúp bà con yên tâm sản xuất, bảo hộ giống cây trồng có chất lượng của Việt Nam.

Doanh nghiệp cũng khẳng định bảo hộ sản phẩm ở nước ngoài, còn tại thị trường nội địa, nông dân cứ sản xuất bình thường. Đối với thị trường Trung Quốc và một số thị trường khác, việc xuất khẩu vẫn bình thường, không bị tác động bởi vấn đề giống thanh long ruột đỏ LD1 đã được bán bản quyền bảo hộ.

Nông dân kêu khó vì giống thanh long quý đã bán bản quyền, Giám đốc Sở NNPTNT Long An nói: Không ảnh hưởng - Ảnh 2.

Đại diện Hợp tác xã thanh long Vạn Thành (Châu Thành, Long An) có bày tỏ sự băn khoăn, lo lắng việc xuất khẩu thanh long ruột đỏ LD1 sang một số thị trường sẽ gặp khó khăn do giống thanh long này đã được Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam bán bản quyền cho Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit từ năm 2017. Ảnh: Báo Long An.

Vậy giống thanh long ruột đỏ LD1 đã được doanh nghiệp đăng ký bảo hộ ở thị trường nào, thưa ông?

- Hiện, Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit đã đăng ký bảo hộ bản quyền giống thanh long ruột đỏ LD1 ở Hàn Quốc, Nhật Bản.

Nhưng điều đó không có nghĩa các doanh nghiệp, đơn vị khác không được xuất khẩu thanh long ruột đỏ sang thị trường này, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể xuất khẩu, nhưng phải chia sẻ với Hoàng Phát Fruit để thống nhất tên tuổi, giữ uy tín chất lượng ở thị trường đó.

Thực tế, việc xuất khẩu thanh long thời gian qua có gặp khó khăn ở thị trường Trung Quốc, nhưng không phải vì vấn đề bản quyền mà là do Trung Quốc thực hiện chính sách "Zero Covid", còn thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc đòi hỏi sản phẩm phải chứng minh nguồn gốc xuất xứ, doanh nghiệp muốn xuất khẩu có thể liên kết với Hoàng Phát Fruit để thống nhất nội dung này.

Theo tôi được biết, phía doanh nghiệp có bản quyền giống thanh long ruột đỏ LD1 sẵn sàng liên kết, ủng hộ.

Tuy nhiên, doanh nghiệp, nông dân đều lo phải đóng phí bản quyền?

- Thực tế, các thị trường khác không đòi hỏi chứng nhận xuất xứ thì không có phí, chỉ riêng Nhật Bản, Hàn Quốc đòi hỏi phải có chứng nhận xuất xứ thì các đơn vị phải thỏa thuận với doanh nghiệp đã mua bản quyền.

Cũng phải nói thêm rằng, việc đăng ký bản quyền giống là rất cần thiết để không bị đánh mất vào tay các doanh nghiệp nước ngoài.

Như câu chuyện gạo ST25 của ông Hồ Quang Cua là một ví dụ, trong khi doanh nghiệp đang lo sản phẩm bị làm giả ở trong nước thì đã có doanh nghiệp nước ngoài đăng ký bản quyền tận bên Mỹ.

Thời gian tới, Sở NNPTNT, Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam, Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit sẽ mời các ngành chức năng thông tin chính thức về vấn đề này, để nông dân yên tâm sản xuất.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem