Dân Việt

Phát hiện lợn chết sau khi tiêm phòng, Bình Định dừng sử dụng vaccine dịch tả lợn châu Phi của Công ty Navetco

Trần Quang 23/08/2022 14:40 GMT+7
Theo dõi sau khi tiêm vaccine dịch tả heo châu Phi (DTHCP) của Công ty CP thuốc thú y T.Ư Navetco và phát hiện có một số đàn lợn có biểu hiện sốt và chết bất thường, Sở NNPTNT tỉnh Bình Định đã yêu cầu các địa phương dừng tiêm phòng loại vaccine mới này để chờ phản hồi từ phía doanh nghiệp.
Phát hiện lợn chết sau khi tiêm vaccine dịch tả heo châu Phi, Bình Định yêu cầu dừng tiêm phòng - Ảnh 1.

Theo dõi sau khi tiêm vaccine dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) phát hiện có một số đàn lợn có biểu hiện sốt và chết nên Sở NNPTNT tỉnh Bình Định yêu cầu các địa phương dừng tiêm phòng loại vaccine mới này để chờ phản hồi từ phía doanh nghiệp.

Lợn sốt, chết sau khi tiêm vaccine phòng dịch tả heo châu Phi

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Đào Văn Hùng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Định, người trực tiếp ký văn bản yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng NNPTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp và UBND các địa phương tạm dừng tiêm phòng vaccine DTHCP giai đoạn 1 cho biết, sau khi kế hoạch giám sát chất lượng và sử dụng vaccine NETVET - ASFVAC phòng bệnh DTHCP do Công ty CP thuốc thu y Trung ương  Navetcosản xuất giai đoạn 1 đã phát hiện một số vấn đề tại thực địa nên cần tiếp tục theo dõi và chờ phản hồi từ phía nhà sản xuất vaccine.

"Sau khi tiêm, chúng tôi rất kỳ vọng loại vaccine mới này sẽ không chế được dịch bệnh nhưng trong quá trình triển khai có vấn đề này chúng tôi yêu cầu các địa phương tạm dừng để tiếp tục theo dõi", ông Hùng nói.

Chia sẻ thêm với chúng tôi về vấn đề này, ông Huỳnh Ngọc Diệp - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Định cho hay: Sau khi có kế hoạch tiêm vaccine DTHCP trong diện hẹp, tỉnh đã có văn bản triển khai tiêm tại 9 cơ sở với 905 con heo và sau theo dõi, đến ngày (sau khoảng 9 ngày) lấy mẫu thấy đều bình thường.

Tiếp đó, chúng tôi đã triển khai tiêm mở rộng tại các địa phương với số lượng lên đến 4.950 liều, tiêm cả heo trong dân lại thấy các trại báo lên phát hiện một số bị sốt, một số chết, chủ yếu tại huyện An Nhơn và Tây Sơn nên đã báo Sở NNPTNT tỉnh để tạm dùng tiêm phòng để theo dõi.

"Hiện, chúng tôi đang tiến hành rà soát số lượng heo chết chính xác để báo cáo lên Sở NNPTNT tỉnh và nhà sản xuất để tính toán, có hỗ trợ cho bà con", ông Diệp khẳng định.

Ông Ngô Văn Ngọc - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện An Nhơn cho biết, hiện đơn vị đang cho cán bộ đi rà soát lại các trang trại, hộ có heo bị chết sau khi tiêm phòng vaccine DTHCP.

"Do các hộ chăn nuôi đi mua vaccine về tiêm (với giá khoảng 950.000 đồng/25 liều) và chúng tôi chỉ nghe dư luận thấy có tình trạng lợn chết sau khi tiêm. Đến nay, chúng tôi đang rà soát, theo tiến độ đến cuối tuần này sẽ có số liệu cụ thể, chính xác", ông Ngọc thông tin thêm.

Là địa phương được chọn để tiêm phòng vaccine DTHCP trong giai đoạn 1, ông Đoàn Đình Sang - Giám đốc Trung tâm DVNN huyện Phù Cát khẳng định: "Sau khi có thông tin các trại heo gặp vấn đề, phản ứng sau khi tiêm loại vaccine mới nên chúng tôi triển khai chậm lại và chờ tiêm đợt sau".

"Chúng tôi cũng thấy điều khoản hỗ trợ các trại lợn nếu gặp sự cố sau khi tiêm vaccine DTHCP chưa ổn lắm nên vẫn đang chờ, chưa triển khai tiêm"- ông Sang cho biết thêm.

Phát hiện lợn chết sau khi tiêm vaccine dịch tả heo châu Phi, Bình Định yêu cầu dừng tiêm phòng - Ảnh 2.

Vaccine dịch tả heo châu Phi đã được chứng nhận và cho phép lưu hành của Công ty Navetco.

Sẽ hỗ trợ thiệt hại cho nông dân đáp ứng theo đúng quy trình tiêm

Phản hồi về tình trạng lợn chết sau khi tiêm vaccine DTHCP tại Bình Định, ông Trần Xuân Hạnh - Phó Giám đốc Công ty Navetco, chủ trì dự án cho biết, hôm qua (22/8), công ty đã đến địa bàn xác minh. Hiện, tôi chưa nắm được thông tin cụ thể nhưng hình như trong chỉ định tiêm vaccine cho heo 8-10 tuần tuổi mà bà con lại tiêm cho heo nái nên có phản ứng.

Khi được phóng viên hỏi về hỗ trợ thiện hại cho các trang trại phát hiện lợn chết sau khi tiêm vaccne, đại diện Công ty Navetco khẳng đinh: Tại các điểm tiêm, công ty đều có hợp đồng với các trang trại nên nếu các đơn vị này thực hiện đúng quy trình tiêm và đảm bảo có giảm sát khi xảy ra sự cố sẽ được hỗ trợ theo quy định.

"Khi xảy ra sự cố cả hai bên sẽ thỏa thuận với nhau để làm sao đều đảm bảo lợi ích của hai bên", ông Hạnh nói.

Theo ông Hạnh, khi đưa vaccine mới đưa ra trong tình hình lưu hành của virus rất rộng. Nhất là tình trạng mang trùng của virus này trong quá trình nghiên cứu chúng tôi cũng phát hiện ra khả năng các bệnh khác, đặc biệt là tai xanh nên nhiêu khi tiêm vào vật nuôi không phải vaccine nay mà các vaccine khác cũng có thể xảy ra sự cố.

Phóng viên đặt vấn đề nhiều người dân, chủ trang trại lo ngại do vaccine DTHCP mới chưa đạt hiệu quả bảo hộ cao, lãnh đạo Công ty Navetco cho rằng: Vấn đề đó là không đúng. Để đưa loại vaccine mới này ra lưu hành đều đảm bảo quy trình đánh giá rất nghiêm ngặt không giống như các loại vaccine khác.

"Theo quy trình, sau khi tiêm vaccine xong phải trình lên hội đồng khoa học cấp nhà nước và phải gửi mẫu đi kiểm nghiệm đạt mới được làm hồ sơ thông qua hội đồng chuyên nghành sâu để đánh giá cho phép khảo nghiệm. Bình thường các khảo nghiệm chỉ làm ở một điểm nhưng với vaccine này chúng tôi đề nghị nhà nước được làm 2 điểm gồm một điểm miền Bắc và một điểm ở miền Nam, 2 điểm này đều do cơ quan của Cục Thú y đứng ra thực hiện.

Phát hiện lợn chết sau khi tiêm phòng, Bình Định dừng sử dụng vaccine dịch tả lợn châu Phi của Công ty Navetco - Ảnh 4.

Vaccine dịch tả lợn châu Phi NAVET-ASFVAC của Công ty Navetco. Ảnh: Minh Ngọc

Sau khi khảo nghiệm xong lại có hội đồng đánh giá kết quả về tính an toàn, hiệu lực. Tiếp sau đó, công ty mới được cấp phép lưu hành. Dù đã được cấp phép, công ty cũng rất cẩn thận, phía Cục Thú y cũng yêu cầu đơn vị chỉ cung cấp khoảng 600.000 liều ở giai đoạn 1 và tiêm có giảm sát. 

Trong khi triển khai giảm sát tiêm phòng vaccine DTHCP cũng được công ty và các Chi cục Chăn nuôi và Thú y các địa phương làm rất chặt chẽ, nghiêm ngặt theo quy định", ông Hạnh thông tin thêm và cho biết, kết quả trong phòng thí nghiệm thì như vậy nhưng khi triển khai ra thực tế do phổ quá rộng, tình hình bệnh dịch phức tạp nên có thể vẫn xảy ra vấn đề.

"Như chúng ta tiêm vaccine Covid-19 cũng thế, khi tiêm vào một nhóm người không sao nhưng khi tiêm hàng trăm nghìn người, hàng triệu người thì sẽ có người thế này, người thế kia", ông Hạnh nói.

Cũng theo ông Hạnh, Bộ NNPTNT yêu cầu Công ty Navetco triển khai tiêm vaccine DTHCP tại 50 tỉnh, thành trong cả nước nhưng do không đủ người làm nhiều việc từ khảo sát, tiêm, giám sát, theo dõi, lấy mẫu...nên đến nay công ty mới triển khai được trên 10 tỉnh, thành với 6.000 con heo.

"Đa phần các trại tiêm đều bình thường nhưng cũng có trại bị 3,4 con, đấy là điều bình thường", ông Hạnh nói thêm.

Hiện Bộ NNPTNT tổ chức giám sát việc sử dụng vaccine dịch tả lợn châu Phi của Navetco theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1: Sử dụng 600.000 liều ở diện hẹp, được giám sát chặt chẽ, lấy mẫu đánh giá lưu hành virus vaccine và đáp ứng miễn dịch bảo hộ. Giai đoạn 2: Sau khi có báo cáo đánh giá kết quả sử dụng 600.000 liều vaccine, bộ sẽ xem xét chỉ đạo sử dụng ở phạm vi toàn quốc.