Sự thật về loại vaccine dịch tả lợn châu Phi: Lợn chết la liệt sau tiêm vaccine lạ vì... bệnh lạ (Bài 2)

Trần Quang Thứ sáu, ngày 22/07/2022 07:10 AM (GMT+7)
Sau khoảng 1 tuần mua vaccine dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) không rõ nguồn gốc về sử dụng tại trại, đàn lợn của ông Nguyễn Văn Tuấn ở Ứng Hòa (Hà Nội) liên tục xuất hiện các triệu chứng chân sưng phù to, tai tím tái, nổi hạch cổ... và bắt đầu lăn chết la liệt, thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
Bình luận 0
Chủ trang trại thiệt hại hàng chục tỷ đồng vì mua phải vaccine dịch tả lợn châu Phi "chui" - Ảnh 1.

Sau khi mua tiêm vaccine dịch tả lợn châu phi "chui", đàn lợn của tại trang trại của ông Tuấn ở Ứng Hòa (Hà Nội) lăn ra chết la liệt. Ảnh: HĐ

Chi 100 triệu đồng mua vaccine về tiêm nhưng... lợn chết la liệt

Trong lúc đang lo lắng vì nhiều trại của đồng nghiệp ở các vùng bị dính DTLCP, thiệt hại nặng, khoảng cuối tháng 4/2022, ông Tuấn nhận được lời mời chào mua vaccine phòng DTLCP của một nhân viên tiếp thị thuốc nên đã đồng ý ngay.

"Thời điểm đó, dịch tả nổ mạnh, có một số con lợn trong trại có dấu hiệu bị bệnh nên tôi cũng rất nóng lòng, thấy có người rao bán vaccine, nên bàn với anh em đầu tư trên 100 triệu đồng mua đưa về tiêm ngay, mong cứu được đàn lợn nhưng vẫn thất bại", ông Tuấn nhớ lại.

Theo ông Tuấn, khi kiểm tra hàng vaccine do nhân viên bán thuốc giới thiệu của một doanh nghiệp nhưng trên các lọ không ghi rõ địa chỉ sản xuất, các thông tin mập mờ, ông có thắc mắc thì được người bán giải thích: "Đây là vaccine đã nghiên cứu nhưng chưa được công nhận, nên không có tem nhãn mác nhưng đã bán cho nhiều trại dùng đều hiệu quả đạt trên 95%".

 "Khi nhận vaccine, giao tiền mặt cho họ tại trại, tôi cũng hỏi thêm về chính sách hỗ trợ, xử lý sau tiêm vaccine nhưng họ cũng nói rõ là hàng.... bán chui nên không có hỗ trợ, các trại cân nhắc. Thời điểm đó, tôi cũng đang túng quẫn nên cũng mua tiêm liều để cầu may", ông Tuấn kể.

Sau khi mua vaccine, ông Tuấn cũng được nhân viên bán thuốc hướng dẫn cách chọn các con lợn khỏe mạnh, ăn uống bình thường để tiêm. Theo đó, mỗi 1 liều (1 lọ khoảng 20ml) tiêm cho khoảng 10 con. Để tránh lây chéo bệnh, mỗi con lợn được tiêm 1 đầu kim riêng. 

Chủ trang trại thiệt hại hàng chục tỷ đồng vì mua phải vaccine dịch tả lợn châu Phi "chui" - Ảnh 2.

Hiện, tại trang trại của ông Tuấn còn sót lại ít lợn sau đợt thiệt hại nặng vì tiêm phải vaccine dịch tả lợn châu Phi không rõ nguồn gốc. Ảnh: HĐ

Sau khi tiêm, vợ chồng ông Tuấn luôn dõi sát sức khỏe của đàn lợn thấy vẫn ăn uống bình thường. Tuy nhiên, khoảng gần 1 tuần sau đó, một số con lợn con, choai, hậu bị... bắt đầu xuất hiệu dấu hiệu sưng phù chân, cổ nổi hạch nhiều, tai tím tái...

"Vừa mới có triệu chứng lạ, các con lợn đã lăn ra chết ngay. Có con còn phù đầu, lồi nổ mắt... nhìn rất sợ. Chúng tôi có điện hỏi lại người bán vaccine, họ cũng chỉ hướng dẫn qua qua như tách con bị ốm ra chuồng khác, giảm cám cho ăn... Xong rồi cũng mất hút. Đàn lợn tại trang trại cứ thế lần lượt chết la liệt gần hết. Tính ra chúng tôi thiệt hại cả chục tỷ đồng, đau xót lắm", ông Tuấn chia sẻ.

Đã nhiều lần khuyến cáo nhưng dân vẫn liều mua tiêm hàng chui

Tại nơi từng là "thủ phủ" của nghề chăn nuôi lợn ở miền Bắc, xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục (Hà Nam), PV Dân Việt cũng ghi nhận được trường hợp trang trại bị lừa mua phải vaccine DTLCP rởm dẫn đến bị thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

Khoảng giữa tháng 12/2021, nghe theo lời mời chào của một người bạn bán thuốc thú y, vợ chồng chị Trần Thị Thanh ở đội 1, xã Ngọc Lũ đã sử dụng vaccine để tiêm cho đàn lợn giống khoảng 235 con (giá trị khoảng 800.000 đồng/con) và 200 con lợn thịt từ 60-70kg/con.

"Thời điểm đó nghe thấy có vaccine, người chăn nuôi chúng tôi như đang chết đuối vớ được cọc nên ai cũng mừng. Mọi người ai cũng mong sau khi tiêm vaccine vào, đàn lợn sẽ khỏe mạnh, trang trại có cơ hộităng được đàn nhanh, hiệu quả sớm gỡ được khoản thua lỗ trước đó nhưng nào ngờ...", bà Thanh nói như muốn khóc.

Chủ trang trại thiệt hại hàng chục tỷ đồng vì mua phải vaccine dịch tả lợn châu Phi "chui" - Ảnh 3.

Ông Tuấn khử trùng vôi, sát khuẩn các khu chuồng trại sau sự cố, chờ cơ hội tiếp tục chăn nuôi lớn trở lại. Ảnh: HĐ

Khoảng gần 1 tuần, sau khi tiêm vaccine, đàn lợn giống, thịt của gia đình bà Thanh và hàng xóm xuất hiện triệu chứng phù chân, tai tím tái... rồi chết liên tục.

"Các con lợn như kiểu bị sốc thuốc chết rất nhanh, như ngả rạ...  vợ chồng tôi như chết lặng, không còn sức mà đưa đi tiêu hủy. Về sau, người trong gia đình phải gọi xe đến chở đưa đi chôn mấy ngày mới hết. Lợn hết, chúng tôi cũng phá sản, nợ ngập đầu không biết đến khi nào mới trả được", bà Thanh nói.

Mang câu chuyện dân mua chui vaccine DTLCP, bà Trần Thị Bốn - Trưởng ban Chăn nuôi - thú y xã Ngọc Lũ cho biết, thời gian vừa qua, tôi cũng nghe đồn một số trại ở địa phương mua vaccine đưa về tiêm nhưng chưa phát hiện trường hợp nào cụ thể.

"Để chăn nuôi an toàn, tránh thiệt hại, chúng tôi cũng thường xuyên theo dõi, giám sát và tuyên truyền người nuôi không nên mua dùng các loại vaccine trôi nổi trên thị trường mà phải chờ Nhà nước đưa ra mới tiêm cho lợn. Tuy nhiên, có thể một số hộ chăn nuôi lo sợ dịch quá nên vẫn liều mua chui vaccine về tiêm để cầu may mắn, việc làm này tiềm ẩn rất nhiều rủi ra và thiệt hại", bà Bốn khẳng định.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Hoàng Trọng Long - Giám đốc HTX Chăn nuôi Hoàng Long ở Thanh Oai (Hà Nội) cho biết, cách đây khoảng 15 ngày, ông cũng từng được mời chào mua vaccine dịch tả lợn châu Phi nhưng ông đã từ chối luôn vì lo sợ hàng rởm, không an toàn.

"Tôi tìm hiểu và thấy cũng có một số trại của bạn tôi ở các vùng khác đã mua hàng chui đều không có hiệu quả mà còn bị thiệt hại nên tôi không dám mua hàng này về tiêm cho lợn trong trại", ông Long chia sẻ và cho rằng: Trong thời điểm Nhà nước chưa đưa ra các loại vaccine DTLCP, các trại phải tập trung vào chăn nuôi an toàn sinh học triệt để mới tránh được tai họa dịch bệnh.

Vaccine "lạ" từ đâu ra?

Trao đổi với Dân Việt ngày 21/7, lãnh đạo Cục Thú y (Bộ NNPTNT) cho biết đã chỉ đạo các bộ phận chuyên môn vào cuộc để làm rõ thông tin mà Báo điện tử Dân Việt phản ánh. Cùng ngày, Chi cục Chăn nuôi- Thú y Hà Nội cũng đã lập tức vào thanh tra để xử lý ngay tình trạng bán vaccine dịch tả lợn châu Phi không rõ nguồn gốc.

Cho đến nay, Bộ NNPTNT mới cấp phép lưu hành cho duy nhất một loại vaccine là NAVET-ASFVAC của Công ty CP thuốc thú y Trung ương Navetco. Đây là loại vaccine đông khô, nhược độc mới được sản xuất ở diện hẹp. Các loại vaccine còn lại đều trong giai đoạn nghiên cứu thử nghiệm, chưa được cấp phép.

Ngang rao bán vaccine dịch tả lợn châu Phi không rõ nguồn gốc - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thanh T. chủ cửa hàng bán thuốc thu y, vật tư nông nghiệp ở huyện Thường Tín (Hà Nội) và bà Dương Kim N., đại lý kinh doanh thuốc thú y chăn nuôi thủy sản Chức Nhung tại xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín (Hà Nội) rao bán cho chúng tôi loại được cho là vaccine dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: NVCC

Vậy câu hỏi đặt ra, đó là loại vaccine lạ trên từ đâu ra? Theo tìm hiểu của Dân Việt trong bài 1, loại vaccine này là của một cơ sở nghiên cứu trên địa bàn Hà Nội bán ra ngoài và mới trong giai đoạn nghiên cứu, chưa được cấp phép lưu hành. Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng vào Luật Thú y và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.

Theo tìm hiểu của Dân Việt, việc bán và lưu hành vaccine dịch tả lợn châu Phi vi phạm vào khoản 3, điều 36 Nghị định 90 ngày 31/7/2017 của Chính phủ về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y.

Tuy nhiên, hành vi của cơ sở nghiên cứu (nếu có) bán vaccine ra bên ngoài mà chưa được cấp phép, có thể bị xử lý nặng hơn theo các điều khoản khác của Luật Thú y 2015.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem