Việt Nam sắp có thêm loại vaccine dịch tả heo châu Phi mới

Trần Quang Thứ tư, ngày 29/06/2022 18:15 PM (GMT+7)
Thông tin tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm ngành nông nghiệp ngày 28/6, ông Nguyễn Văn Long - Quyền Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT) cho biết, dự kiến trong tháng 7, Cục Thú y sẽ cấp phép cho vaccine dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) của Công ty TNHH MTV AVAC.
Bình luận 0
Việt Nam sắp có thêm một loại vaccine dịch tả heo châu Phi mới - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Long - Quyền Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT) cho biết, dự kiến trong tháng 7, Cục Thú y sẽ cấp phép cho vaccine dịch tả heo Châu Phi của Công ty TNHH MTV AVAC. Ảnh: TQ

Quyền Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long cho biết, dự kiến trong tháng 7, Cục Thú y sẽ cấp phép cho vaccine DTLCP của Công ty TNHH MTV AVAC. Sau đó, vaccine (AVAC ASF LIVE) này sẽ phải trải qua 2 giai đoạn thử nghiệm trên diện rộng trước khi được Bộ NNPTNT chấp thuận sản xuất thương mại.

"Hiện Cục Thú y đã báo cáo với Bộ NNPTNT về tất cả quá trình nghiên cứu, khảo nghiệm, kiểm nghiệm ở diện hẹp của AVAC. Những quy trình này đều đạt yêu cầu và Cục Thú y đang chờ Bộ xem xét cho ý kiến trước khi cấp phép lưu hành vào tháng 7", ông Long cho biết.

Cũng theo ông Long, sau khi được cấp phép, vaccine  dịch tả heo châu Phi của AVAC sẽ phải trải qua hai giai đoạn. Giai đoạn 1, AVAC sẽ sản xuất 600.000 liều và thử nghiệm tối thiểu trên 50 trại với quy mô khác nhau. Giai đoạn 2, Bộ NNPTNT sẽ xem xét kết quả từ giai đoạn 1 để quyết định có sử dụng trên toàn quốc hay không.

"Kết quả thí nghiệm ban đầu cho thấy vaccine này chuẩn vô trùng, an toàn và hiệu lực bảo hộ trên 80% số heo được thí nghiệm, độ dài miễn dịch đạt 4 tháng đối với heo thịt từ 4 tuần tuổi trở lên. Đối với điều kiện tại các trang trại quy mô khác nhau, mức độ bảo hộ lên tới 95%", Quyền Cục trưởng Cục Thú y khẳng định.

Như vậy, đến nay, vaccine AVAC ASF LIVE của Công ty TNHH MTV AVAC là loại vaccine thứ 2 được Cục Thú y (Bộ NNPTNT) cấp phép và sẽ phải trải qua 2 giai đoạn thử nghiệm trên diện rộng trước khi được Bộ NNPTNT chấp thuận sản xuất thương mại.

Trước đó, ngày 3/6, Bộ NNPTNT đã tổ chức lễ công bố sản xuất thành công vaccine phòng bệnh DTLCP có tên là NAVET-ASFVAC, do Công ty CP Thuốc thú y Trung ương NAVETCO sản xuất.

Việt Nam sắp có thêm một loại vaccine dịch tả heo châu Phi mới - Ảnh 2.

Ngày 3/6, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến trao giấy chứng nhận lưu hành vaccine DTLCP cho Công ty Navetco. Ảnh: Minh Ngọc

Ông Trần Xuân Hạnh - Phó Tổng Giám đốc Công ty NAVETCO, cho hay, công ty có quy mô sản xuất trên 50 triệu liều/năm. Trong giai đoạn đầu tiên, công ty ưu tiên giải quyết nhu cầu trong nước, sau đó sẽ có kế hoạch xuất khẩu. Dự kiến vaccine này có giá từ 34.000 - 36.000 đồng/liều. 

Bộ NNPTNT sẽ tổ chức giám sát việc sử dụng vaccine theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1: Sử dụng 600.000 liều ở diện hẹp, được giám sát chặt chẽ, lấy mẫu đánh giá lưu hành virus vaccine và đáp ứng miễn dịch bảo hộ. Giai đoạn 2: Sau khi có báo cáo đánh giá kết quả sử dụng 600.000 liều vaccine, bộ sẽ xem xét chỉ đạo sử dụng ở phạm vi toàn quốc.

Còn với Dabaco, một trong 3 doanh nghiệp có đủ tiềm lực để nghiên cứu, sản xuất thành công vaccine DTLCP, hiện công ty đã sản xuất thành công vaccine thương mại vaccine DTLCP DACOVAC AC-ASF2 nhược độc khô và đang được kiểm nghiệm, đánh giá chất lượng. Kết quả ban đầu cho thấy vaccine đạt tiêu chuẩn về an toàn và hiệu lực bảo hộ trên 80% trên đàn heo thí nghiệm.

Tại Việt Nam, DTLCP lần đầu tiên xâm nhiễm vào tháng 2/2019, sau đó lây lan ra phạm vi cả nước, buộc phải tiêu hủy trên 6 triệu con lợn, thiệt hại trên 30.000 tỷ đồng. Đến nay, dịch bệnh còn xảy ra ở nhiều địa phương trên phạm vi cả nước.

Nguy cơ bệnh DTLCP tiếp tục phát sinh và lây lan là rất cao nếu không có vaccine phòng bệnh hiệu quả, do đặc điểm của virus DTLCP rất nguy hiểm đối với lợn, có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền rất phức tạp, chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tỉ lệ lớn, chưa bảo đảm các yêu cầu chăn nuôi an toàn sinh học.

Ngay từ khi bệnh DTLCP xuất hiện tại Việt Nam, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống, tổ chức nghiên cứu sản xuất vaccine phòng bệnh.

Việt Nam sắp có thêm một loại vaccine dịch tả heo châu Phi mới - Ảnh 4.

Vaccine dịch tả lợn châu Phi NAVET-ASFVAC của Công ty Navetco. Ảnh: Minh Ngọc

Từ đó, Bộ NNPTNT đã chỉ đạo Cục Thú y và các doanh nghiệp có tiềm năng, nguồn lực, kinh nghiệm tổ chức nghiên cứu, sản xuất, đăng ký lưu hành vaccine DTLCP.

Tháng 11/2019, sau khi các nhà khoa học của Mỹ công bố nghiên cứu thành công chủng virus DTLCP nhược độc đã được cắt bỏ đoạn gene ASF-G-Delta I177L, lãnh đạo Bộ NNPTNT đã cử lãnh đạo Cục Thú y sang Mỹ dự họp, gặp trực tiếp với các chuyên gia Mỹ để bàn phối hợp nghiên cứu, sản xuất vaccine DTLCP.

Từ tháng 2/2020, việc nghiên cứu, sản xuất vaccine chính thức được thực hiện cùng với sự phối hợp của các chuyên gia Mỹ. Bộ đã chỉ đạo Cục Thú y thống nhất và ký thỏa thuận chung (MOU) hợp tác kỹ thuật với Viện Nghiên cứu nông nghiệp (ARS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) để làm cơ sở cho các bên triển khai thực hiện.

Từ tháng 7/2020, Bộ chỉ đạo cho phép nhập khẩu chủng giống virus DTLCP nhược độc cắt gene dùng để nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng, chống bệnh DTLCP tại Việt Nam.

Ngay sau khi tiếp nhận chủng giống ASFV-G-∆I177L từ Bộ Nông nghiệp Mỹ vào tháng 9/2020, Công ty Navetco đã khẩn trương triển khai nghiên cứu, trải qua 5 lần thử nghiệm trong phòng thí nghiệm.

Bộ NNPTNT đã thành lập các hội đồng khoa học cấp cơ sở, cấp bộ và tổ chức hàng chục cuộc họp với sự tham dự của nhiều nhà khoa học hàng đầu Việt Nam, nhà quản lý và nhà sản xuất vaccine thú y để nghiên cứu, đánh giá rất kỹ lưỡng báo cáo kết quả nghiên cứu khoa học, hồ sơ đăng ký lưu hành vaccine DTLCP NAVET-ASFVAC của Công ty Navetco.

Kết quả nghiên cứu, sản xuất vaccine NAVET-ASFVAC của Công ty Navetco sau khi được các nhà khoa học độc lập đánh giá rất kỹ lưỡng đã được chấp nhận công bố trên các tạp chí khoa học uy tín của thế giới và Tạp chí Khoa học thú y của Việt Nam.

Ngày 17/5/2022, Viện Nghiên cứu Nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng đã có thư chính thức gửi Cục Thú y Việt Nam xác nhận vaccine NAVET-ASFVAC bảo đảm an toàn, hiệu lực.

Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, Việt Nam có thể tự tin sản xuất vaccine phòng DTLCP đáp ứng được nhu cầu phòng, chống dịch bệnh trong nước và hướng tới xuất khẩu sản phẩm vaccine. 

"Đến thời điểm này, chưa có quốc gia nào công bố sản xuất thành công vaccine thương mại. Vì vậy, dư địa xuất khẩu vaccine phòng DTLCP được sản xuất tại Việt Nam sang các nước là rất lớn”, ông Tiến khẳng định.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem