Những giọt mồ hôi mặn chát ngày nào, nay đã kết tinh thành quả ngọt lành. Từ ngày có cây sầu riêng, vùng đất này đổi thịt thay da, đời sống người dân đổi thay từng ngày, miền quả ngọt Khánh Sơn đang chuyển mình.
Vào mùa thu hoạch sầu riêng ở huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa.
Ở xã Sơn Bình, khu vườn của anh Nguyễn Thế Hiển đẹp như một trang viên. Anh Hiển xây ngôi nhà to, khuôn viên bài trí tiểu cảnh, trồng cỏ, chạm khắc chữ thư pháp vào đá, cứ như một resort. Năm nay, với 3,7ha sầu riêng đã cho thu hoạch, anh Hiển hái được 65 tấn trái.
Với 80% là giống Monthong và 20% Ri6, cứ tính bình quân đổ đồng giá 45.000 đồng/kg, anh thu về 2,9 tỷ đồng. Trừ tiền chăm sóc, anh Hiển có thu nhập khoảng 2 tỷ đồng. Nhưng để có được thành quả như ngày hôm nay, anh trải qua không ít gian truân.
Khi đến với vùng đất này khoảng những năm 1999 - 2000, anh Hiển còn rất trẻ. Nhờ sức trẻ mà anh có thể làm bất cứ việc gì, từ làm thuê, mua củ mì tươi về chà lấy bột đưa đi bán… Có tiền anh dành dụm trồng cây, chăm cây. Cứ như vậy, vườn cây dần dần hình thành, mở rộng.
Khoảng năm 2003, vợ chồng anh Nguyễn Hoài Châu và chị Đặng Thị Thắng đưa 2 con nhỏ từ Lâm Đồng sang Khánh Sơn tìm kế sinh nhai. Họ đến thôn Dốc Trầu (xã Ba Cụm Bắc) mua được khoảnh đất là hết tiền, mọi thứ bắt đầu từ đôi bàn tay.
Ngày đó, khu vực rẫy anh Châu mua chưa có đường đi cho xe máy. Con đường từ rẫy ra đường nhựa là đường mòn rất nhỏ hẹp. Anh Châu chạy xe ôm, rồi làm thuê, ai kêu gì làm nấy… không nề hà việc gì. Hết giờ làm thuê thì về đào đất trồng cây, làm cả ban đêm.
Khó có thể nói được cảm giác anh hái trái sầu riêng đầu tiên trong vườn nhà. Khi cây sầu riêng cho trái, kiếm được tiền, anh Châu làm nhà rồi mua xe múc cho con làm dịch vụ. Đến nay, anh Châu có 5ha đất, với vườn sầu riêng đang cho thu hoạch.
Tại Lễ hội trái cây Khánh Sơn lần thứ 2 - năm 2022 mới đây, tôi chú ý đến gian hàng của 3 cô gái người Raglai luôn tíu tít giới thiệu sản phẩm với khách. Đó là 3 chị em: Cao Thị Kim Gáy, Bo Bo Thị Minh Thủy và Bo Bo Thị Vinh.
Chị em họ vừa tíu tít bán hàng, vừa không ngơi tay sắp xếp, miệng mời khách liến thoắng. Minh Thủy kể, nhà họ có 5 chị em. Cha mẹ có 1ha đất chia đều cho các thành viên, ngoài ra các cô gái còn tự mua thêm đất để trồng sầu riêng. Như chị Cao Thị Kim Gáy có 120 cây sầu riêng, trong đó 50 cây đã cho thu hoạch, doanh thu khoảng 125 triệu đồng; trừ chi phí, chị cũng thu được 100 triệu đồng.
Nhưng ấn tượng nhất vẫn là ngôi nhà của anh Cao Văn Ất, ở thôn Liên Bình (xã Sơn Bình). Ngôi nhà ngay mặt đường, rộng hơn trăm mét vuông, trong nhà vật dụng không thiếu thứ gì, còn phía trước bày bán tạp hóa, cùng với chiếc xe tải nhỏ chạy thuê chở hàng.
Anh Ất kể, ngày mới lập gia đình, anh cũng vất vả, phải đi làm thuê kiếm sống. Nhà có 1,4ha đất nhưng anh chỉ trồng mì, bắp, chủ yếu để ăn chứ bán không được mấy đồng. Không cam chịu cảnh nghèo, đi làm được đồng nào, vợ chồng anh Ất để dành tiền mua cây sầu riêng giống.
Đến nay, vườn sầu riêng của anh 300 cây, trong đó 100 cây đã thu hoạch; sản lượng khoảng 8 tấn, cho thu nhập 250 triệu đồng. Không giấu niềm vui khi nói chuyện với chúng tôi, anh nghĩ về ngày cả 300 cây sầu riêng đều cho trái. Riêng chiếc xe tải nhỏ, trong những ngày mùa sầu riêng chín này, bình quân mỗi ngày anh chạy xe được 700.000 đồng, trừ chi phí, anh thu nhập 500.000 đồng/ngày.
Hết một mùa sầu riêng, anh Ất có thu nhập từ chiếc xe đã 30-40 triệu đồng, còn ngày thường, chiếc xe vẫn cho thu nhập lai rai. Ông Lê Anh Quang - Tổ trưởng Tổ hợp tác trái cây xã Sơn Bình cho biết, anh Ất là thành viên của tổ hợp tác. Tổ hợp tác trái cây Sơn Bình có 17 thành viên tham gia, với 32,3ha đất. Trong tổ có 4 người dân tộc Raglai đều có kinh tế khấm khá nhờ cây sầu riêng.
Điều đáng quý ở chỗ, người dân Khánh Sơn đã lập nên những nhóm hỗ trợ, giúp đỡ nhau. Ví dụ ở Hội Nông dân xã Sơn Bình có hơn 900 hội viên, trong đó 80% là người Raglai.
Hội vận động người có điều kiện hỗ trợ người khó khăn bằng cách giúp cây giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc. Như anh Cao Văn Sang là người làm vườn thành công được giao giúp đỡ 6 hộ nghèo trọn gói từ khi trồng đến khi cây cho thu trái. Chính nhờ vậy, đời sống của hội viên ngày càng được cải thiện, tình đồng bào, nghĩa xóm làng ngày càng khăng khít.
Tổ hợp tác trái cây xã Sơn Bình đã được cấp chứng nhận VietGAP từ năm 2020. Các thành viên trong tổ đều sử dụng cùng loại phân bón, chế phẩm chống sâu rầy có nguồn gốc rõ ràng trong chăm sóc cây sầu riêng. Chính việc dùng cùng một loại sản phẩm giúp các thành viên dễ theo dõi vườn cây, giữ ổn định chất lượng trái cây đồng đều.
Việc hình thành tổ hợp tác sản xuất là xu hướng của người dân trồng sầu riêng nơi đây. Ở xã Ba Cụm Bắc có tới 2 tổ hợp tác sản xuất; các xã: Sơn Bình, Sơn Hiệp, Sơn Lâm, Sơn Trung đều có các tổ hợp tác hay hợp tác xã.
Các tổ hợp tác đều hướng tới sản xuất sạch, tức là tăng lượng phân bón hữu cơ, giảm thiểu phân hóa học, thuốc trừ sâu và hướng đến chỉ phát cỏ chứ không phun thuốc diệt cỏ. Nhờ đó, hầu hết các tổ hợp tác sản xuất đều đạt chứng nhận trái cây VietGAP. Từ một người không biết làm vườn đến Lễ hội trái cây Khánh Sơn lần thứ nhất-năm 2019, anh Cao Văn Ất đã đoạt giải nhất hội thi trái cây ngon và đẹp dành cho chủng loại sầu riêng Monthong cũng nhờ tham gia vào tổ hợp tác sản xuất.
Anh Ất kể, trước đó, anh hoàn toàn không biết trồng sầu riêng. Anh trồng cây xuống tận dưới đáy hố, trong khi cây sầu riêng không chịu úng. Từ ngày tham gia vào Tổ hợp tác trái cây xã Sơn Bình, anh Ất được học hỏi các thành viên và đã biết cách trồng đúng, chăm sóc đúng nên vườn cây của anh mới đẹp như ngày hôm nay.
Hiện nay, giá trái cây VietGAP vẫn ngang hàng thường. Nhưng ý thức được giá trị của nông sản sạch đối với sức khỏe con người và môi trường, nhiều người vẫn chọn trồng VietGAP dù quy trình sản xuất khắt khe và có thể tốn kém hơn. Ông Quang nói, trong tương lai không xa, người tiêu dùng sẽ chọn lựa trái cây sạch.
Trong cái se lạnh của núi rừng đầu thu, bên chén trà xanh, chúng tôi lắng nghe tâm tư của nông dân. Đã có sự chuyển biến trong nhận thức về việc hướng tới sản xuất sạch, an toàn, nhưng nơi đây vẫn còn thiếu một nhạc trưởng để dẫn dắt nông dân.
Nhìn ra khoảnh vườn xa xa, ông Đỗ Nhi Huy - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Khánh Sơn đăm chiêu. Ông đang tâm tư về việc đất, không khí và nguồn nước Khánh Sơn ngày càng ô nhiễm. Tuy nhiều nông dân đã quan tâm đến sản xuất sạch nhưng diện tích sầu riêng mỗi ngày một tăng lên, lượng phân hóa học và thuốc trừ sâu, diệt cỏ vẫn đổ xuống đất ngày càng nhiều.
Người đứng đầu ngành nông nghiệp huyện cho biết, ngày trước đã có vài đơn vị đến đây bán phân hữu cơ được địa phương chào đón nhiệt tình. Rồi tại địa phương cũng có mấy hợp tác xã làm mô hình. Tuy nhiên, rồi cũng không ai theo đuổi đến đầu đến đũa nên việc vận động chuyển đổi sang sản xuất sạch vẫn còn gian nan.
Không chỉ người đứng đầu cơ quan quản lý, mà những nông dân có tâm huyết cũng có những nỗi niềm. Ví như, chị Đặng Phương Dung - thành viên của Tổ hợp tác Nature Việt Nam (xã Ba Cụm Bắc) kể, nhóm của chị có 8 thành viên, nhưng sự tiếp nhận kiến thức của mỗi người khác nhau nên những giải pháp đưa ra không phải dễ dàng được tất cả các thành viên chấp nhận làm theo, hoặc có làm theo cũng không hẳn lúc nào cũng làm đúng.
Một bất lợi của Khánh Sơn là vấn đề giao thông. Chỉ có giao thông thuận lợi mới giúp cho Khánh Sơn cất cánh. Hiện nay, Tỉnh lộ 9 vẫn là con đường độc đạo lên Khánh Sơn với gập ghềnh đèo dốc. Với hạ tầng giao thông như hiện tại, việc giao thương của Khánh Sơn đến các vùng miền còn nhiều trắc trở, giá nông sản sẽ tăng cao do gánh nặng phí vận chuyển…
Tại Lễ hội trái cây Khánh Sơn lần thứ 2 - năm 2022, ông Đỗ Nhi Huy - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Khánh Sơn cho biết: Hiện nay, toàn huyện có khoảng 2.000ha sầu riêng; trong đó 1.000ha đã cho thu hoạch, tổng sản lượng ước đạt 15.000 tấn. Năm nay, sầu riêng được giá, thương lái thu mua có lúc lên đến 55.000 đồng/kg loại Monthong. Đây cũng là bù đắp cho mùa sầu riêng năm ngoái, giữa cao điểm dịch Covid-19 khiến sầu riêng mất giá, chỉ bằng 2/3 giá năm nay.