Dân Việt

Kể chuyện làng: Bánh rế tuổi thơ

Huỳnh Thị Ánh Tuyết 03/09/2022 06:53 GMT+7
Một buổi trưa hè, ngồi vẩn vơ ngắm biển ở quán cà phê Đồi Dương, chợt nghe tiếng rao: "Ai ăn bánh rế không?", khiến lòng tôi nao nao nhớ về những ngày còn thơ ở làng cũ tại Phan Thiết.

Chiếc bánh rế nhỏ xinh không chỉ là đặc sản để dành lót dạ của người dân tại vùng biển nắng gió mà còn là món ăn theo bước chân dãi dầu mưa nắng của mẹ để nuôi lớn chín anh chị em chúng tôi.

Kể chuyện làng: Bánh rế tuổi thơ - Ảnh 1.

Bánh rế tuổi thơ. Ảnh: NVCC

Trước đây, thời còn con gái, mẹ tôi chủ yếu chỉ may vá và làm vài việc bếp núc trong nhà. Nhưng sau khi lấy chồng, thời cuộc thay đổi, cha tôi lên đường nhập ngũ xa, khiến mẹ phải thay cha đảm đương trách nhiệm nuôi con, kiếm tiền trang trải cuộc sống. Vốn có chút kinh nghiệm làm bánh rế, mẹ tôi thường làm loại bánh này để bán dạo khắp các nẻo đường ở vùng biển Phan Thiết. Sau này, nhà tôi dọn vào Sài Gòn sinh sống, mẹ tôi vẫn tiếp tục nghề chiên bánh rế để "bỏ mối" cho những người bán dạo ở khu lao động nghèo quận 8.

Cách làm bánh rế thoạt nhìn ai cũng nghĩ rất đơn giản, nhưng để thành công có được mẻ bánh vàng giòn, thơm ngon đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mỉ của người chế biến. Nguyên liệu chính để chế biến bánh rế chủ yếu từ khoai mì hoặc khoai lang. Theo mẹ tôi kể lại thì khoai lang, khoai mì được trồng ở Phan Thiết dù nắng gió nhưng lại nổi tiếng bùi béo, thơm ngọt. Đó là nguyên liệu cơ bản làm nên những chiếc bánh rế giòn tan, thanh tao dịu ngọt.

Những buổi sớm mai tinh mơ ở vùng làng chài ven biển, tôi hay lon ton theo mẹ cầm một chiếc rổ be bé, men theo con đường đầy cát trắng, xuống khu chợ nhỏ, chọn mua những củ khoai lang, khoai mì (sắn) thật tươi, không quá non mà cũng chẳng nên quá già. Vì theo lời mẹ tôi, muốn làm bánh rế ngon phải bắt đầu từ việc chọn được khoai lang, khoai mì ngon. Mấy cô, thím bán hàng thấy mẹ hay dắt theo con nhỏ đến chợ từ sớm nên rất thương, thường cho thêm ít củ khoai nhỏ, thường là loại khoai lang trắng, vỏ mỏng nhưng rất giàu tinh bột, để dành cho lũ trẻ ăn dặm thêm. Tuổi thơ tôi cũng nhờ những củ khoai lang, khoai mì nhỏ ấy mà dù khó khăn, vẫn được nuôi lớn khỏe mạnh như bao bạn bè đồng trang lứa.

Sau khi chọn khoai xong, bỏ vào chậu nước ngâm vài tiếng cho bớt đi phần nhựa, mẹ tôi sẽ tỉ mỉ ngồi lột sạch vỏ và tiến hành bào thành những sợi nhỏ đều tăm tắp. Rồi mẹ nhanh tay trộn khoai đã được bào với một ít vani cho có mùi thơm rồi mới mang đi chiên. Công đoạn quan trọng nhất để làm thành công một chiếc bánh rế, chính là quá trình chiên bánh.

Kể chuyện làng: Bánh rế tuổi thơ - Ảnh 2.

Bánh rế của mẹ. Ảnh: NVCC

Ông ngoại tôi thường chuẩn bị sẵn một chiếc chảo dầu to, thêm ít dầu dừa vào giữa. Mẹ sẽ chờ cho đến khi dầu sôi, sẽ nhanh tay cho một nắm khoai bào sẵn vào chiếc muỗng cán dài rồi nhúng vào chảo dầu. Muốn bánh ngon và có tạo hình đẹp, người làm bánh phải liên tục dùng đũa đảo sợi khoai lên xuống cho chín đều và cũng để tránh cho chúng bị vón cục quá dày.

Tôi thích nhất là nhìn cảnh mẹ vớt những chiếc bánh ra khỏi chảo khi các sợi khoai đã được kết dính, đan xen vào nhau tạo thành một cái rế, y hệt như vật dụng người ta hay dùng để lót nồi niêu xoong chảo ở vùng quê. Chắc có lẽ tên gọi bánh rế của nó cũng bắt nguồn từ vẻ ngoài này. Trong lúc mẹ vớt bánh thì bà ngoại cũng tranh thủ thắng đường trên một chảo khác. Bà sẽ kiên nhẫn chờ đến đường tan chảy hết, rồi gấp từng chiếc bánh nhúng sâu vào chảo đường, rưới thêm một ít mè trắng rang sẵn nữa là hoàn thành. Bản tính trẻ con háu ăn nên lần nào vào bếp phụ ông bà ngoại và mẹ, tôi cũng mè nheo xin một chiếc bánh nhỏ vàng ươm, nếm thử.

Cái hương vị giòn tan của đường, bùi ngọt của khoai thêm chút beo béo của mè khiến tôi mê mẩn suốt một thời ấu thơ. Mê mẩn đến độ mỗi khi mẹ đội nón lá, khệ nệ bưng thúng bánh rế vàng ươm vừa chiên đi bán, tôi đều thầm ước cho mẹ bán ế một tí, để chiều về còn có cái chị em tôi nhấm nháp. Mà có hay biết đâu rằng mỗi chiếc bánh được bán đi đều được mẹ tôi chắt chiu, dành dụm cho chị em tôi có cái ăn, cái mặc giữa thời kỳ chiến tranh đầy biến động.

Sau này, khi gia đình tôi theo cha chuyển vào Sài Gòn sinh sống, thì cũng là lúc đất nước bước vào thời kỳ bao cấp. Khoai lang, khoai mì dù là thực phẩm phổ biến được nhà nước đãi ngộ bán định kỳ cho nhân dân. Nhưng chị em tôi cũng phải thay phiên nhau xếp hàng chờ mua ở quầy của cô mậu dịch viên. Là chị lớn trong nhà, tôi hay tranh thủ thức giấc sớm, chạy ù ra mua khoai lang, khoai mì rồi về nhà ngồi tỉ mẩn rửa sạch cho mẹ. Tôi không muốn đánh thức mẹ dậy sớm, vì mẹ tôi khi đó vừa sinh hai đứa em sinh đôi, nên thường phải thức khuya để dỗ dành và cho các em ăn sữa.

Kể chuyện làng: Bánh rế tuổi thơ - Ảnh 3.

"Chiếc bánh rế nuôi chúng tôi ăn học". Ảnh: NVCC

Dù thế, việc chiên bánh vẫn phải do mẹ tôi làm. Mẹ thường cười xòa, khen tôi chăm chỉ nhất trong nhà, mặc dù phần việc tôi có thể phụ giúp cho mẹ chỉ là một phần rất nhỏ. Tôi thích ngồi lặng lẽ một góc nhà, nhìn bóng dáng gầy gò của mẹ chiên bánh, bỏ bánh lên thúng, chờ những cô thím "mối quen" đến lấy. Rồi thi thoảng, khi các cô, thím bán hết hàng giữa chừng, mẹ lại khệ nệ bưng thêm vài thúng bánh ra đầu chợ cho họ. Nhìn theo bóng mẹ, bước thấp bước cao giữa khu xóm lao động nghèo, nước mắt tôi thi thoảng lại lăn dài trên má.

Cứ thế, suốt mấy mươi năm ròng rã, nhờ tài chiên bánh rế của mẹ, chín anh chị em chúng tôi được nuôi lớn, ăn học và thành đạt như ngày nay. Tôi nhớ mãi hôm cô em gái thứ bảy của mình lấy chồng. Thay vì ngồi yên trang điểm, chải chuốt phấn son như những bà mẹ cô dâu khác, mẹ tôi lại tất tả ngồi chiên từng chiếc bánh rế vàng giòn, để dành đãi cho họ nhà trai.

Mãi cho đến khi họ nhà trai đến đón dâu, mẹ tôi mới chịu thay ra bộ áo dài cũ, gương mặt mộc mạc, tiễn em về nhà chồng. Nhìn những chiếc bánh rế thơm giòn, mẹ chồng của em gái tôi có hỏi: "Chị mua bánh ở đâu mà ngon vậy?". Mẹ tôi im lặng cúi đầu, chắc cũng vì ái ngại. Chỉ có tiếng em gái tôi xúc động đáp: "Bánh do mẹ con chiên sáng nay. Mẹ con đã bán bánh rế suốt mười mấy năm, nuôi anh chị em con ăn học đấy ạ". Chỉ mấy lời mộc mạc ấy mà mấy mẹ con tôi ôm nhau òa khóc, khiến ai dự đám cưới đều xúc động.

Nhưng đó là chuyện của những năm về trước. Còn hiện tại thì mẹ tôi đã đi xa. Biết bao thương nhớ, kính yêu mẹ, chị em tôi chỉ có thể giữ mãi trong lòng. Thi thoảng, giữa những gắt gao mạch đời, nỗi nhớ mẹ tràn về, thấy môi mình dịu ngọt vị bánh rế tuổi thơ.

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.