Kể chuyện làng: Đi thụt lịch cùng anh ở vùng quê nghèo
Kể chuyện làng: Đi thụt lịch cùng anh ở vùng quê nghèo
Lê Hạnh Nhân
Thứ bảy, ngày 20/08/2022 06:14 AM (GMT+7)
Tuổi thơ đã trôi qua, thế mà thi thoảng giữa những gắt gao mạch đời, tôi lại thấy lòng mình da diết nỗi nhớ thương về biết bao kí ức một thời gian khó, trong đó có những lần đi thụt lịch.
Được sinh ra và lớn lên ở vùng đồng bằng sông Cửu Long nên tuổi thơ của tôi và các anh em trong nhà gắn liền với con lịch cát sông quê. Những ngày hè oi ả, tôi theo chân anh mình đi xuồng dọc những con kênh, con rạch chưa được nạo vét để thụt lịch đem về cho mẹ bán hoặc chế biến món ăn.
Lịch vốn có hình dáng giống như con lươn, da trơn lại hay sống trong bùn nhão nên rất khó bắt. Có người nói con lịch bỏ trong thau nước còn khó bắt chứ đừng kể chi việc đi thụt lịch dưới bùn. Do đó, người thụt lịch phải thật sự đam mê và có kỹ năng. Anh trai tôi, kỳ lạ thay, lại là một người rất kiên trì với công việc này suốt thời gian dài.
Theo anh tôi chia sẻ thì muốn thụt được lịch phải đợi khi nước ròng, lúc đó ở bãi bùn hai bên mé sông sẽ hiện ra những cái hang. Người thụt lịch có thể quan sát xem trên miệng hang nào có lớp bùn non mới trào ra tức là ở hang đó có lịch, ta chỉ cần lấy tay lần nhẹ theo hang để móc lịch.
Tôi thường hồi hộp đứng trên bờ quan sát anh thụt lịch trước, sau đó mới nhẹ nhàng đi theo. Chỉ cần một can nhựa cột cọng dây ngang hông và đôi bàn tay điêu luyện là đủ để anh trai tôi hành nghề. Quan sát anh mò mẫm dưới vuông chưa đầy 15 phút đã bắt được mấy con lịch, tôi vô cùng ngạc nhiên và thán phục. Khi hỏi anh bí quyết, anh mỉm cười xuề xòa: "Có gì đâu chú mày ơi! Chủ yếu là anh dựa vào kinh nghiệm".
Cũng bởi lịch thường làm hang khoảng 1 mét, có 3 ngách. Theo bí quyết của anh, chỉ cần thọc vào ngách thứ nhất đến ngã rẽ, nếu là vuông tôm hay kênh cạn nước thì nhìn nước ở ngách nào giựt xuống một xíu là lịch nằm ngách đó, chỉ việc chặn đầu ngách là bắt. Nếu là vuông hoặc kênh ngập nước thì người đi thụt có thể cảm nhận bằng ngón tay, nghe nước trong ngách đó hơi động đậy một xíu. Người mới "ra nghề" thường nhầm lẫn hang lịch với hang đẻn, hang cá bống kèo, bống cát. Biết nhận diện chính xác hang lịch, thậm chí biết lịch nhỏ hay lớn, không chỉ nhờ kinh nghiệm mà còn tùy thuộc vào khả năng thiên phú.
Người dân quê tôi thường chế biến lịch thành nhiều món ngon khác nhau như xào sả ớt ăn với cơm, nướng làm mồi nhậu lai rai, nấu canh chua để dành giải nhiệt mùa hè. Khi bắt được lịch về, mẹ tôi sẽ dùng tro nếp hoặc dùng nước giấm, nước chanh để vuột sạch nhớt. Nhưng nếu là người sành ăn lịch thì sẽ không dùng nước giấm để vuột nhớt, bởi làm vậy sẽ khiến con lịch bị tróc da và mất hương vị. Đặc biệt nếu bắt được lịch huyết, vốn là loại có độ béo, thịt thơm ngon nhất thì lại cần phải chế biến kỹ.
Để có nồi canh chua thật ngon, mẹ tôi thường tranh thủ hái thêm mớ rau muống đồng, đôi ba cọng sả đập dập, thêm một trái ớt sừng trâu chín đỏ xắt khoanh, mấy cọng rau húng quế và đương nhiên không thể thiếu mấy trái bần ổi chua. Lịch làm sạch, chiên sơ với tỏi thơm rồi mới thả vào nồi nước đã dầm mấy trái bần đang sôi ùng ục.
Cha tôi đặc biệt nghiền món canh này nên mẹ tôi thường xuyên nấu để dành cho mấy cha con tôi ăn trưa. Những buổi trưa trời oi nồng, tôi theo chân cha và anh ra đồng, quay về thấy người mệt nhoài, mồ hôi túa ra như tắm. Nhưng chỉ cần về đến nhà, uống ly nước giếng mát lạnh, ngồi vào bàn nhấm nháp vị ngọt của thịt lịch hòa cùng chút chua thanh của bần ổi hòa với mùi thơm của sả, rau nêm, nghe cha mẹ bàn chuyện đồng ruộng, nhà cửa… là thấy bao mệt mỏi, chán chường đều tan biến. Hoặc những ngày mưa lành lạnh, được ngồi quây quần bên cha mẹ, thưởng thức món cháo lịch ấm sực với lớp váng dầu có màu vàng của nghệ, vị thơm của hành lá, ấm nóng của tiêu bột, gừng già và vị béo ngọt của thịt lịch.
Hay độc đáo hơn là món lịch um lá nhàu mà mẹ tôi thường chế biến cho ông bà ngoại tẩm bổ. Để chế biến món lịch um này không khó nhưng rất kỳ công, bởi gia vị phải chuẩn bị rất nhiều loại, đặc biệt phải hái được lá nhàu vừa ăn, không quá già mà cũng không quá non. Nếu lá nhàu quá non thì sẽ bị mềm và chưa đủ chất để trở thành vị thuốc, còn nếu quá già thì có vị thuốc nhưng khi chế biến ra sẽ bị dai, rất khó ăn. Bên cạnh đó, chúng ta phải chuẩn bị thêm các loại gia vị khác như nghệ đập giập, sả băm nhuyễn, nước cốt dừa, tương vàng…
Mẹ tôi thường sơ chế phần lịch bằng nước sạch, bỏ ruột và để ráo nước. Sau đó, mẹ dùng ít dầu ăn và tỏi sấy cho vàng để chiên sơ qua cho thịt lịch thơm và săn chắc lại. Rồi mẹ cho thêm một ít sả cây đập giập và lá nhàu lót dưới đáy nồi, đặt lịch vào rồi cho tương vàng, nghệ, ớt, sả băm nhuyễn vào.
Theo lời mẹ tôi kể thì món ăn này cho thêm một ít nước cốt dừa, nêm nếm gia vị và um lịch trong khoảng 30 phút thì có thể ăn được. Món lịch um không những là bài thuốc nam trị đau lưng, nhức mỏi mà còn là món ăn bổ dưỡng, rất thích hợp cho người cao tuổi, nên mẹ tôi thường xuyên chế biến rồi nhờ cha tôi chạy xe máy băng qua vài cánh đồng, cho ông bà ngoại tôi. Mẹ tôi thường tặc lưỡi, bảo rằng: "Quê mình chẳng có gì ngoài mấy món ăn đồng ruộng. Mong rằng ông bà ăn ngon món này, để còn sống lâu sống khỏe với con cháu".
Thấm thoắt đã mấy mươi năm trôi qua, tôi vẫn hay quay về làng cũ. Thi thoảng, bước ra khỏi mũi đò đi từ biền lá vào nhà, mắt lại nhìn dọc theo mương, cố tìm cho bằng được cái hang lịch. Dường như, lịch không còn nhiều như thời anh em chúng tôi còn bé, ngày hai bữa đi thụt lịch dưới mương. Để rồi, thoáng ngẩn ngơ nuối tiếc những bữa cơm nhà bên bến sông vắng với món canh chua lịch dưới trưa hè oi ả cùng cha mẹ như thời còn thơ bé. Nỗi nhớ quê theo bến sông cũng trải dài theo năm tháng.
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.