Năm ấy, mùa thu lại về trên bầu trời bàng bạc những đám mây, cánh đồng Trại bát ngát ven làng Cư Nhơn với lúa mùa chín vàng hoe. Hòa vào tiếng cu gáy não nùng trên mấy ngọn mù u, ngọn tre… là tiếng trống ếch văng vẳng, có khi thì tiếng đàn cò (đàn nhị)…
Còn nhớ, khoảng năm 1968, tôi đang học cấp 2 của một ngôi trường miền quê. Vào những ngày nghỉ, mẹ tôi thường sai tôi mang cơm, nước cho các "thợ gặt" ở cánh đồng Trại, sát với làng Cư Nhơn xưa (ngày nay thuộc về thôn Dương Lâm 2, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng). Những lần như thế, sau khi "hoàn thành nhiệm vụ", tôi thường ghé nhà cụ Đinh Bồn để nghỉ trưa và được nghe tiếng đàn, tiếng trống của cụ. Bởi, cụ là nghệ nhân chế tác và sử dụng các nhạc cụ cổ truyền rất điêu luyện.
Thôn Dương Lâm 2 còn có ngôi đình Dương Lâm với nét kiến trúc khá đẹp nằm trên một gò đất cao ven cánh đồng làng. Các bậc cao niên làng Dương Lâm cho hay, trước đây, làng Dương Lâm có tên là Dương Lam (thuộc xã Dương Sơn), đến triều Bảo Đại (1925 – 1945) mới đổi tên gọi thành Dương Lâm (nay thuộc thôn Dương Lâm 2). Những vị đầu tiên vào đây khẩn hoang, lập làng đầu tiên là hai vị thủy tổ của hai tộc Thi và tộc Phạm. Dân làng tôn hai vị này là "Lưỡng tộc đồng tiền hiền". Hằng năm, tại đình dân làng tổ chức lễ hội vào các ngày: Tết Nguyên Đán, lễ giỗ tiền hiền (ngày 14/4 Âm lịch), lễ Chạp mả tiền hiền (ngày 7/11 Âm lịch). Đình Dương Lâm được công nhận là Di tích cấp thành phố Đà Nẵng vào năm 2005.
Lâu dần, những âm thanh thân quen đó nó đã thấm sâu, hòa vào bờ tre, bụi chuối, cánh đồng tạo thành một làn "âm hưởng" xa xôi mà vắng nó, mọi người như cảm thấy thiếu thiếu, trống vắng một cái gì. Bà con ở đây, ai đã một lần xa quê, mỗi lần nghe tiếng trống, tiếng kèn vọng lại, không khỏi bâng khuâng tấc dạ đến nao lòng.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, tiếng trống, tiếng kèn của cụ Bồn đã góp phần đem lại sự bình yên cho thôn xóm. Ngày ấy, nhà cụ quay ra hướng đồn Dương Mẹo – nơi mà bọn Mỹ đóng quân để càn quét các khu căn cứ cách mạng trong vùng. Cụ ở nhà trông ra, nghe thấy tín hiệu lính Mỹ trong đồn đi càn nhiều thì cụ đánh trống con với nhịp điệu dồn dập, khi bọn Mỹ đi ít thì cụ chơi đàn cò hoặc thổi kèn, thổi sáo. Từ đó du kích, bà con trong làng nhận biết "tín hiệu" mà có kế hoạch đối phó. Song, cũng có lần bọn Mỹ từ phía sau, tay lăm lăm cây súng, nhẹ nhàng đi tới, cụ vẫn mải mê chơi. Tụi Mỹ thấy kèn, trống, nghe hay hay, chúng chụp ảnh lia lịa, rồi kéo quân đi…
Nhiều năm qua, tuổi đã cao, cụ không còn tham gia thổi kèn, đánh trống cho các đám ma, đám cúng nữa nhưng thi thoảng cụ mang nhạc cụ ra chỉnh sửa, vuốt ve, lúc cao hứng vẫn thổi kèn, kéo nhị... Bà con trong thôn, trong xóm cho biết: "Hôm nào, thiếu tiếng trống, tiếng kèn của cụ, không khí ở đây nghe trống vắng lạ lùng, mất đi cái vẻ gì đó mơ hồ, thăm thẳm… xa xăm. Cụ mất năm 2012 để lại bao tiếc thương cho gia đình, bà con trong làng...
Còn nhớ mùa Trung thu năm ấy, trong lúc tôi đi coi gặt bên vùng đồng Trại, được nghe chuyện kể về xóm Cây Thông (gần làng Cư Nhơn). Gọi là xóm Cây Thông là vì gần sát xóm, có cây thông cổ thụ rất to. Bọn trẻ quê nơi đây, không có tiền mua đầu lân đẹp ở phố. Chúng lấy giấy, vải thừa cắt, dán hình đầu rồng, ông địa… lấy nghệ, sơn, lọ nồi… sơn, vẽ lên "bộ lân". Trống thì chúng lấy gàu múc nước hư đáy bịt hai đầu lại bằng xăm xe bò. Cứ trong một xóm, chúng làm 5 – 7 bộ và rủ nhau múa quanh xóm.
Tuy nhiên, chỉ múa được ban ngày, còn ban đêm không ai dám ra khỏi nhà vì bọn Mỹ trên đồn Dương Mẹo hay kéo xuống rình rập quanh làng. Tuy nhiên, chúng chẳng làm ăn được gì vì có bọn nhóc múa lân. Bọn trẻ chia nhau chăn dắt trâu trên cánh đồng làng, cứ thấy bọn Mỹ rục rịch kéo xuống đồn Dương Mẹo là tín hiệu từ mấy đứa chăn trâu được gửi đi vô làng bằng những tiếng sáo "vi vu" (tiếng sáo này bọn trẻ học từ cụ Bồn) lúc dồn lúc dập. Khi trong xóm nghe tín hiệu từ sáo, những đứa trẻ quơ vội đầu lân, ông địa, trống con… dẫn đi quanh xóm, quanh làng nhảy múa rất rộn ràng. Đó là thông điệp báo cho các anh du kích trong làng biết bọn Mỹ sắp càn mà có kế hoạch, kịp thời ứng phó.
Sau mùa Trung thu, để đối phó với bọn giặc trên đồn, trẻ em nơi đây bèn chế tác ra đầu trâu để múa. Bọn giặc nghi ngờ có hỏi nhưng các em trả lời là: con trâu là biểu tượng của làng quê Việt Nam, theo phong tục nơi đây, trẻ em múa đầu trâu trong các dịp như: sau khi thu hoạch vụ mùa, trước khi xuống giống, lúc lúa làm đòng, lúc lúa trổ… nhằm cầu mong cho mùa màng tươi tốt. Bọn giặc có vẻ chú ý nghe và do không hiểu về phong tục tập quán nơi đây nên chúng cũng ậm ờ tỏ ra am hiểu, chúng nói "xí lô xí là" rồi kéo quân đi. Từ đó, các nhóm lân, trâu của xóm Cây Thông hoạt động khá thành công trong việc sát cánh cùng lớp cha, anh giữ xóm, giữ làng.
Năm nay, mùa Trung thu lại về với ánh trăng thu vằng vặc chiếu trên mái tóc tôi đã lên màu sương khói. Song, khi nhìn các em hồn nhiên múa Lân, nghe tiếng trống "tùng cắc tùng", vang vọng khắp đầu thôn, cuối xóm trong sắc màu "lân – long" truyền thống, lòng tôi lại nhớ về bao lớp thiếu niên ngày ấy, có em lớn lên đi làm giao liên, đi làm cách mạng, tiếp nối lớp cha anh. Song, có em ra đi không bao giờ trở lại cho sự nghiệp giải phóng quê hương, chưa hưởng được những mùa Trung thu thái bình khi nước nhà độc lập, tự do...
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.