Dân Việt

Lượng khách đi tàu Cát Linh - Hà Đông ghi nhận kỷ lục mới

Thế Anh 03/09/2022 19:33 GMT+7
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã được người dân cảm nhận tốt hơn và dần thay đổi văn hóa đi lại, lượng hành khách đi tàu đang có xu hướng tăng cao.

Khách đi tàu Cát Linh - Hà Đông tăng cao kỷ lục

Trong những ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, đường phố Hà Nội có thời điểm thưa vắng phương tiện và giảm ùn tắc giao thông, do người dân trở về quê nghỉ lễ 2/9, tuy nhiên, khách đi tàu Cát Linh - Hà Đông lại tăng cao hơn so với ngày thường.

Thông tin về tình hình khách đi tàu Cát Linh - Hà Đông trong những ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, trao đổi với PV Dân Việt, ông Vũ Hồng Trường - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) cho biết: "Những ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông ghi nhận khách đi tàu đạt con số cao lập kỷ lục mới".

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông ghi nhận kỷ lục mới - Ảnh 1.

Khách đi tàu Cát Linh - Hà Đông tăng cao. Ảnh: Viết Niệm

"Theo thống kê tính đến 12 giờ ngày 2/9, đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã vận chuyển hơn 18 nghìn lượt hành khách. Hết ngày 2/9, con số hành khách đi tàu đã đạt kỷ lục hơn 55 nghìn hành khách", ông Trường thông tin.

Cũng theo ông Trường, con số 55 nghìn hành khách là con số kỷ lục cao nhất từ trước đến nay.

"Trước đây, ngày 7/11/2021 ngày thứ hai sau khai trương chở khách miễn phí tàu Cát Linh - Hà Đông đạt 54.121 hành khách; ngày 1/05/2022 vận chuyển 53.076 hành khách. Do đó, ngày 2/9/2022 vận chuyển 55.210 hành khách đạt kỷ lục cao nhất từ khi khai trương", ông Trường đưa ra con số so sánh.

Đánh giá về tình hình hoạt động của tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, ông Trường cho hay, bước đầu tuyến đường sắt đã phát huy hiệu quả, góp phần chống ùn tắc trong giờ cao điểm trên hành lang tuyến.

Bên cạnh việc giảm tải cho tuyến đường hiện hữu bên dưới tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, hệ thống tàu Cát Linh - Hà Đông đang vận hành theo đúng kịch bản tốt nhất trong số các kịch bản mà Hanoi Metro đã đưa ra.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông ghi nhận kỷ lục mới - Ảnh 2.

Khu vực bán vé tàu Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Thế Anh

Nhiều người bỏ ô tô để đi đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Ông Trường cho rằng, hiệu quả và tính ưu việt của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã được người dân cảm nhận tốt hơn và dần thay đổi văn hóa đi lại theo hướng văn minh lịch sự. Đến nay, hành khách đi tàu vẫn đang có xu hướng tăng cao hơn rất nhiều.

Theo ông Trường, đã có ghi nhận 18% lượng khách hiện nay đều có ô tô con, nhưng bỏ ô tô để đi tàu Cát Linh – Hà Đông

"Như vậy, những con số nêu trên đã cho thấy sức hấp dẫn của tàu Cát Linh – Hà Đông đang ngày càng thu hút được lượng người yêu thích", ông Trường nhận định.

Để tạo thuận lợi cho khách đi tàu Cát Linh – Hà Đông, ông Trường cho biết thêm: "Chúng tôi sẽ tăng cường kết nối giữa xe buýt, grab, xe cá nhân, buýt BRT với tàu Cát Linh – Hà Đông và bổ sung điểm trông giữ phương tiện cá nhân ở ga Yên Nghĩa, ga Láng, ga chuyển hướng.

Trước đó, nhiều hành khách băn khoăn về việc có được phép mang hàng hoá lên tàu Cát Linh - Hà Đông, lãnh đạo Hanoi Metro cho biết, tàu Cát Linh - Hà Đông là tuyến đường sắt đô thị duy nhất tại Hà Nội đang vận hành. Đây là một hình thức mới, văn minh của vận tải hành khách công cộng, tuy chưa có kết nối với các tuyến khác.

Theo thông lệ quốc tế đường sắt metro không vận chuyển hàng hóa, mà chỉ vận chuyển hàng lý xách tay. Tuy nhiên, thời gian gần đây, khách hàng đi tuyến metro đã tự trang bị xe đạp mini, gấp lại để đi từ nhà đến ga tàu và đi từ ga cuối đến điểm cần đến.

Trước mắt, Hanoi Metro tạo điều kiện tối đa cho người dân và trong điều kiện dư địa về năng lực vận chuyển của tàu còn rất lớn, đơn vị sẽ cho người dân đưa xe đạp mini lên tàu. Việc hành khách đưa xe đạp mini gọn nhẹ lên tàu phù hợp với Luật, Nghị định và thông tư.

Lãnh đạo Hanoi Metro đưa ra yêu cầu đối với các hành khách mang xe đạp phải gấp lại không ảnh hưởng đến các hành khách khác thì được phép mang lên tàu.

Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông có chiều dài 13 km với 12 ga đưa đón khách, trên lộ trình Cát Linh - La Thành - Thái Hà – Láng - ĐH Quốc gia - vành đai 3 - Thanh Xuân - Bến xe Hà Đông - Trung tâm Hà Đông - La Khê - Văn Khê - Bến xe Hà Đông mới và khu đề-pô tại Ba La (Hà Đông).

Tuyến có 13 đoàn tàu, mỗi đoàn 4 toa. Tần suất hoạt động 4 đến 6 phút/lượt, tốc độ vận chuyển tối đa 80 km/giờ.

Giá vé lượt gồm vé theo chặng (giữa các ga) và toàn tuyến ở mức 8.000 đồng cho đến 15.000 đồng; vé ngày 30.000 đồng/người/ngày (không giới hạn số lượt đi lại trên tuyến).

Giá vé tháng có các mức 200.000 đồng/người/tháng cho hành khách phổ thông; 100.000 đồng/người/tháng cho học sinh, sinh viên, người lao động tại các khu công nghiệp.

Người lao động tại các văn phòng, công sở, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp mua vé tháng theo hình thức tập thể được áp dụng mức giá 140.000 đồng/người/tháng. Các mức giá trên đã bao gồm tiền bảo hiểm thân thể cho hành khách đi trên tuyến và các khoản chi phí trung gian thanh toán (nếu có).