Đầu năm 2020, qua tìm hiểu trên sách báo, anh Thanh được biết ngỗng sư tử hay ăn, chóng lớn, ít mắc bệnh hơn gà, vịt, nên đã thử nghiệm mua 50 con ngỗng giống từ Hà Nội về nuôi thả trong vườn sầu riêng và ao cá. Sau 6 tháng nuôi ngỗng, anh quan sát thấy vườn sầu riêng vẫn xanh tốt, sai quả, không thấy cỏ dại xuất hiện, bởi cỏ mọc đến đâu ngỗng ăn đến đấy.
Bên cạnh đó, lượng phân bón cho sầu riêng anh cũng bớt đi chi phí vì đã có nguồn phân hữu cơ tự nhiên từ đàn ngỗng. Từ những ưu điểm này, anh nhân đàn ngỗng sư tử lên 300 con.
Để đàn ngỗng phát triển, tránh rủi ro, anh Thanh tích cực tham gia các lớp tập huấn kiến thức về chăn nuôi và học hỏi kỹ thuật nuôi ngỗng trên các phương tiện thông tin đại chúng, sau đó áp dụng và đạt kết quả rõ rệt. Đàn ngỗng ngày càng chóng lớn, đẻ trứng to và nhiều.
Anh Thanh cho biết, ngỗng sư tử là loài thủy cầm có độ tăng trọng nhanh, sau 5 tháng nuôi có thể tăng từ 10 - 15 lần so với ban đầu. Thức ăn của ngỗng sư tử chủ yếu như lá rau, bèo và các loại cỏ, thân cây chuối…
Thức ăn tinh chiếm tỷ lệ nhỏ nên kinh phí đầu tư không nhiều. Nếu chăm sóc tốt, trọng lượng ngỗng 5 tháng tuổi đạt từ 5 - 6 kg/con (nuôi 2 - 3 năm ngỗng nặng 7 - 8 kg/con).
Ngỗng sư tử là loài mới nuôi ở địa phương nên nhu cầu tiêu thụ ngỗng thương phẩm cũng như con giống tương đối cao. Nhờ tận dụng tối đa nguồn thức ăn sẵn có, nên mô hình nuôi ngỗng của anh Thanh tiết kiệm được chi phí đầu tư, tăng thêm lợi nhuận.
Ngoài việc cho ấp trứng ngỗng nở để tăng số lượng đàn, anh còn nhận đặt hàng bán trứng ngỗng, con giống, ngỗng thịt ra thị trường. Hiện nay, giá ngỗng sư tử bình quân 100.000 đồng/kg, ngỗng giống sinh sản có giá từ 1 - 1,2 triệu đồng/cặp, trứng ngỗng giá 30.000 đồng/quả.
Trung bình, mỗi tháng sau khi trừ chi phí, anh Thanh thu lãi 8 triệu đồng. Mô hình nuôi ngỗng sư tử trong vườn của anh Thanh là cách kết hợp đa cây, đa con trên cùng một đơn vị diện tích. Không chỉ phát triển kinh tế cho riêng mình, anh còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho những ai có nhu cầu nuôi ngỗng sư tử thương phẩm.