Với mô hình trồng cà rốt, củ cải xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản, anh Nguyễn Văn Linh (ở thôn Mỹ Lộc, xã Cao Đức, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) là một trong số hàng triệu nông dân đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi trong 5 năm qua. Anh Linh cũng được chọn là 1 trong số 300 nông dân giỏi được khen thưởng tại Hội nghị biểu dương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ VI tổ chức ngày 13/9 tại Hà Nội.
Trò chuyện với phóng viên Báo NTNN/Báo Điện tử Dân Việt, anh Linh phấn khởi cho biết: "Tôi đang có 40ha diện tích đất bãi trồng củ cải, cà rốt xuất khẩu. Sản lượng xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản mỗi năm khoảng 2.200 tấn, mang lại thu nhập cao hàng tỷ đồng/năm". Đơn vị của anh Linh đang tạo công ăn việc làm cho từ 30 - 50 lao động tại địa phương.
"Để có sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, chúng tôi phải trồng củ cải, cà rốt theo tiêu chuẩn VietGAP nghiêm ngặt. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng áp dụng nhiều máy móc hiện đại vào quá trình sản xuất, sơ chế sản phẩm. Chúng tôi rất hài lòng với sản phẩm của mình làm ra" - anh Nguyễn Văn Linh cho biết thêm.
Phó Chủ tịch Hội NDVN Bùi Thị Thơm - Trưởng Ban tổ chức cho biết: Hội nghị biểu dương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc được Trung ương Hội NDVN tổ chức định kỳ 5 năm một lần và có sức lan toả lớn. Hội nghị lần thứ VI là dịp để Đảng, Nhà nước và Trung ương Hội NDVN biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến xuất sắc trong việc thực hiện "Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2017-2022", đồng thời đúc rút kinh nghiệm, bài học, đề ra những giải pháp thiết thực, tạo thêm động lực thúc đẩy hiệu quả hơn phong trào thi đua trong giai đoạn tới.
Hội ND đánh giá đây là phong trào nòng cốt, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết Đại hội VII Hội NDVN.
Thông tin về Hội nghị biểu dương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc lần thứ VI, giai đoạn 2017 - 2022, bà Nguyễn Thị Kim Hoa - Trưởng ban Kinh tế Trung ương Hội NDVN cho biết: Trong giai đoạn 2017 - 2022, bình quân hàng năm, số lượng hội viên nông dân đăng ký đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp tăng 4,3%, đạt 6,21 triệu lượt hộ đăng ký, chiếm 53,4% so với tổng số hộ nông dân cả nước; trong đó số hộ nông dân đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp đến năm 2021 là 3,6 triệu hộ, chiếm 51,6% số hộ đăng ký.
Chất lượng và hiệu quả phong trào ngày càng nâng cao, tiếp tục xuất hiện nhiều hộ có quy mô sản xuất lớn, có vốn kinh doanh hàng trăm tỷ đồng, thu hút hàng chục, hàng trăm lao động, thu nhập hàng năm từ hàng trăm triệu đồng đến hàng chục tỷ đồng. So với giai đoạn 2012 - 2017, số hộ nông dân có mức thu nhập trên 500 triệu đồng/năm tăng gấp 3 lần, số hộ có mức thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm tiếp tục tăng gấp 2 lần.
Thông tin về quy định tiêu chuẩn hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, bà Nguyễn Thị Kim Hoa cho biết: Để có căn cứ đánh giá, bình xét và kịp thời biểu dương các hộ nông dân tiêu biểu trong phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi Ban Thường vụ Trung ương Hội NDVN đã ban hành Quy định số 944 ngày 4/9/2014 về quy định tiêu chuẩn hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp và tổ chức thực hiện.
Thứ nhất là tiêu chuẩn về thu nhập. Danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở mỗi cấp có mức thu nhập đạt được khác nhau. Hàng năm khi Bộ NNPTNT có văn bản quy định về mức thu nhập đạt chuẩn nông thôn mới, các cấp Hội căn cứ vào mức quy định để xác định mức thu nhập cụ thể cho danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Cụ thể, cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn): Gấp 1,25 lần so với mức thu nhập đạt chuẩn nông thôn mới. Cấp huyện (huyện, thị, thành phố trực thuộc tỉnh): Gấp 1,5 lần so với cấp cơ sở. Cấp tỉnh: Gấp 3 lần cấp cơ sở. Cấp Trung ương: Gấp 6 lần so với cấp cơ sở.
Theo bà Hoa, có 7 vùng để tính tiêu chuẩn thu nhập hộ sản xuất, kinh doanh giỏi. Bên cạnh đó, cũng cần tiêu chuẩn về đoàn kết, giúp đỡ các hộ phát triển sản xuất kinh doanh. Ví dụ nông dân giỏi cấp Trung ương hàng năm hướng dẫn và phổ biến kiến thức, kinh nghiệm sản xuất cho ít nhất 20 hộ nông dân khác, tạo việc làm ổn định cho 15 lao động trở lên, giúp đỡ có hiệu quả 7 lượt hộ khó khăn về vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Đánh giá cao những đóng góp tích cực của các nông dân giỏi, ông Nguyễn Văn Nhiên - Chủ tịch Hội ND tỉnh An Giang nhấn mạnh: Không chỉ tạo ra loại hình kinh tế cá thể có hiệu quả cao, với sự hỗ trợ, hướng dẫn của Hội ND các cấp trong tỉnh, các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã thành lập các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc tham gia thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm liên kết, mở rộng quy mô. Đến nay, toàn tỉnh có 930 tổ hợp tác với 15.147 thành viên hoạt động trên các lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ nông nghiệp, dịch vụ phi nông nghiệp…
"Chúng tôi sẽ tích cực hướng dẫn nông dân phát triển các loại hình sản xuất, kinh doanh phù hợp, gắn với hỗ trợ về vốn, vật tư, chuyển giao khoa học - kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào. Đồng thời sẽ chú trọng công tác biểu dương, khen thưởng những cá nhân, tập thể tiêu biểu có đóng góp cho phong trào, nhằm lan tỏa mạnh mẽ trong hội viên, nông dân toàn tỉnh" - ông Nguyễn Văn Nhiên khẳng định.