Nuôi tôm sú, cua biển quảng canh cải tiến, nông dân giỏi Quảng Ninh thu hàng tỷ/năm
Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi Quảng Ninh: Người nuôi tôm sú, cua biển mát tay nổi tiếng TX Quảng Yên
Bùi My
Thứ tư, ngày 17/08/2022 06:00 AM (GMT+7)
Trải qua khá nhiều nghề, nhưng cuối cùng anh Lê Văn Thoại (thôn Hàn, xã Liên Vị, TX Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) lại chọn nuôi thủy sản quảng canh cải tiến để phát triển kinh tế. Nhờ dám nghĩ, dám làm, anh Thoại không chỉ nuôi tôm sú, cua biển có tiếng, mà còn là một Chi hội trưởng nông dân hết mình giúp bà con cùng làm giàu.
Lê Văn Thoại – Chi hội trưởng Chi hội nuôi trồng thủy sản xã Liên Vị, TX Quảng Yên (tỉnh nuôi tôm sú, cua biển quảng canh cải tiến.
Nhỡ chuyến xe, phải hơn 9 giờ sáng, tôi mới đến xã Liên Vị, TX.Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, ghé thăm anh Lê Văn Thoại – Chi hội trưởng Chi hội nuôi trồng thủy sản xã Liên Vị.
Khu đầm nuôi của anh Thoại cách trung tâm xã khá xa, bởi vậy chị Phượng (vợ anh Thoại) nhiệt tình đón và đưa tôi ra tận nơi.
Vừa bon bon dọc theo triền đê lộng gió, chị Phượng vừa bảo, đi dọc theo triền đê dài khoảng 4km này đều là đầm nuôi tôm sú, cua biển của vợ chồng chị.
Đổi mới tư duy, quyết làm giàu với quảng canh cải tiến
Nhấp chèn trà, anh Thoại bảo tôi: "Hôm nay em đến muộn nên không xem được cảnh thương lái vào thu mua tôm sú, cua biển. Mỗi ngày, công nhân đi rải lồng từ khoảng 2-3 giờ chiều, đợi đến 1 - 5 giờ sáng thì thu lồng, đến khoảng 7 giờ 30 thương lái đã thu mua xong xuôi. Bình thường giờ này, công nhân và anh chị đều ăn uống, nghỉ ngơi hết rồi."
Theo anh Thoại, trước đây, anh cũng đi buôn bán và làm một số công việc khác nhau, nhưng mãi vẫn chẳng khấm khá. Từ khi chuyển sang nuôi trồng thủy sản, gia đình anh có của ăn, của để và đến nay đã được gần 20 năm.
Chỉ tay ra phía đầm nuôi bát ngát trước mắt, anh Thoại cho biết, hiện anh đang nuôi quảng canh cải tiến trên 3 đầm có tổng diện tích lên đến 160ha với chủ lực là tôm sú, cua biển. Với đầm có diện tích gần 60ha trước mặt, anh nuôi khoảng 3 triệu con tôm sú và 30 vạn cua biển.
Ngoài nuôi tôm sú, cua biển, anh còn nuôi hàu đại dương, ngao với diện tích mặt nước khoảng 40ha nữa.
Theo anh Thoại, ở Quảng Yên, đặc thù ở khu vực Liên Vị là vùng đầm 2 nước, vừa đón nhiều cửa sông chảy về, vừa tiếp giáp với vùng biển Cát Hải, Hải Phòng. Bởi vậy từ tháng 8 đến tháng 3 âm lịch, nơi đây là vùng là nước mặn, những tháng còn lại, nơi này lại trở thành vùng nước lợ. Nhờ vậy, nguồn con giống cũng như nguồn thức ăn tự nhiên ở khu vực này rất phong phú.
Với đặc điểm thuận lợi như vậy, bà con nơi đây đã đắp đầm ven biển nuôi thủy sản theo hình thức quảng canh cải tiến, ít có tác động của con người, chủ yếu phụ thuộc vào thiên nhiên. Bởi vậy, cua biển Liên Vị đều rất béo, ngon, chắc thịt, nhiều gạch.
"Trước đây ông bà ta nuôi quảng canh, một hạt phân, một hạt vôi hay bất cứ công nghệ gì cũng không sử dụng, chỉ dựa vào tự nhiên. Nhưng tôi thì khác, tôi nuôi trồng theo hướng quảng canh cải tiến. Ngay từ khi bắt đầu làm, thấy chất đất cằn, xơ, bã, nên tôi quyết tâm cải tạo lại đầm, áp dụng khoa học kỹ thuật để nuôi trồng hiệu quả hơn," anh Thoại nói.
Theo đó, sau khi tháo cạn nước trong đầm, sên vét đáy đầm, anh bón vôi để tăng độ kiềm đối với ao lâu năm, nghèo chất dinh dưỡng. Nhờ đó, bùn có kết cấu tơi xốp, cải tạo điều kiện không khí ở tầng đấy, làm tăng độ dinh dưỡng cho ao đầm,…
Sau đó, anh bón phân gà ủ hoai để gây màu nước, tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm, cua, cá phát triển.
Ngoài cải tạo ao đầm, cải tạo nguồn thức ăn tự nhiên, cũng phải đặc biệt chú ý đến nguồn nước. Nếu nguồn nước xấu, không xử lý môi trường nước được, người nuôi phải tháo nước đi và lấy nước khác vào đầm.
Mô hình nuôi tôm sú, cua biển quảng canh cải tiến không chỉ thân thiện với môi trường, dễ chăm sóc quản lý, mà còn tiết kiệm chi phí thức ăn do chủ yếu tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên.
"Thức ăn của chúng cũng không quá cầu kỳ, chủ yếu ăn nguồn thức ăn tự nhiên. Có lúc hàng tuần, có lúc 2-3 ngày, anh chị mới bổ sung thức ăn cho tôm sú, cua biển. Thức ăn bổ sung là những con don, con dắt và không sử dụng bột cám công nghiệp. Nếu con dắt, con don còn thừa, chúng vẫn sống dưới đáy ao, mà không gây ô nhiễm", chị Phượng cho hay.
Anh Thoại cũng cho biết, gần 20 năm nuôi thủy sản, anh cũng nhiều lần thất bát vì gặp bão gió, thiên tai. Những năm 2005-2006, bão về gây mưa lớn, ngập lụt, khiến anh mất trắng. Cũng có năm rét đậm, rét hại, nhiệt độ xuống còn 4-5 độ khiến cá, tôm chết hết.
Lại có năm thời tiết khắc nghiệt, nắng thông hàng tháng, mưa thông hàng tháng, khiến phát sinh dịch bệnh, khiến tôm, cá chết mất khoảng 50%.
Chi hội trưởng nông dân nhiệt tình
Trong lúc trò chuyện, thỉnh thoảng vợ chồng anh Thoại lại nhận điện thoại của bà con, tư vấn về việc kiểm tra độ pH, độ mặn của nước và phương pháp điều chỉnh phù hợp.
Anh bảo, mỗi năm anh tham gia 2-3 lớp tập huấn, tham quan nhiều mô hình, nên học hỏi được nhiều kinh nghiệm. Anh cũng giúp bà con tìm kiếm nguồn giống chất lượng, giúp các hội viên tiếp cận nguồn vốn vay để phát triển kinh tế. Nhờ đó, nhiều hộ đã nâng cao chất chất lượng và năng suất thủy sản, từ đó nâng cao thu nhập.
"Bà con hỏi gì, nếu mình biết thì mình cứ chia sẻ thôi," anh Thoại cười nói.
Chị Phượng cho biết, anh chị thu hoạch tôm sú, cua biển quanh năm. Mỗi ngày đều có thương lái đến tận đầm thu mua tôm sú, cua biển, rồi đưa lên xe vận chuyển đi các tỉnh thành khác. Sản lượng thu hoạch mỗi ngày khác nhau, chỉ trong sáng nay, anh chị xuất bán 40-50kg tôm sú, cua biển.
Ngoài ra, hiện còn có nhiều người mua cua biển giống của anh chị để phát triển mô hình nuôi cua biển trong hộp nhựa.
So với nuôi công nghiệp, sản lượng tôm sú, cua biển khi nuôi quảng canh cải tiến ít hơn, nhưng giá trị kinh tế lại cao hơn hẳn. Hiện giá tôm sú loại 1 (khoảng 10-18 con tôm/kg) có giá bán 600.000 đồng/kg, tôm sú loại 2 (khoảng 25-30 con tôm/kg) có giá bán 400.000 đồng/kg.
Còn cua biển loại 1 được anh chị bán tại đầm với giá 600.000 đồng/kg, cua biển loại 2 được bán với giá 400.000 đồng/kg.
"Mấy năm trở lại đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hàng không xuất được sang Trung Quốc, tiêu thụ khó khăn hơn. Cho đến hiện tại dù ngành du lịch đã hoạt động trở lại, nhưng lượng khách vẫn hạn chế so với trước đây, nên giá cả cũng chưa ưng ý," anh Thoại chia sẻ.
Nhờ nuôi tôm sú, cua biển quảng canh cải tiến, mỗi năm vợ chồng anh Thoại thu về hàng tỷ đồng. Bên cạnh đó, gia đình anh còn tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động với mức thu nhập 9 triệu đồng/người/tháng và hàng chục lao động thời vụ.
Ông Lê Đức Thiện - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Liên Vị đánh giá, anh Lê Văn Thoại là một hội viên luôn chấp hành các quy chế sinh hoạt của hội cũng như các chủ trương, chính sách của Nhà nước.
Với cương vị là Chi hội trưởng Chi hội nuôi trồng thủy sản xã Liên Vị, anh Thoại luôn là cầu nối giữa Hội Nông dân xã Liên Vị với các hội viên trong chi hội. Anh luôn cởi mở trao đổi kinh nghiệm của bản thân trong việc nuôi thủy sản với các hội viên, cũng luôn tìm kiếm cách làm mới, với mong muốn đưa năng suất nuôi trồng tốt hơn.
Anh Thoại cũng là một người dám nghĩ, dám làm, dám thay đổi. Qua mô hình của anh, các hội viên trong chi hội cũng tìm được những địa chỉ mua giống tin cậy, và cũng học được những kinh nghiệm từ mô hình nuôi tôm cua quảng canh cải tiến của anh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.