Tỷ phú trồng cà phê, nuôi vịt là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tỉnh Đắk Lắk
Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi Đắk Lắk: Trồng cà phê, nuôi vịt thành tỷ phú nông dân
Thu Hà
Thứ tư, ngày 10/08/2022 13:38 PM (GMT+7)
Ông Nguyễn Lưu Tuệ – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) cho biết: Cư Kuin là huyện thuần nông, với hơn 80% dân số thu nhập chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, những năm qua các cấp Hội Nông dân huyện tích cực vận động nông dân thi đua tham gia phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.
Nông dân giỏi người Êđê với mô hình trồng cà phê xen hồ tiêu
Với mô hình trồng cà phê xen hồ tiêu bền vững, ông Y Tý Byă (SN 1968, dân tộc Êđê) ở buôn Pu Hue, xã Ea Ktur huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk là điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.
Dẫn chúng tôi thăm những rẫy cà phê xen hồ tiêu xanh mướt bạt ngàn, ông Y Tý chia sẻ: Hiện gia đình ông đang canh tác 1,7ha diện tích cà phê (tái canh 800 cây) trồng xen với 500 gốc tiêu. Mô hình cà phê trồng xen tiêu với mật độ 3 hàng cà phê xen 2 băng tiêu.
Theo ông Y Tý, khi trồng cà phê xen hồ tiêu, tỷ lệ sâu bệnh trên cả hai loại cây đều giảm so với trồng thuần cà phê, cây hồ tiêu được trồng dưới gốc trụ sống nên không cạnh tranh dinh dưỡng với cây cà phê.
Để cây trồng đạt năng suất cao, ông Y Tý thường xuyên tham gia các lớp tập huấn KHKT của Hội Nông dân và các cấp ngành phối hợp tổ chức. Từ đó ông biết sử dụng các loại phân bón hữu cơ, phân chuồng bón cho cây, có kiến thức về thảm cỏ sinh học, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhằm tăng khả năng chống đỡ các loại sâu bệnh hại nguy hiểm. Vào mùa khô, xã Ea Ktur được coi là điểm nóng về hạn hán, nhưng với cách xen canh này, khi tưới nước cho cây cà phê, cây hồ tiêu cũng được hưởng lượng nước tưới để sinh trưởng và ra hoa, tiết kiệm chi phí.
Hiện nay, vườn tiêu trồng xen trong cà phê của ông Y Tý đã cho thu hoạch với sản lượng đều hằng năm, tiêu phát triển tốt, sai quả và hầu như không có sâu bệnh. Vụ thu hoạch năm vừa rồi, ông Y Tý thu được 4,2 tấn cà phê và 2,5 tấn tiêu, trong đó lợi nhuận thu được từ niên vụ 2021 – 2022 tăng 220% so với niên vụ 2019 – 2022.
Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, ông Y Tý còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm rút ra từ thực tế bản thân cho các hộ nông dân trong buôn, góp phần đẩy mạnh phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của xã Ea Ktur.
Tỷ phú nông dân nuôi vịt
Gia đình anh Lê Văn Vẹn (ở thôn 5, xã Ea Hu) cũng là điển hình nông dân làm kinh tế giỏi với mô hình nuôi vịt ấp trứng. Năm 2008, anh Vẹn đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng trang trại rộng 6.000 m2 và 4 lò ấp trứng tự động. Trang trại được anh sắp xếp, quy hoạch khéo léo, khoa học; bố trí cạnh hồ đập để vịt bơi lội tắm táp, khu chuồng trại được xây trải dài bao quanh tạo sự thoáng mát, sạch sẽ. Lò ấp trứng được xây tách biệt với khu chuồng trại để bảo đảm an toàn dịch bệnh cho con giống.
Hiện nay gia đình anh nuôi gần 13.000 con vịt đẻ, mỗi ngày đàn vịt trong trang trại của anh đều đặn cho gần 12.000 quả trứng. Sau khi thu, trứng được chọn lựa kỹ càng và đưa ngay vào lò ấp. Trứng ấp bằng lò ấp tự động luôn đạt tỷ lệ từ 90 - 95%. Với 4 lò ấp trứng, hiện nay mỗi tháng anh cho ra lò khoảng 36.000 vịt con một ngày tuổi, được thương lái tới tận nơi thu mua.
Ngoài nuôi vịt ấp trứng anh Vẹn còn canh tác 1ha cà phê; mỗi năm từ chăn nuôi và trồng trọt gia đình anh có thu nhập gần 1 tỷ đồng sau khi đã trừ chi phí. Cơ sở chăn nuôi vịt ấp trứng Tý Tâm của gia đình anh là 1 trong 2 cơ sở trên địa bàn huyện Cư Kuin được Bộ NNPTNT cấp Giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh, vì sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng.
Đẩy mạnh phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Lưu Tuệ – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cư Kuin cho biết: Cư Kuin là huyện thuần nông, ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn với hơn 80% dân số thu nhập chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp.
Vì vậy, những năm qua các cấp Hội Nông dân huyện tích cực vận động nông dân tham gia phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.
Hằng năm Hội Nông dân huyện đều chỉ đạo Hội cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân đăng ký tham gia phong trào; giới thiệu các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi, những điển hình tiên tiến để hội viên học hỏi áp dụng…
Để tạo điều kiện cho hội viên phát triển kinh tế, các cấp Hội Nông dân huyện chủ động phối hợp với các ngành tạo nguồn vốn cho nông dân phát triển sản xuất. Trong 5 năm qua, tổng nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân (từ Trung ương đến các cơ sở hội) là trên 7,5 tỷ đồng, giúp hàng trăm lượt hội viên, nông dân có vốn phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, nhiều hội viên, nông dân đã được tiếp cận các nguồn chính sách ưu đãi, xây dựng những mô hình tiêu biểu trong sản xuất.
Ông Tuệ cho biết: Trong 5 năm qua, chất lượng và hiệu quả phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ngày càng tăng cả về chất lẫn lượng. Nếu như năm 2017, toàn huyện Cư Kuin có 6.790 hộ đăng ký đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, chiếm 50,8 % so với tổng số hộ nông dân của huyện; hộ đạt 3.450. Đến năm 2021, số hộ nông dân đăng ký đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp tăng gấp đôi là 10.650 hộ đăng ký; hộ đạt 6.320.
Từ phong trào đã xuất hiện nhiều hộ nông dân có quy mô sản xuất lớn, góp phần hình thành nên những mô hình chuyên canh: cây cà phê, hồ tiêu, cam, vải, nhãn; cà phê xen hồ tiêu, bơ, sầu riêng (ở xã Ea Bhôk, Ea Ning, Ea Tiêu, Ea Hu, Ea Ktur). Các mô hình hộ kinh doanh: hộ ông Phạm Quang Hinh, ông Nguyễn Tri Phương, ông Y Luyễn ÊBan, Trần Văn Cao, Y Tiêr Niê Kdăm…
Hay mô hình chăn nuôi heo, bò (ở xã Ea Bhốk, Hòa Hiệp, Cư Êwi, Dray Bhăng, Ea Tiêu) của ông Võ Văn Trí, Phan Văn Tình, Nguyễn Trọng Anh, bà Nguyễn Thị Thùy Linh… cho thu nhập từ 300 đến 500 và trên 500 triệu đồng/năm. Mô hình cây cam, quýt xen cà phê (ở xã Cư Êwi), cây vải thiều (xã Ea Hu) và nhiều mô hình trồng hoa và rau màu các loại…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.