Một xã ở Bắc Ninh có nhiều nông dân sản xuất kinh doanh giỏi nhờ trồng cam canh, nuôi cá lồng
Một xã ở Bắc Ninh có nhiều nông dân sản xuất kinh doanh giỏi nhờ trồng cam Canh, nuôi cá lồng
Chủ nhật, ngày 04/09/2022 19:10 PM (GMT+7)
Với lợi thế vùng ven sông Đuống, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh có hơn 200 ha đất bãi màu mỡ và hơn 350ha canh tác trong đồng. Những năm qua, nhiều nông dân trong xã đã thi đua sản xuất kinh giỏi nhờ trồng cam canh, nuôi cá lồng.
Với lợi thế vùng ven sông Đuống, xã Đình Tổ có hơn 200 ha đất bãi màu mỡ và hơn 350ha canh tác trong đồng. Nhận thức rõ điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp, dưới sự lãnh, chỉ đạo của Hội Nông dân huyện Thuận Thành và Đảng ủy, UBND xã, Hội Nông dana xã Đình Tổ đã khuyến khích, vận động hội viên nông dân dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi.
Cùng với đó là thay đổi phương thức sản xuất, từ sản xuất nhỏ lẻ chuyển sang sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô lớn bằng các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, trong đó tiêu biểu nhất có thể kể đến cây cam canh. Theo số liệu báo cáo, đến nay xã Đình Tổ có hơn 50 ha trồng cam canh cho hiệu quả kinh tế cao.
Trang trại trồng cam canh của ông Nguyễn Văn Thanh cho hiệu quả kinh tế cao
Là một trong số các hộ tham gia vào vùng trồng cam canh, trang trại của ông Nguyễn Văn Thanh ở thôn Bút Tháp có diện tích đạt gần 2ha, cho sản lượng mỗi năm hàng chục tấn quả. Theo chia sẻ của hội viên nông dân liên tiếp trong nhiều năm đạt danh hiệu hộ Sản xuất kinh doanh giỏi này, trong suốt quá trình xây dựng trang trại từ năm 2014 đến nay, ông đã luôn nhận được sự quan tâm hỗ trợ và tạo điều kiện rất lớn từ chính quyền địa phương, cũng như các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là Hội Nông dân từ cấp xã đến cấp tỉnh. Qua đó đã giúp mô hình không ngừng mở rộng và nâng cao giá trị sản xuất.
Được biết với sản lượng mỗi năm đạt trên 50 tấn quả, trang trại cho gia đình ông Thanh thu nhập sau khi trừ chi phí đạt 500 triệu đồng/năm, đồng thời tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động với thu nhập trên 7 triệu đồng/tháng và từ 50-70 lao động thời vụ với mức lương 150.000/ngày.
Bên cạnh vận động hội viên tham gia vào vùng trồng cam canh, Hội Nông dân xã Đình Tổ còn chủ động tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ hội viên, nông dân xây dựng mô hình nuôi cá lồng trên sông. Hiện nay, toàn xã có tổng số hơn 70 lồng cá, hàng năm xuất bán ra thị trường 60 tấn cá thương phẩm các loại.
Hiệu quả từ việc khuyến khích xây dựng và phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung đã đem lại thu nhập ổn định cho người nông dân trong xã. Đồng thời nâng cao giá trị sản xuất trên một diện tích canh tác, từ 30 triệu đồng/ha/năm 2011 lên 205 triệu đồng/ha/năm 2021. Thu nhập bình quân đầu người cũng tăng từ 15,9 triệu đồng/người/năm 2011 lên 45,5 triệu đồng/người/năm 2021. Tỉ lệ hộ nghèo ngày càng giảm thấp, hộ khá giả ngày càng tăng. Kết cấu hạ tầng kinh tế, kĩ thuật đồng bộ; các hoạt động văn hóa, thể thao sôi nổi, tình hình an ninh nông thôn ổn định, môi trường sinh thái được bảo vệ… Năm 2022, Đình Tổ phấn đấu cán đích NTM nâng cao và quyết tâm là xã NTM kiểu mẫu đầu tiên của Thuận Thành vào năm 2024.
“Trong những năm qua, việc khuyến khích, vận động hội viên nông dân phát triển sản xuất tập trung ở xã Đình Tổ đã đạt kết quả đáng ghi nhận, góp phần không nhỏ vào công cuộc cán đích NTM và hiện tại là NTM nâng cao của địa phương. Bên cạnh đó, phát triển sản xuất tập trung còn tạo nên sự thay đổi phương thức sản xuất của người nông dân trong xã từ mô hình sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung, ứng dụng khoa học kỹ thuật để sản xuất sản phẩm hàng hóa. Qua đó, đưa kinh tế nông thôn của địa bàn chuyển dịch theo hướng tăng trưởng nhanh, phát triển bền vững, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân …”, ông Vương Đặng Hoa, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thuận Thành đánh giá.
Với những lợi ích mà việc sản xuất tập trung đã và đang đem lại, trong thời gian tới, Hội Nông dân xã Đình Tổ chủ trương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và tham mưu cho địa phương có các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là về tích tụ ruộng đất, nguồn vốn vay ưu đãi, phổ biến khoa học kỹ thuật, tổ chức dạy nghề... Qua đó, không ngừng mở rộng và phát triển các vùng sản xuất tập trung với cây, con phù hợp với lợi thế địa phương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.