Dân Việt

Bí quyết xử lý nước thải trong chăn nuôi, không lo ô nhiễm của ông nông dân Thái Nguyên

Hà Thanh - Kiều Hải 17/09/2022 06:11 GMT+7
Với sáng kiến xây hệ thống hầm biogas liên kết, ông Lê Văn Tự (phường Đắc Sơn, TP Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) đã xử lý triệt để nước thải chăn nuôi, giúp giảm thiểu đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường.

Ông Lê Văn Tự (tổ dân phố Bến 1, phường Đắc Sơn, TP Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) chia sẻ bí quyết xây hầm biogas giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi (Clip: Hà Thanh)

Cải tiến hầm biogas

Sau quá trình chăn nuôi, ông Lê Văn Tự (tổ dân phố Bến 1, phường Đắc Sơn, TP Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) nhận thấy việc xử lý chất thải trong chăn nuôi của nhiều hộ dân hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, chưa thể giải quyết triệt để.

Mặc dù gia đình ông và nhiều hộ gia đình đã xây dựng hầm biogas để xử lý chất thải chăn nuôi nhưng trong quá trình vận hành vẫn bộc lộ nhiều nhược điểm. Ví dụ như: Hầm không phân hủy hết chất hữu cơ, chất thải ra vẫn gây ô nhiễm môi trường đất và không khí, hàng năm vẫn phải dành một khoản kinh phí để thuê hút bã thải, chất thải tạo khí ga nhiều nhưng lượng khí thu được lại rất ít.

Trước thực trạng đó, ông Tự đã nghĩ ra việc xây dựng hệ thống liên kết hầm khí sinh học nhằm giảm tối đa chất độc hại ra môi trường, làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Năm 2015, ông Tự đã quyết định cải tạo lại hầm biogas cũ của gia đình bằng cách lắp đặt đường ống và xây một hầm mới theo thiết kế của riêng mình. Sau khi hoàn chỉnh và đưa vào vận hành, ông Tự nhận thấy hiệu quả tương đối tốt.

Bí quyết xử lý nước thải trong chăn nuôi không gây ô nhiễm môi trường của ông nông dân Thái Nguyên - Ảnh 2.

Ông Tự đã cải tạo lại hầm biogas cũ của gia đình bằng cách lắp đặt đường ống và xây một hầm mới theo thiết kế của riêng mình (Ảnh: Hà Thanh)

Cụ thể, vẫn lượng chất thải ấy nhưng lượng khí ga thu về tăng lên 3 – 4 lần so với trước đây. Môi trường được cải thiện rõ rệt, vì lượng chất thải ở hầm 1 chưa được xử lý hết sẽ được chuyển qua hầm 2 để tiếp tục xử lý sau đó mới thải ra bên ngoài. Tất cả bã thải đã phân hủy được tự động đẩy ra môi trường đã giúp tiết kiệm một khoản chi phí đáng kể khi không phải thuê thợ hút.

Tuy nhiên, sau một thời gian vận hành, mặc dù ưu điểm thấy rõ nhưng chất thải vẫn chưa phân hủy hết nên vẫn gây mùi.

Hệ thống hệ thống hầm biogas liên kết nhiều ưu điểm

Vì vậy, đến năm 2019, ông Tự tiếp tục xây thêm 2 hầm biogas nữa với dung tích mỗi hầm 20m3. Tất cả hệ thống 4 hầm này được liên kết với nhau theo cơ chế hầm nọ xử lý chưa hết sẽ chuyển qua hầm tiếp theo, cứ như vậy chất thải được xử lý từ hầm 1 đến hầm 4 một cách triệt để.

Bí quyết xử lý nước thải trong chăn nuôi không gây ô nhiễm môi trường của ông nông dân Thái Nguyên - Ảnh 3.

Hầm biogas cải tiến đã thể hiện nhiều ưu điểm (Ảnh: Hà Thanh)

Nhờ hệ thống hầm biogas liên kết này, việc xử lý chất thải chăn nuôi đã mang về những kết quả hết sức tuyệt vời. Đó là không còn hiện tượng ô nhiễm đất và không khí trong quá trình chăn nuôi. Lượng ga thu được tăng gấp nhiều lần, tiết kiệm khoản chi phí đáng kể mỗi năm cho việc thuê hút cặn bã.

Ông Tự cho biết, cơ chế hoạt động của hệ thống liên kết bể biogas như sau: Nước rửa chuồng trước tiên đi qua bể lắng lọc để loại trừ chất thải rắn như đất, đá, sỏi… Sau đó, nước thải được đưa vào hầm phân hủy số 1 qua một đường ống. Đầu trên của đường ống lắp cao hơn bể lắng lọc 40cm, đầu dưới được lắp thêm cút vuông và được lắp sát thành bể phân hủy với chiều của miệng cút song song với thành bể theo chiều ngược kim đồng hồ.

Mục đích của việc làm này là giúp nước thải có chứa bã chỉ nằm ở nửa phần đáy bể mà không lan tỏa khắp đáy bể. Chỉ khi nào chất thải lên men và phân hủy thì sẽ từ từ lơ lửng và nổi lên trên bề mặt, tạo ra những bong bóng khí sau đó vỡ ra thành khí ga.

Sau khi nước thải được phân hủy ở hầm số 1 sẽ được thu gom và tiếp tục chuyển đến hầm phân hủy số 2 theo đường ống.

Tiếp theo, nước thải từ bể số 2 được đưa tiếp đến bể phân hủy số 3, đây là giai đoạn sinh khí ga nhiều nhất. Ở giai đoạn này, toàn bộ chất thải đã phân hủy và một phần chưa phân hủy được đưa lên bể điều áp số 3 và thải bã ra môi trường, vì ở giai đoạn này bã ở dưới đáy bể đã phân hủy hết.

Phần miệng của bể này cũng được thiết kế một máng hình bán nguyệt để gạn lọc chất thải chưa phân hủy đã nổi hoặc bỏ lơ lửng ở phần miệng.

Khi có nước thải bổ sung, nước sẽ dâng lên chảy vào máng hình bán nguyệt đi theo đường ống chảy vào bể phân hủy số 4 để xử lý tiếp. Trải qua 4 hầm phân hủy và 4 bể điều áp, nước thải mới được thải ra môi trường, do đó đảm bảo yếu tố không gây ô nhiễm môi trường xung quanh.

Bí quyết xử lý nước thải trong chăn nuôi không gây ô nhiễm môi trường của ông nông dân Thái Nguyên - Ảnh 4.

Nhờ sáng kiến xây dựng bể biogas liên kết đã giúp xử lý triệt để nguồn chất thải từ chăn nuôi thải ra, không còn mùi khó chịu (Ảnh: Hà Thanh)

Với sáng kiến này, ông Tự đã giải quyết được những khó khăn, vướng mắc của nhiều hộ chăn nuôi hiện nay, khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường do nguồn nước thải chăn nuôi thải ra.