Trồng rừng trên "đất run" ở Quảng Trị, một tỷ phú là "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022"
Trồng rừng trên "đất run" ở Quảng Trị, một tỷ phú được bình chọn là "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022"
Ngọc Vũ
Thứ sáu, ngày 16/09/2022 13:03 PM (GMT+7)
Rời đảo ngọc Phú Quốc, anh Cáp Quốc Hà theo cha quay về quê nhà Quảng Trị khai hoang đất trồng rừng và tiêu hữu cơ rồi trở thành tỷ phú, tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương. Anh Hà là một trong 100 nông dân tiêu biểu của cả nước được bình chọn là "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022".
Một ngày tháng 9, chúng tôi đến thăm nhà của Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022 Cáp Quốc Hà (SN 1973, ở thôn Mỹ Chánh, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị).
Rót ly nước chè – thức uống đặc sản nức tiếng quê hương mời khách, anh Hà cho biết, căn nhà xây theo lối kiến trúc hiện đại, hoàn thành cách đây ít năm. Tính cả nội thất, ngôi nhà có trị giá gần 6 tỷ đồng. Có được cơ ngơi hôm nay, anh Hà phải trải qua bao gian truân vất vả, nhiều lần suýt bỏ mạng giữa rừng vì cuốc phải bom bi.
Nhìn về phía cánh rừng tràm xanh ngút ngàn, anh Hà kể rằng, bố anh - ông Cáp Đình Hội (1924 – 2009) là cựu tù binh ở Phú Quốc, tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Sau hòa bình, ông Hội trở lại đảo ngọc Phú Quốc lập nghiệp. Anh Hà sinh ra và lớn lên ở đó.
Cuộc sống ở Phú Quốc êm đềm nhưng nỗi nhớ quê hương và mong muốn trở về quê tìm hài cốt đồng đội đã thôi thúc ông Hội đưa gia đình trở về quê cũ.
Sau thời gian chuẩn bị, năm 1992, ông Hội đem toàn bộ đất đai bao năm khai hoang ở Phú Quốc biếu tặng họ hàng, anh em. Sau đó, cả nhà trở về thôn Trà Lộc (Hải Xuân, Hải Lăng, Quảng Trị).
Sau khi về quê, hàng ngày, ông Hội dắt anh Hà đến các điểm đóng quân, chiến trường xưa ở vùng núi đồi xã Hải Chánh tìm hài cốt đồng đội. Thấy vùng đồi nơi đây hoang hóa, anh Hà và cha quyết định xin đất khai hoang lập nghiệp, trồng rừng.
Quen với miền Nam khí hậu ôn hòa, ra Quảng Trị nắng lắm mưa nhiều, tiết trời khắc nghiệt nên đôi lúc anh Hà kiệt sức. Vay vốn khó khăn, không thuê được máy móc, do vậy việc khai hoang chủ yếu bằng tay, dùng rựa phát quang, dùng cuốc đào hố trồng cây. Cái ăn hàng ngày chỉ có cơm độn sắn với rau rừng.
Thấy cảnh gia đình anh Hà không chịu ở quê mà kéo nhau lên rừng, dựng chòi ở để lập nghiệp, nhiều người tỏ ra khâm phục, nhưng có người lại cười nhạo, bảo đồ khùng đồ điên, chỗ sướng không ở, lại đến chỗ chó ăn đá, gà ăn sỏi ở.
"Thời đó không có xe, phải gùi cây rừng nhiều km vào rừng, đào hố trồng. Nhiều lúc đang đào hố thì cuộc phải bom bi, may mà không nổ chứ không tôi đã bỏ mạng từ lâu, giờ nhắc lại vẫn thấy rùng mình. Ở Quảng Trị chúng tôi hay đùa nhau là chúng ta đang lập nghiệp trên vùng đất run. Bởi đâu chỉ Hải Lăng, nhìn trên bản đồ của các dự án rà phá bom mìn, tỉnh Quảng Trị đỏ lè, chú thích cho việc nhiều bom đạn. Người dân vừa cuốc đất vừa run. Ngày nay thì đỡ hơn vì có các tổ chức rà phá bom mìn" – anh Hà cho hay.
Chị Văn Thị Thu Hương (vợ anh Hà) cho hay, quê chị ở tận miền biển huyện Phú Mỹ (Bình Định) nên khi theo chồng về Quảng Trị, chống chịu "đặc sản" gió Lào nắng cháy để hàng ngày cùng chồng lam lũ giữa rừng hoang quả thực vất vả. "Ban đầu cuốc phải bom, sợ tím mặt, bỏ chạy thục mạng. Nhưng rồi cả nhà lại động viên nhau gắng gượng, rằng có công mài sắt ắt có ngày nên kim. Không thể đếm nỗi số lượng bom bi tìm được trên đất chở đi đổ"– chị Hương kể.
Nói về quá trình lập nghiệp, anh Hà không quên cảm kích sự giúp đỡ của Sở NNPTNT và cán bộ Hội Nông dân các cấp khi đã tập huấn thành công kỹ thuật ươm giống cây tràm. Nhờ vậy, anh Hà chủ động được nguồn giống để trồng rừng theo dạng cuốn chiếu. Chu kỳ 7 năm, anh Hà khai thác rừng bán lấy tiền rồi tiếp tục thuê máy móc mở rộng diện tích. Vòng quay cứ thế cho đến năm 1998 thì anh Hà có trong tay hơn 200 ha rừng tràm.
Tỷ phú trồng rừng là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022
Chở chúng tôi đi thăm rừng bằng chiếc xe hơi tiền tỷ, anh Hà cho biết, trước đây khi tràm đến tuổi khai thác anh sẽ bán cho thương lái. Để nâng cao thu nhập, năm 2005 và 2010, anh Hà mua ba xe ô tô tải để tự khai thác rừng đem bán cho các nhà máy gỗ dăm. Mỗi năm, anh Hà khai thác khoảng 30 ha rừng, doanh thu khoảng 2,2 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương với thu nhập khoảng 5 đến 6 triệu đồng/tháng.
Nhận thấy tiêu là cây có tiềm năng kinh tế, năm 2015 anh Hà cải tạo khu đất rừng gần 1 ha đầu tư hơn 1,2 tỷ đồng để trồng 1.200 gốc tiêu. Vườn hồ tiêu của anh Hà có hệ thống phun sương, mái che, dây cột giằng chống bão chắc chắn, chỉ sử dụng phân bón hữu cơ. Mỗi năm, vườn tiêu cho năng suất từ 3 đến 5 tấn, cho thu nhập khá cao.
Anh Hà cho biết, trồng tiêu quan trọng nhất là không để nước ứ đọng gây úng dẫn đến cây bị bệnh. Riêng việc trừ sâu bệnh, anh Hà sử dụng chế phẩm sinh học hỗn hợp từ gừng, ớt, tỏi để phun. Hiện anh Hà đang làm việc với sở, ban ngành địa phương để đăng ký thương hiệu sản phẩm tiêu hữu cơ của mình.
Mọi cố gắng và nỗ lực bền bỉ của anh đã thu được thành tựu ngọt ngào. Hơn 200 ha rừng tràm, hồ tiêu không chỉ cho thu nhập mỗi năm trên 1 tỷ đồng mà còn phủ xanh đất trống đồi trọc, biến vùng đồi hoang hóa thành cánh rừng xanh tốt như hiện nay.
Tận dụng địa hình rừng núi, có hồ nước rộng lớn, anh Hà dự định thời gian tới, khi giao thông thuận lợi, có sự kết nối sẽ đầu tư du lịch sinh thái, tăng thu nhập, tạo đột phá với mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch.
Rảo bước dưới cánh rừng tràm xanh mát, ông Trần Văn Bến – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị cho biết, anh Cáp Quốc Hà không chỉ là nông dân xuất sắc, được các cấp ngành Trung ương, địa phương đánh giá cao, khen thưởng mà anh còn tích cực đóng góp trong việc đền ơn đáp nghĩa, xây dựng quê hương, là tấm gương điển hình cho mọi người học tập, noi theo.
Năm 2018, anh Cáp Quốc Hà được bình chọn là Nông dân Việt Nam tiêu biểu. Và thật vinh dự khi anh Hà tiếp tục trở thành Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022.
"Tham dự chương trình tôn vinh Nông dân Việt Nam xuất sắc, tôi được gặp gỡ, học hỏi nhiều người xuất sắc hơn mình, đó là niềm tự hào, vinh dự lớn lao, là động lực giúp tôi phấn đấu hơn nữa trong chặng đường sắp tới" – anh Hà chia sẻ.
Nông dân Việt Nam xuất sắc 2022 Cáp Quốc Hà, thôn Mỹ Chánh, xã Hải Chánh (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) chia sẻ việc sản xuất của mình. Clip: Ngọc Vũ - Nguyễn Chương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.