Giám sát tốt virus là "chìa khóa" chặn dịch cúm gia cầm

Nhật Anh Thứ sáu, ngày 16/09/2022 15:05 PM (GMT+7)
Theo Cục Thú y (Bộ NNPTNT), trong 6 tháng đầu năm 2022, cả nước xảy ra 22 ổ dịch cúm gia cầm (CGC) tại 20 huyện của 13 tỉnh, thành phố… Việc giám sát tốt nguồn gốc và chủng virus CGC đã giúp ngành chức năng và các địa phương ngăn chặn hiệu quả các ổ dịch.
Bình luận 0

Cụ thể, theo lãnh đạo Cục Thú y, so với cùng kỳ năm 2021, 6 tháng đầu năm 2022, số ổ dịch CGC giảm 4 lần, số tỉnh có dịch giảm 2,1 lần và số gia cầm tiêu hủy giảm 6,3 lần. Tổng số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 58.480 con.

Để phòng chống hiệu quả dịch CGC, Cục Thú y đã chủ trì, phối hợp với các tổ chức quốc tế thực hiện giám sát virus CGC tại chợ buôn bán gia cầm sống tại 33 tỉnh, thành phố (trong đó FAO hỗ trợ thực hiện tại 8 tỉnh; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) của Mỹ hỗ trợ thực hiện tại 25 tỉnh, thành phố). Đồng thời thực hiện giám sát virus cúm H7N9 tại một số tỉnh biên giới phía Bắc (gồm Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai và Cao Bằng).

Giám sát tốt virus, chặn dịch cúm gia cầm - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, lãnh đạo Cục Thú y thăm mô hình nuôi gà đồi an toàn dịch bệnh tại xã Xuân Lương, huyện Yên Thế (Bắc Giang). Ảnh: Thuý Hiền

Theo ông Nguyễn Văn Long - quyền Cục trưởng Cục Thú y, trong giai đoạn từ tháng 10/2017-9/2022, Cục Thú y gửi sang CDC Mỹ tại Atlanta tổng cộng 10.489 mẫu (trung bình 2.098 mẫu/năm) dương tính với virus CGC để thực hiện: Giải trình tự gene và xác định các đặc tính di truyền của các chủng virus CGC lưu hành tại Việt Nam; nghiên cứu, đánh giá đặc tính gây bệnh của các chủng virus CGC; nghiên cứu các đặc tính di truyền, kháng nguyên và lựa chọn chủng virus để sản xuất vaccine.

Kết quả giám sát CGC đến hết tháng 6/2022: Lấy 1.763 mẫu gộp (tương đương 8.815 mẫu đơn của gia cầm); trong đó 601 mẫu (34.09%) dương tính với cúm A; 49 mẫu (2,78% tổng số mẫu xét nghiệm) dương tính với virus cúm A/H5N1; 5 mẫu (0,28%) dương tính với virus cúm A/H5N6; và 6 mẫu dương tính với virus cúm A/H5N8 (0,34%).

Triển khai Dự án "Giám sát CGC và các bệnh chung khác ở góc độ tương tác giữa người và động vật tại Việt Nam giai đoạn 2017 - 2022" do CDC của Mỹ tài trợ, Cục Thú y đã gửi sang CDC Mỹ để phân tích chuyên sâu 1.866 mẫu virus CGC được thu thập từ cuối năm 2021 và năm 2022. Trong số này có 52 mẫu ổ dịch, 1.814 mẫu swab và môi trường (mẫu gộp).

Kết quả giải trình tự gien của các mẫu virus CGC thu thập từ ổ dịch giai đoạn từ 12/2021 đến tháng 4/2022 cho thấy: Chủng virus CGC A/H5N1 thuộc nhánh (clade) 2.3.2.1c và 2.3.4.4b; chủng virus CGC A/H5N6 thuộc 2 nhánh 2.3.4.4g và 2.3.4.4h; và chủng virus CGC A/H5N8 thuộc nhánh 2.3.4.4b. Các chủng virus CGC A/H5N1 clade 2.3.4.4b có kết quả gen HA tương đồng cao (98%) so với các chủng virus CGC A/H5N8 và A/H5N1 clade 2.3.4.4b lưu hành thời gian gần đây (2020 - 2021) trên thế giới như: Trung Quốc, Nigeria, Ai Cập… Kết quả phân tích gen HA của các chủng virus CGC A/H5N6, A/H5N8 ở miền Bắc và miền Trung cho thấy không có nhiều khác biệt về các nhánh virus CGC lưu hành trong các năm trước đây và không không có sự hình thành phân nhóm mới.

Đáng chú ý, không phát hiện virus cúm A/H7N9 (gây bệnh ở người ở Trung Quốc).

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, giám sát cúm gia cầm và các bệnh chung khác ở góc độ tương tác giữa người và động vật là cách tiếp cận toàn diện giúp Việt Nam khống chế CGC và các bệnh lây truyền từ động vật sang người. Qua đó, nâng cao chất lượng nguồn lực đảm bảo phát triển chăn nuôi an toàn. Từ đó, góp phần quan trọng vào tăng trưởng của ngành nông nghiệp.

Những kết quả của Dự án "Giám sát CGC và các bệnh chung khác ở góc độ tương tác giữa người và động vật tại Việt Nam giai đoạn 2017 - 2022" có ý nghĩa quan trọng trong việc chủ động các giải pháp phòng ngừa các mối đe dọa đối với bệnh CGC và các bệnh lây truyền từ động vật sang người. Việc thu thập thông tin một các thường xuyên và phân tích định kỳ, chia sẻ thông tin giúp phát hiện sớm đáp ứng kịp thời việc kiểm soát và phòng ngừa sự xâm nhập và lây truyền virus CGC và các virus lây truyền từ động vật sang người.

"Từ việc giám sát chúng ta đã có những giải pháp phòng chống dịch bệnh như: An toàn sinh học, tiêm phòng vaccine, xử lý ổ dịch và đầu tư trang thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực. Qua đó, nâng cao năng lực thú y và nhận thức của người chăn nuôi để triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống cúm gia cầm và các bệnh lây truyền từ động vật sang người" - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem