Nghị quyết số 27 của Ban chấp hành trung ương năm 2018 đặt ra mục tiêu cải cách toàn diện hệ thống tiền lương của Việt Nam cả khu vực công, tư. Thế nhưng sau 4 năm, lộ trình cải cách tiền lương (nhất là lương khu vực công) vẫn như dậm chân tại chỗ.
Theo Nghị quyết 27 Việt Nam đã thực hiện 4 lần cải cách tiền lương, nhưng thực chất đây chỉ là 4 lần điều chỉnh tiền lương. Chưa thể hiện được bản chất, mục tiêu của tiền lương như Nghị quyết nêu: "Tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống người lao động và gia đình người hưởng lương".
Ông Bùi Sỹ Lợi - Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban xã hội của Quốc hội cho rằng, đầu tư cho tiền lương chính là đầu tư cho con người và đầu tư cho con người chính là đầu tư cho phát triển. Đã đến lúc phải cải cách chính sách tiền lương để tạo ra đội ngũ công chức, viên chức vừa có chuyên môn, năng lực, vừa có bản lĩnh và vừa có tinh thần, trách nhiệm xây dựng đất nước.
Tiền lương công chức, viên chức thấp như hiện nay không phản ánh đúng giá trị sức lao động mà lực lượng này đóng góp cho cơ quan, đơn vị. Thêm vào đó, tiền lương thấp không thể bù đắp cho quá trình tái sản xuất, khiến cho việc đầu tư sản xuất gặp khó khăn. Công nhân, viên chức, người lao động không toàn tâm, toàn ý cho công việc. Điều này sẽ làm giảm năng suất, chất lượng lao động.
Tiền lương đang rất thấp, đời sống công chức, viên chức rất khó khăn nên nhiều người phải tìm cách để tạo ra thu nhập đảm bảo cuộc sống của bản thân và gia đình dẫn đến bộ máy hành chính đâu đó vẫn trì trệ, ách tắc.
"Việc chậm trễ trong việc thực hiện cải cách tiền lương theo lộ trình của Nghị Quyết 27 sẽ khiến bộ máy rệu rã, chất lượng công chức, viên chức ngày càng kém đi, không phát huy, thúc đẩy năng lực sáng tạo", ông Lợi nhấn mạnh.
Cũng theo ông Lợi, tiền lương thấp cũng tạo nên một vòng luẩn quẩn "kiểu lương thấp nên chất lượng lao động thấp, lao động thấp nên lương thấp". Điều này là nguyên nhân khiến cho nhiều công chức, viên chức cảm thấy chán nản, muốn bỏ việc.
Thực tế, rất nhiều công chức viên chức làm việc trong ngành giáo dục, ngành y tế... đã bỏ việc. Việc chảy máu chất xám ngày càng nhiều, nguyên nhân chủ yếu là do chế độ tiền lương không phù hợp, môi trường làm việc trì trệ.
Thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk tính đến cuối tháng 4.2022, chỉ tiêu biên chế (giáo viên, nhân viên) sự nghiệp giáo dục và đào tạo của toàn tỉnh Đắk Lắk còn thiếu so với định mức quy định là 1.260 chỉ tiêu. Tại TP.HCM, năm học 2022-2023 cần 5.241 giáo viên từ mầm non đến THPT.
Nghị quyết 27-NQ/TW cho cơ chế thí điểm đối với một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tự cân đối ngân sách và bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương. Theo đó, công chức, viên chức được hưởng thu nhập tăng thêm, mức tăng bình không quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản.
Không chỉ lương giáo viên, lương của các bác sĩ nhất là với những bác sĩ mới ra trường cũng ngậm ngùi không kém. Bác sĩ ra trường được hưởng lương của cử nhân có hệ số 1 là 2,34, tức là 2,34 x 1.490.000 = 3.486.600 đồng (chưa trừ bảo hiểm xã hội), cứ 3 năm được tăng lương một lần lên 0,33 thành hệ số 2 (2,67), rồi hệ số 3 (3,00)... Tối đa có 9 bậc lương (hệ số 9 là 4,98). Như vậy, phải mất 21 năm 1 bác sĩ mới nhận được mức lương là hơn 7,4 triệu đồng.
Để thực hiện tăng lương, công chức, viên chức, Nghị quyết 27 đã đặt ra nhiều giải pháp. Một trong những giải pháp được xem là giải pháp chính đó là tinh giản biên chế cắt giảm, tinh gọn bộ máy hành chính thế nhưng sau 4 năm việc này vẫn gần như dậm chân tại chỗ.
Không thể cắt giảm nhân sự, có nghĩa là phải cắt giảm nguồn ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển để lấy nguồn thực hiện cải cách tiền lương. Tuy vậy, qua 2 năm dịch bệnh, quyết tâm giành nguồn cải cách tiền lương thêm một lần nữa lại rơi vào bế tắc.
"Theo tôi, năm 2023 là thời điểm cần thiết, quan trọng để cải cách chính sách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết 27. Để thực hiện được cải cách chính sách tiền lương thì phải chuẩn bị các điều kiện và giải pháp hết sức căn cơ", ông Lợi nói.
Điều đầu tiên là giảm biên chế, không giảm biên chế thì không cải cách được tiền lương; bộ máy quá cồng kềnh thì ngân sách nhà nước không gánh nổi để cải cách chính sách tiền lương. Bên cạnh đó, phải tạo đủ nguồn lực tài chính để thực hiện, nếu không thì sẽ không cải cách được chính sách tiền lương.
Trong các giải pháp huy động nguồn lực cải cách chính sách tiền lương thì phải hết sức lưu ý: Ngân sách (dành cho đầu tư, phát triển, tăng trưởng) thì phải trích một phần để cải cách tiền lương; coi cải cách tiền lương cũng là đầu tư cho phát triển. Điều này rất quan trọng.
"Nếu Chính phủ, Quốc hội không quyết tâm trích một phần ngân sách từ đầu tư công hay đầu tư cho phát triển để cải cách chính sách tiền lương thì không thể có nguồn lực được", ông Lợi nêu quan điểm.
Ngoài ra, theo ông Lợi muốn cải cách chính sách tiền lương phải chuyển một cách triệt để khu vực sự nghiệp công lập sang tự chủ, tự chịu trách nhiệm nhưng không có nghĩa là chuyển toàn bộ mà phải có điều kiện.
Cùng với đó, phải tạo ra sự đồng thuận rất trong cán bộ, công chức, viên chức. Tiến hành sắp xếp lại công việc, cho lao động bị tinh giản. Đã đến lúc phải cải cách chính sách tiền lương để tạo ra đội ngũ công chức, viên chức vừa có chuyên môn, năng lực, vừa có bản lĩnh và vừa có tinh thần, trách nhiệm xây dựng đất nước.