Lao động được tạm ứng tối đa bao nhiêu tiền lương?

Thùy Anh Thứ năm, ngày 15/09/2022 07:00 AM (GMT+7)
Tiền lương bao giờ cũng là vấn đề được nhiều lao động quan tâm nhất. Nhiều lao động đặt câu hỏi, ngoài tiền lương được chủ sử dụng trả cố định, lao động có thể được tạm ứng tiền lương không? mức tạm ứng tối đa là bao nhiêu?
Bình luận 0

Lao động Lê Thị Nhàn (35 tuổi, Hải Dương) hỏi: Tôi làm việc cho doanh nghiệp Nhật Bản được 10 năm. Thời gian này gia đình tôi có công việc quan trọng cần tiền nhưng lại chưa tới kỳ nhận lương, vậy xin hỏi tôi có thể ứng trước tiền lương được không?

Tạm ứng tiền lương không quá 1 tháng tiền lương theo hợp đồng

Khoản 1 Điều 90 Bộ luật Lao động 2019 quy định tiền lương như sau: Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

tiền lương tối thiểu vùng

Lao động được tạm ứng tối đa không quá 1 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động. Ảnh:T.V

 Mức lương theo công việc hoặc chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng, lương cơ sở. Bên cạnh đó, người sử dụng lao động phải đảm bảo trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau.

Điều 101 Bộ luật Lao động 2019 cũng có quy định về tạm ứng tiền lương. Theo đó, người lao động được tạm ứng tiền lương theo điều kiện do hai bên thỏa thuận và không bị tính lãi.

Người sử dụng lao động phải cho người lao động tạm ứng tiền lương tương ứng với số ngày người lao động tạm thời nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân từ 1 tuần trở lên nhưng tối đa không quá 1 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và người lao động phải hoàn trả số tiền đã tạm ứng.

Người lao động nhập ngũ theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự thì không được tạm ứng tiền lương.

Lao động được tạm ứng tiền lương khi nghỉ phép

 Khi nghỉ hằng năm, người lao động được tạm ứng một khoản tiền ít nhất bằng tiền lương của những ngày nghỉ.

Khoản 3, Điều 97 Bộ luật Lao động 2019 quy định, người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán được trả lương theo thỏa thuận của hai bên; nếu công việc phải làm trong nhiều tháng thì hằng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng.

Các quy định trên cho thấy, việc tạm ứng tiền lương về nguyên tắc sẽ do hai bên thỏa thuận (theo điều kiện). Trường hợp này bạn có thể thỏa thuận với công ty về việc ứng lương trước.

Còn trường hợp của bạn thuộc khoản 3 Điều 97 nêu trên thì được quyền tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng.

tạm ứng tiền lương

Lao động bị đình chỉ công việc vẫn được tạm ứng tiền lương. Mức tạm ứng tiền lương tối đa là 50% lương tháng lao động nhận. Ảnh: N.T

Điều 113 Bộ luật Lao động 2019 quy định cụ thể về chế độ nghỉ hằng năm. Theo đó, người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:

12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường; 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc. Trường hợp do thôi việc, bị mất việc làm mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được người sử dụng lao động thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ.

Tương tự, khi nghỉ hằng năm mà chưa đến kỳ trả lương, người lao động cũng được tạm ứng tiền lương.

Bị đình chỉ công việc có được tạm ứng tiền lương?

Trong trường hợp chủ sử dụng phải đình chỉ công việc người lao động vẫn được tạm ứng 50% tiền lương. Điều 128 Bộ luật Lao động 2019 quy định tạm đình chỉ công việc như sau:

Người sử dụng lao động có quyền tạm đình chỉ công việc của người lao động khi vụ việc vi phạm có những tình tiết phức tạp nếu xét thấy để người lao động tiếp tục làm việc sẽ gây khó khăn cho việc xác minh. Việc tạm đình chỉ công việc của người lao động chỉ được thực hiện sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động đang bị xem xét tạm đình chỉ công việc là thành viên.

Thời hạn tạm đình chỉ công việc không được quá 15 ngày, trường hợp đặc biệt không được quá 90 ngày. Trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc, người lao động được tạm ứng 50% tiền lương trước khi bị đình chỉ công việc. Hết thời hạn tạm đình chỉ công việc, người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc.

Trường hợp người lao động bị xử lý kỷ luật lao động, người lao động cũng không phải trả lại số tiền lương đã tạm ứng. Trường hợp người lao động không bị xử lý kỷ luật lao động thì được người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem