Chậm tăng lương công chức, viên chức: "Mọi sự chậm trễ đều phải trả giá và để lại hậu quả nặng nề"

Minh Nguyệt Chủ nhật, ngày 25/09/2022 09:30 AM (GMT+7)
Sau 64 năm hình thành, nền tiền lương của người lao động đã được nâng dần. Tuy vậy, việc cải cách tiền lương chưa một lần được thực hiện. Điều này dẫn tới chế độ tiền lương của Việt Nam đang bị mất cân đối, lạc hậu, không theo kịp sự phát triển kinh tế - xã hội.
Bình luận 0

Để làm rõ hơn về vấn đề này và trả lời cho câu hỏi "Làm thế nào để cải cách tiền lương, để tăng lương công chức, viên chức?", PV Dân Việt đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Trần Xuân Cầu - Nguyên Trưởng khoa Kinh tế và Quản lý nguồn nhân lực (ĐH Kinh tế Quốc dân), chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực tiền lương.

Không tăng lương công chức, viên chức: " Chân ngoài dài hơn chân trong"

Ông đánh giá gì về mức lương của công chức, viên chức hiện nay? So với khu vực tư thì lương khu vực công như vậy liệu đã ổn?

- Hiện nay ngay cả lãnh đạo lẫn người lao động đều cho rằng mức  tiền lương công chức, viên chức đang rất thấp. Tuy nhiên, đánh giá như vậy cũng chưa thật chính xác. Bởi vì không phải mọi công chức, viên chức đều có mức lương thấp. Có những bộ phận có người lương vẫn cao, thậm chí rất cao.

Thứ hai, nếu xét lương công chức, viên chức (tính theo thang, bậc lương) thì đúng là thấp, nhưng thực tế công chức, viên chức đâu phải sống bằng lương mà sống bằng thu nhập. Như vậy, ngoài lương Nhà nước, các tổ chức đều cố gắng bổ sung thêm nguồn khác vào lương và bản thân lao động cũng tìm cách để tăng thêm thu nhập. Vì thế, dù lương không tăng nhưng thu nhập vẫn tăng. Thu nhập mới là nguồn cuối cùng của công chức viên chức.

tăng lương công chức, viên chức

Chậm tăng lương công chức, viên chức, tiền lương thấp khiến cho tình trạng "làm việc chân ngoài dài hơn chân trong". Ảnh: N.N

Tôi cho rằng tiền lương công chức, viên chức thấp là có nhiều lý do, không phải chỉ do Nhà nước mà còn do chính người lao động và đơn vị quản lý sử dụng người lao động đó.

Nguyên nhân đầu tiên là do nhà nước chậm trễ trong cải cách tiền lương khiến tiền lương không theo kịp sự phát triển kinh tế - xã hội. Người lao động trì trệ, kém năng động sáng tạo trong công việc. Số năng động sáng tạo thì "chân ngoài dài hơn chân trong" làm giảm năng suất hiệu quả hoạt động trong bộ máy công quyền; tổ chức đơn vị quản lý công chức, viên chức thì yếu kém, không thể tinh giản bộ máy.

Đương nhiên vì những lý do trên nên lương của khu vực công đang thấp hơn lương ở khu vực tư - nơi hoạt động sản xuất linh hoạt, năng động, có mộ máy tinh gọn hơn.

Theo ông, chậm trễ trong việc tăng lương công chức, viên chức sẽ để lại những hậu quả nào?

- Mọi sự chậm trễ đều không tốt, đều phải trả giá và để lại những hậu quả nặng nề, nhất là sự chậm trễ đó lại liên quan tới hàng triệu con người chứ không chỉ một số người. Chúng ta biết rằng, 20 năm qua, trong điều kiện tương đối bình thường, chúng ta đã không cải cách tiền lương, không tăng lương công chức, viên chức trong khi mọi áp lực cuộc sống ngày càng gia tăng lên người lao động và công chức viên chức nói riêng.

Câu nói cửa miệng của người lao động "không ai sống được bằng lương" trở nên chua chát, như một lời thách thức công cuộc cải cách tiền lương. Mặc dù công chức, viên chức không hy vọng quá nhiều vào sự thay đổi của công cuộc cải cách tiền lương hiện nay, nhưng ít ra thực hiện cải cách tiền lương cũng cho họ thấy sự cố gắng, quyết tâm và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với cuộc sống của họ.

Cần phải cải cách tiền lương định kỳ, để chính sách tiền lương của chúng ta được hoàn thiện, phù hợp hơn. Quan trọng hơn, không để công chức, viên chức phải hồi hộp mong chờ, rồi chán nản thất vọng khi "nói không đi đôi với làm".

Hậu quả của việc chậm trễ cải cách tiền lương có thể thấy rõ nhất làm cho đời sống công chức, viên chức gặp khó khăn. Người lao động sa sút tinh thần làm việc, không chuyên tâm, chăm lo cho công việc, thậm chí bỏ việc hoặc "chân ngoài dài hơn chân trong".

Ngoài ra, lương thấp cũng khiến cho niềm tin của người lao động bị giảm sút, công tác quản lý của cơ quan, đơn vị thêm khó khăn vì một bộ phận công chức bỏ việc, nghỉ việc, không chấp hành kỷ luật của cơ quan. Về lâu dài làm giảm năng suất lao động, khiến công việc bị trì trệ.

"Mấu chốt của vấn đề không phải là không có nguồn mà là do cách khai thác sử dụng nguồn không hợp lý. Tại sao chúng ta đầu tư hàng trăm nghìn tỷ cho công trình này, công trình kia, không phải công trình nào cũng hiệu quả nhưng vẫn đầu tư, nhưng khi đầu tư cho cải cách tiền lương thì lại tính toán, e dè?".

PGS.TS Trần Xuân Cầu

Về lâu dài tất yếu sẽ làm cho bức tranh đời sống, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trở nên ảm đạm. Khiến nền kinh tế vận hành chậm chạp, khó phát triển, mất tính cạnh tranh.

Tuy nhiên, thực tế vẫn có "đầy" công chức, viên chức tiền lương chỉ 3-4 triệu đồng nhưng vẫn mua được "nhà lầu, xe hơi", ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?

- Tôi cho rằng câu nói trên chưa có cơ sở, chưa đại diện cho số đông công chức, viên chức. Thực sự nếu "đầy" công chức viên chức, mua được xe hơi, xây được nhà lầu (tức phải có tiền tỷ) thì đó là tín hiệu tốn, tích cực chứng tỏ, công chức, viên chức của chúng ta rất năng động, biết làm giàu cho bản thân và "dân có giàu thì nước mới mạnh". Nếu được vậy thì chúng ta mừng cho họ.

tăng lương công chức viên chức

PGS.TS Trần Xuân Cầu chia sẻ về giải pháp để tăng lương công chức, viên chức với PV Dân Việt. Ảnh: Minh Nguyệt

Tuy nhiên, thực tế, những công chức, viên chức lương 3-4 triệu đồng mà xây được nhà mua được xe phần lớn đều là những người "chân ngoài dài hơn chân trong", những người có "sân sau" hoặc là người có vị trí lãnh đạo nhất định và vị trí đó cho phép họ tăng thu nhập ngoài lương.... Số này không nhiều. Nếu tính lương thì không một công chức, viên chức nào có thể dùng lương để mua nhà, mua xe được.

Thực tế ngoài kia có hàng triệu công chức, viên chức đang phải vật lộn mưu sinh: Phải thuê nhà ở, phải đi làm bằng phương tiện công cộng để tiết kiệm chi phí; phải chắt bóp từng bữa ăn... Vì thế, cần phải nhìn một bức tranh đầy đủ, toàn diện, đánh giá đúng thực trạng đời sống của công chức, viên chức để có hướng cải cách tiền lương, tăng lương cho họ.

Nguồn tăng lương công chức, viên chức đâu phải chỉ có tiền từ ngân sách

Nghị Quyết 27 Trung ương ban hành năm 2018 đề ra nhiệm vụ cần cải cách tiền lương, nhưng thực chất, việc cải cách chưa tiến hành. Theo ông đâu là nguyên nhân chính khiến cho việc tăng lương công chức, viên chức bị chậm trễ?

- Nghị quyết số 27 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đã nêu ra nhiệm vụ cải cách chính sách tiền lương, trong đó với khu vực công, từ năm 2018 tới năm 2020 "hoàn thành việc xây dựng và ban hành chế độ tiền lương mới theo nội dung cải cách chính sách tiền lương gắn với lộ trình cải cách hành chính, tinh giản biên chế" và từ năm 2021 đến năm 2030 "áp dụng chế độ tiền lương mới thống nhất đối với cán bộ, công chức viên chức, lực lượng vũ trang trong toàn hệ thống chính trị" và năm 2021 "tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức bằng mức lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp".

Trước đó, từ năm 2012 Việt Nam cũng từng rục rịch thực hiện cải cách tiền lương. Thời điểm đó, nếu cải cách tiền lương là hợp lý nhất, bởi theo nguyên tắc trong điều kiện bình thường thì cứ 5 năm phải tiến hành cải cách tiền lương 1 lần. Tuy vậy, kế hoạch vẫn không được thực hiện vì nhiều nguyên nhân. Đến nay, tiền lương không được cải cách và nó đã quá muộn so với yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Xét về nguyên nhân, tôi cho rằng có mấy nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân chính, chủ quan là do chúng ta chưa thực sự quyết liệt trong cải cách, vẫn còn vin vào các khó khăn, thách thức làm trì hoãn cải cách. Bộ phận cơ quan quản lý nhà nước chưa thấy hết tác động tiêu cực của việc chậm trễ cải cách tiền lương công chức, viên chức.

Ngoài nguyên nhân chủ quan, chúng ta cũng có thể nhận thấy nguyên nhân khách quan do tình hình dịch bệnh Covid-19 trong 2 năm qua diễn biến phức tạp. Điều này tác động không nhỏ tới việc dành nguồn lực để cải cách tiền lương.

Vậy mấu chốt của vấn đề có phải nằm ở việc tạo nguồn cải cách hay còn do vấn đề nào khác nữa thưa ông?

- Ngoài thay đổi các cơ chế, quan hệ lương giữa các ngành, các lĩnh vực vấn đề rất quan trọng trong cải cách tiền lương là tăng mức lương cơ sở và mức lương tối thiểu. Việc tăng lương kéo theo nguồn ngân sách chi cho trả lương sẽ tăng lên rất mạnh. Vì thế, việc tạo nguồn, đảm bảo nguồn cho việc thực hiện cải cách tiền lương là rất quan trọng. Trước đây mỗi lần cải cách, chỉ cần trình sang Bộ Tài chính, bộ tài Chính nói "không có tiền" là mọi hoạt động dừng lại hết.

Tuy nhiên, có nhiều cách để tạo nguồn, không phải chỉ mỗi việc trông vào túi tiền ngân sách. Mức lương của một người phụ thuộc vào hai yếu tố: Quy mô số tiền và số lượng người hưởng lương. Nếu số tiền không tăng thì phải giảm số người hưởng.

"Từ năm 1958, chính sách tiền lương của Việt Nam đã bắt đầu hình thành sơ khai. Năm 2004 Việt Nam tiến hành cải cách tiền lương, nhưng thực chất đó chỉ là công cuộc cải tiền vì chưa triệt để. Năm 2004 việc cải cách tiền lương một lần nữa được triển khai, nhưng thực tế là bước thụt lùi. Cần thực hiện cải cách tiền lương theo nguyên tắc 5 năm 1 lần".

PGS.TS Trần Xuân Cầu

Mấu chốt của vấn đề không phải là không có nguồn mà là do cách khai thác sử dụng nguồn không hợp lý. Tại sao chúng ta đầu tư hàng trăm nghìn tỷ cho công trình này, công trình kia, không phải công trình nào cũng hiệu quả nhưng vẫn đầu tư, nhưng khi đầu tư cho cải cách tiền lương thì lại tính toán, e dè?

Chúng ta vẫn thường nói đầu tư cho con người là đầu tư cho phát triển, nhưng thực chất thì không phải vậy. Chúng ta vẫn chỉ thích đầu tư cho những thứ có thể nhìn thấy ngay kết quả, còn cải cách tiền lương thì dậm chân tại chỗ.

Mặt khác, để cải cách tiền lương cần tinh giản bộ máy hành chính. Điều này được đưa ra tại Nghị quyết 27, nhưng thực tế thì sao, việc cải cách hành chính, tinh giản bộ máy không như mong đợi. Bộ máy vẫn rất cồng kềnh, chồng chéo.

tăng lương công chức, viên chức

Việc cải cách tiền lương cần thực hiện 5 năm một lần. Ảnh: I.T

Tôi cho rằng việc nhiều công chức, viên chức bỏ việc trong khu vực công sang khu vực tư chưa hẳn đã là tính hiệu xấu, đó có thể là tính hiệu mừng chứng tỏ cuộc cách mạng tự phát trong chuyển dịch cơ cấu nhân lực xã hội.

Nhà nước nên có những đánh giá đầy đủ, chính xác, kịp thời về sự dịch chuyển của nguồn nhân lực xã hội giữa các ngành, nghề, lĩnh vực để điều chỉnh các chính sách cho phù hợp trên cơ sở những nghiên cứu khoa học nghiên túc về vấn đề đó.

4 giải pháp để cải cách tiền lương, tăng lương công chức, viên chức

Giải pháp nào để có thể cải cách tiền lương, tăng lương cho công chức, viên chức?

- Tôi cho rằng, để cải cách tiền lương, tăng lương công chức, viên chức cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Trước hết cần phải có sự quyết tâm, quyết liệt trong  nhận thức cũng như hành động của cả hệ thống chính trị. Ngay từ bây giờ hoặc giữa năm 2023 phải thực hiện bằng được cải cách tiền lương. Không thể tiếp tục thất hứa với công chức, viên chức.

Thứ 2 giảm tất cả các nguồn chi đầu tư công khác, tái cơ cấu nguồn vốn đầu tư công nhằm ưu tiên đảm bảo nguồn tiền cho cải cách tiền lương và tăng lương vào giữa năm 2023. Đảm bảo lương công chức, viên chức phải bằng mức lương tối thiểu vùng thấp nhất của doanh nghiệp. Mức lương cơ sở của công chức, viên chức phải tăng hai tới ba lần so với hiện nay.

Thứ 3, tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy quản lý các cấp, đặc biệt khu vực công. Nếu thất bại trong việc này thì khả năng thành công của cải cách tiền lương sẽ rất thấp.

Thứ 4 cần tăng cường vai trò của người đứng đầu trong các cơ quan, tổ chức đơn vị sự nghiệp công chức, viên chức để họ quản lý tốt hơn. Tránh việc làm thì kém mà lương vẫn tăng đều, vẫn được cất nhắc. Cần siết lại kỷ luật, kỷ cương làm việc, để mỗi đồng lương từ ngân sách nếu phải chi thêm cũng sẽ mang lại hiệu quả. Những người yếu kém cần phải được loại ra khỏi cơ quan, đơn vị.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem