Lý do khiến lương công nhân cao hơn lương công chức, viên chức

Minh Nguyệt Thứ hai, ngày 26/09/2022 13:27 PM (GMT+7)
Hiện nay tiền lương của công nhân, lao động ở nhiều doanh nghiệp còn cao hơn tiền lương của công chức, viên chức. Điều này cho thấy chính sách tiền lương của Việt Nam còn chưa phù hợp, mâu thuẫn. Lý do vì sao tiền lương công nhân, lao động lại cao hơn tiền lương công chức, viên chức?
Bình luận 0

Tiền lương công chức, viên chức thấp do Nhà nước trả lương?

Hiện nay Việt Nam đang tồn tại hai khu vực trả lương, một của khu vực công (công chức, viên chức) một của khu vực tư (công nhân, lao động). Nếu tiền lương của khu vực tư do chính doanh nghiệp trả, dựa trên kết quả kinh doanh thì lương của công chức, viên chức do Nhà nước trả. Vì thế tiền lương công chức, viên chức phụ thuộc rất lớn vào túi tiền ngân sách. Ngân sách khó khăn thì vấn đề tăng lương công chức, viên chức cũng đi vào bế tắc.

Nhiều người thắc mắc và nhầm lẫn, thậm chí không biết mình thuộc đối tượng nhận lương ở khu vực công hay tư, mình là công chức, viên chức hay là công nhân lao động.

Ông Phạm Minh Huân - Nguyên thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết, công chức, viên chức là những lao động làm việc ở khu vực hành chính công, trong các đơn vị sự nghiệp. Hiện nay một số lao động thuộc đơn vị sự nghiệp (kể cả có thu) vẫn thuộc hạng viên chức. Ví dụ như đơn vị giáo dục; đơn vị y tế; bệnh viện, doanh nghiệp nhà nước... Tuy nhiên, hiện nay nên tách lao động làm trong đơn vị sự nghiệp ra khỏi đơn vị hành chính công. Công chức, viên chức chỉ nên có ở các đơn vị hành chính công.

tiền lương công chức, viên chức

Tiền lương công chức, viên chức thấp là do ngân sách nhà nước gặp khó khăn. Ảnh:N.N

Theo thống kê, báo cáo của Bộ Nội vụ, hết năm 2021 cả nước có hơn 233.000 công chức và hơn 1,7 triệu viên chức (chưa kể lực lượng Bộ quốc phòng, Bộ Công an). Bộ này đang đặt mục tiêu đến năm 2026 giảm 5% biên chế công chức, 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021. Tuy nhiên thực hiện được mục tiêu này là vấn đề không hề đơn giản bởi lẽ, lâu nay tình trạng công chức, viên chức càng cắt lại càng phình, cứ "một người ra lại 3 người vào" vẫn diễn ra.

Theo báo cáo nghiên cứu, hiện nay tiền lương công chức viên chức mới đáp ứng được 50-60% mức sống tối thiểu. Ví dụ như tại TP.HCM đến năm 2020 thì mức lương của công chức viên chức phải được 7 triệu đồng/người/tháng mới đáp ứng được cuộc sống của các lao động. Tuy nhiên, thực tế, tiền lương của công chức, viên chức vẫn đang rất thấp.

Sự khác biệt trong tiền lương công chức, viên chức (khu vực công) với tiền lương của công nhân, lao động (khu vực tư) xuất phát từ tính chất, tư duy quản lý của người chủ sử dụng. Tiền lương của khu vực tư thể hiện đúng tính chất của nền kinh tế thị trường "làm bao nhiêu hưởng bấy nhiêu".

Tiền lương công chức, viên chức tốt nghiệp đại học vừa ra trường chỉ đạt hơn 3,4 triệu đồng/tháng. Còn với những công chức, viên chức đi làm đến ngày về hưu dù làm ở các vị trí quản lý cấp cao nhất như tiền lương của Chủ tịch nước; tiền lương của chủ tịch Quốc hội; tiền lương chủ Thủ tướng Chính phủ... cũng chỉ rơi vào khoảng hơn 15 triệu đồng/tháng. Một số vị trí chức danh có phụ cấp kèm theo nhưng cũng không đáng kể.

So với mức lương doanh nghiệp, ở vị trí lãnh đạo của các tổng công ty, hay các tập đoàn thì con số này chắc chỉ bằng 1/10 hoặc 1/20 mà thôi.

Lương công nhân, lao động tại doanh nghiệp cao hơn vì sao?

Theo Hội đồng tiền lương quốc gia (Quản lý lương khu vực tư) thì hiện nay mức lương tối thiểu vùng - áp dụng cho công nhân lao động đã đáp ứng được 95% nhu cầu sống tối thiểu.

Cụ thể Nghị định 38/2022/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động kể từ 1/7/2022 như sau: Vùng I: 4.680.000 đồng/tháng (tăng 260.000 đồng/tháng); Vùng II: 4.160.000 đồng/tháng (tăng 240.000 đồng/tháng); Vùng III: 3.640.000 đồng/tháng (tăng 210.000 đồng/tháng); Vùng IV: 3.250.000 đồng/tháng (tăng 180.000 đồng/tháng).

 Ngoài mức lương tối thiểu vùng theo tháng, hiện nay Chính phủ cũng đã quy định mức lương tối thiểu vùng theo giờ. Mức cụ thể vùng I: 22.500 đồng/giờ; Vùng II: 20.000 đồng/giờ; Vùng III: 17.500 đồng/giờ; Vùng IV: 15.600 đồng/giờ.

Tuy nhiên, mức tiền lương trên chỉ là mức lương tối thiểu làm cơ sở để thỏa thuận tiền lương, đảm bảo để người sử dụng không được trả lương thấp hơn khoản này. Người lao động hoàn toàn có thể thương thảo về tiền lương  với doanh nghiệp về tiền lương và thực tế, mức tiền lương của công nhân lao động ở rất nhiều doanh nghiệp đang cao hơn mức lương tối thiểu vùng này rất nhiều.

tiền lương công chức, viên chức

Tiền lương ở khu vực tư đang cao hơn tiền lương ở khu vực công. Ảnh: I.T

Mức tiền lương bình quân (báo cáo của Bộ LĐTBXH năm 2021) của một công nhân, lao động phổ thông hiện nay đang ở mức 7,8 triệu đồng/tháng, chưa kể các khoản phụ cấp, tăng ca, tăng kíp hay các khoản khác. Với lao động làm ở các doanh nghiệp FDI, ở vị trí lao động bình thường, không khó để nhận được mức lương từ 7- 8 triệu đồng. Nếu tăng ca, tăng kíp có thể nhận được mức lương khá cao từ 8-10 triệu đồng/tháng hoặc hơn.

Cũng trong báo cáo tiền lương của Bộ LĐTBXH năm 2021 cho riêng với lao động ở các chức danh quản lý, lãnh đạo thì mức lương phải lên tới hàng chục nghìn đô. Cụ thể, năm 2021, mức lương cao nhất lên tới hơn 180 triệu đồng/tháng với lãnh đạo một doanh nghiệp tư nhân ở Hà Nội.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động cho rằng: "Tiền lương khu vực tư đang được cải cách mạnh mẽ, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội. Quan trọng hơn nó đang đi đúng hướng giúp thể hiện đúng bản chất tiền lương, đảm bảo đời sống cho công nhân lao động, là động lực, khuyến khích, tạo ra sự phát triển kinh tế. Điều này khiến cho mức lương của công nhân, lao động đang cao hơn hẳn lương của công nhân viên chức".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem