Dân Việt

Chậm trễ tăng lương công chức, viên chức: “Lương thấp, tôi vẫn mua được nhiều nhà, xe ô tô nhưng không tham nhũng…”

Minh Nguyệt 21/09/2022 13:10 GMT+7
Với cách tính lương công chức, viên chức như hiện nay thì dù có nâng lương kịch khung thì có khi tới lúc về hưu mọi người cũng chỉ nhận mức lương từ 10-15 triệu đồng/tháng. Vậy nhưng, vẫn có hàng nghìn người mua được nhà, được xe ô tô. Vậy tiền đó ở đâu?

Chậm tăng lương công chức, viên chức: Lương thấp phải "kinh doanh vốn tự có"

Nghe thì có vẻ hoang đường, vì nếu cứ tính theo hệ số thì tiền lương công chức, viên chức có làm cả đời may ra cũng chỉ đủ ăn, chứ nói gì đến mua nhà lầu, xe hơi tiền tỷ khi lương chỉ 4-5 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, thực tế đang là như vậy, nhiều công chức, viên chức trở thành người giàu có. Có người giàu nhờ 'phụ cấp" theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, có người thì giàu lên nhờ tham gia thị trường khác.

Câu chuyện, “lương 1 mà phụ cấp thì 10” trước đây đã được nhắc đến rất nhiều, nhưng hiện nay vẫn còn tồn tại. Hiện nay, lương của công chức, viên chức tồn tại cả trăm khoản phụ cấp: Phục cấp ăn trưa; phụ cấp thâm niên; phụ cấp chức vụ; phụ cấp độc hại... mỗi ngành lại 'đẻ' thêm vài chục loại phụ cấp.

Nói các khoản 'phụ cấp" có cả nghĩa đen và nghĩa bóng hoàn toàn không ngoa. Bởi vì, có những khoản phụ cấp có thể "chỉ mặt đặt tên' như liệt kê ở trên nhưng cũng có những khoản phụ cấp được hiểu như các khoản"thu nhập tăng thêm bất chính" hay nói cách khác là các khoản tham ô, tham nhũng... của một bộ phận, công chức, viên chức tha hóa.

tăng lương công chức, viên chức

Không phải công chức, viên chức nào mua được nhà, được xe cũng là tham ô, tham nhũng. Ảnh: M.H

Nhiều người vẫn ngầm ngầm cho rằng, việc một anh công chức, viên chức có nhà có xe là do anh ta có khoản thu nhập tăng thêm bất chính, nhưng thực tế không phải ai cũng vậy.

Câu chuyện của anh Nguyễn Văn N 45 tuổi - là công chức nhưng cũng là cán bộ lãnh đạo cấp phó phòng thanh tra ở một huyện là một minh chứng. Anh N có hơn 20 năm công tác, từng trải qua rất nhiều vị trí công tác, từng luân chuyển, làm việc ở những vùng đặc biệt khó khăn (ven biển) nhưng đến nay mức lương anh nhận được cũng chỉ hơn 7 triệu đồng/1 tháng.

Tiền lương công chức, viên chức thấp, bao năm không tăng, anh N mang tiếng là làm công chức nhưng lương còn thấp hơn cả lương vợ (làm quản đốc) ở công ty giày da bên ngoài. Hai vợ chồng anh chị dù đã cố gắng rất nhiều nhưng thực tế tiền lương vẫn chỉ đủ ăn. Thế rồi, cách đây 4 năm anh được bạn bè giới thiệu, mời tham gia kinh doanh bất động sản. Sau một thời gian mày mò, đầu tư vài phi vụ đất đai anh N cũng kiếm được một khoản tiền nho nhỏ đủ để xây nhà lầu, mua xe hơi.

Nghị Quyết 27 của Trung ương về Cải cách tiền lương, BHXH và chế độ cho người có công ban hành năm 2018 chỉ rõ: Phải thực hiện cải cách tiền lương để tiền lương trở về đúng giá trị thực. Đảm bảo cho lao động và người thân của họ sống được bằng tiền lương. Cơ cấu tiền lương chiếm 70% và phụ cấp chỉ chiếm 30% tổng thu nhập.

"Nhiều lúc nghĩ lại vẫn cảm thấy khó tin vì có thời gian mình cũng từng nghĩ tới chuyện bỏ việc vì lương công chức, viên chức thấp quá. Công việc thì nhàm chán, trì trệ. Thế nhưng tính toán lại thì đó vẫn là môi trường ổn định, có thể gắn bó lâu dài và cũng là niềm tâm huyết của mình mong được cống hiến chút gì đó để xây dựng quê hương nên mình quyết tâm ở lại", anh N chia sẻ thêm.

Dù giờ đã là công chức lãnh đạo nhưng thu nhập của anh N vẫn rất thấp, chỉ đủ chi tiêu sinh hoạt trong gia đình, nếu không có các khoản kinh doanh thêm bên ngoài thì khó lòng mà mua nhà, mua được xe.

Nhớ lại thời điểm mới bắt đầu làm thêm kinh doanh bất động sản, anh N vẫn không khỏi ngậm ngùi: "Nhà mình cũng khó khăn, vợ chồng vay mượn khắp nơi mới dành dụm được một khoản tiền nhỏ, đầu tư buôn bán đất đai cùng với bạn bè. Sau vài năm, may mắn nên cũng có chút tiền dư. Nhiều lúc thấy người ngoài bàn tán xôn xao:  "công chức lương thấp mà giàu thế?", "giàu thế chỉ có tham ô, tham nhũng"... mình cũng thấy chạnh lòng. Đâu phải ai công chức, viên chức là cũng có màu mè, có thu nhập ngoài đâu".

"Phải tăng lương công chức, viên chức mới sống được"

Cùng quan điểm với anh N, chị Nguyễn Thị Loan, 35 tuổi, công chức, phó phòng tài nguyên môi trường ở một tỉnh cũng cho rằng: "Công chức, viên chức cũng là người, phải tăng lương mới sống được, làm được. Chậm trễ tăng lương khiến cho mọi người không còn nhiệt huyết cống hiến. Không có màu mè thì phải làm thêm ngoài, không làm ngoài thì không thể sống".

Chị Loan cũng thẳng thắn: "Công chức, hay viên chức thì lương ở đâu cũng vậy thôi, quan trọng là 'lậu". Vị trí đẹp, công việc thuận lợi, chức tước cao thì bỗng lộc mới cao được".

Bản thân như Loan, để có được vị trí này, cô cũng mất hơn chục năm lăn lộn, khổ sở với công việc. Không chỉ vất vả trong công việc, cô còn phải đánh đổi bằng nhiều thứ khác mới có bước lên được vị trí quản lý.

"Thực sự nếu mà làm công chức, viên chức chỉ trông chờ để sống được bằng lương giờ này là rất khó. Nhìn xung quanh thì cứ 10 người là công chức, viên chức thì đến 7-8 người làm 'chân trong chân ngoài' kiếm thêm. 1-2 người còn lại thì cũng phải có màu mè mới sống được. Những người là bạn bè tôi không sống được bỏ việc ra ngoài làm rất nhiều", chị Loan nói.

"Tôi cũng là công chức, tôi không tham nhũng, không tham ô nhưng vẫn mua được nhiều nhà, nhiều xe"

Bà Nguyễn Thị Lan Hương - Nguyên viện trưởng Viện Khoa học lao động (Bộ LĐTBXH) cho rằng, việc một bộ phận người dân có quan niệm "Công chức, viên chức giàu có chỉ có thể là tham nhũng" là hoàn toàn sai lầm.

Bà Hương khẳng định, bản thân bà cũng từng là công chức, bà không tham nhũng, không tham ô nhưng vẫn mua được nhiều nhà, nhiều xe ô tô.

Theo bà Hương, hiện nay công chức, viên chức hay người lao động nói chung đâu chỉ sống bằng mỗi lương. Nhiều người còn có nhiều khoản thu nhập khác.


Chậm trễ tăng lương công chức, viên chức:  “Lương thấp, tôi vẫn mua được nhiều nhà, xe ô tô nhưng không tham nhũng…” - Ảnh 3.

"Tôi cũng là công chức, tôi không tham nhũng, không tham ô nhưng vẫn mua được nhiều nhà, nhiều xe" Bà Nguyễn Thị Lan Hương nói. Ảnh: N.T

"Cần phải định nghĩa đúng về tiền lương và thu nhập không phải mỗi nguồn từ tiền lương, thu nhập đến từ nhiều nguồn ngoài lương. Thu nhập ngoài lương không phải nguồn nào cũng là phi pháp. Đây có thể là nguồn thu nhập do trí tuệ của họ mang lại, do người lao động tham gia vào các loại thị trường lao động khác", bà Hương nói.

Hiện nay các loại thị trường của Việt Nam có rất nhiều cơ hội. Ví dụ như: Thị trường chứng khoán; thị trường bất động sản; thị trường lao động;... Chỉ cần công chức, viên chức nhanh nhạy, thích ứng và biết đầu tư thì không lo nghèo.

"Đừng nói công chức lương tháng 4-5 triệu đồng mà mua được nhà, được xe là chỉ có đi tham ô, tham nhũng. Họ có tiền để mua nhà mua xe là bởi vì họ hơn người ngoài ở nhiều điểm. Bản thân công chức, viên chức là những người tinh hoa, có trí tuệ hơn người, họ cũng có thông tin hơn và người ta nhìn ra nhiều cơ hội hơn... tất cả những vấn đề này khiến cho nhiều công chức, viên chức nhanh nhẹn, thức thời không cần sống nhờ tiền lương mà họ có thể làm giàu được", bà Hương khẳng định.

Tuy nhiên, bà Hương cũng phản biện lại một số quan điểm như "Nên cấm công chức, viên chức làm ăn ngoài". Bởi vì, nếu cho họ một mức "lương nghèo" thì sao có thể yêu cầu họ phải "một lòng, một dạ theo anh". 

"Việc quản lý công chức, viên chức, không nên quá gò bó. Nhà nước chỉ nên quản lý công chức, viên chức dựa trên công việc. Còn nếu công chức viên chức tham gia thêm vào các thị trường khác, tạo ra thu nhập thì chỉ cần quản lý thu nhập ấy (thông qua đánh thuế thu nhập cá nhân) là đủ", bà Hương ý kiến.

Bà Hương cho rằng, cần phải để những giá trị tinh hoa, trí tuệ hơn người ấy được phát huy chứ không phải lúc nào cũng quản lý họ từ bữa ăn, giấc ngủ, từ cơ quan cho tới về nhà.

"Chậm trễ tăng lương công chức, viên chức, tiền lương thấp và cách quản lý hà khắc sẽ khiến một bộ phận lớn công chức, viên chức rời bỏ hệ thống", bà Hương chia sẻ thêm về quan điểm.