Nước Anh hiện đang quay cuồng với những tác động tồi tệ nhất của các cuộc khủng hoảng năng lượng và giá cả sinh hoạt, với lạm phát giá lương thực lên tới mức cao kỷ lục, tác động không nhỏ đến nhiều hộ gia đình và doanh nghiệp. Hiện tại, cuộc khủng hoảng lương thực có thể trở nên tồi tệ hơn, khi một báo cáo mới cảnh báo rằng các kế hoạch của Chính phủ sẽ khiến an ninh lương thực gặp rủi ro.
Theo báo cáo của Tổ chức Cắt giảm Các-bon Không phải Rừng (CCNF), Chính phủ Anh hiện đang tham khảo ý kiến về các kế hoạch khai thác Năng lượng sinh học nhằm thu giữ và lưu trữ các-bon (BECCS)- yếu tố làm suy yếu an ninh lương thực của đất nước.
Bộ Kinh doanh, Năng lượng và Chiến lược Công nghiệp của Anh ước tính rằng BECCS có thể giúp bù đắp 35,4 triệu tấn carbon dioxide vào năm 2050 từ những bộ phận khác của nền kinh tế - như hàng không và công nghiệp.
Nhiên liệu sinh học là năng lượng được tạo ra từ việc đốt sinh khối thực vật. Nguồn nhiên liệu này chiếm đến gần 3/4 diện tích đất cho toàn bộ ngành công nghiệp khoai tây của Vương quốc Anh.
Hiện tại, hầu hết các nhà máy năng lượng sinh học đều sử dụng gỗ nhập khẩu từ rừng ở nước ngoài, điều này đã bị nhiều người chỉ trích, bao gồm cả Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng.
Nhằm đối phó với tình trạng này, ông Kwarteng đã đóng cửa nhà máy điện Drax nhập khẩu viên nén gỗ từ Mỹ, nơi chiếm 80% nguồn cung cấp nhiên liệu của nước này.
Ông nói với các nghị sĩ: "Không có lý do gì để lấy nó từ Louisiana - điều đó không bền vững… Việc vận chuyển những thanh gỗ này đi nửa vòng trái đất không hợp lý với tôi".
Chính phủ đã phát đi tín hiệu rằng họ có thể sớm thay thế việc nhập khẩu gỗ bằng các loại cây năng lượng được trồng tại các trang trại của Anh. Tuy nhiên, CCNF cảnh báo rằng động thái này sẽ có tác động không nhỏ.
CCNF kêu gọi Chính phủ từ bỏ kế hoạch của mình, nói thêm rằng nếu sử dụng đất đó để trồng lúa mì, nó có thể tạo ra 15 tỷ ổ bánh mì, hoặc đủ calo để nuôi 4 triệu người trong một năm.
Trước đó, phát biểu với Express.co.uk, Dustin Benton, Giám đốc Chính sách tại Green Alliance lưu ý rằng việc đẩy mạnh sản xuất nhiên liệu sinh học đã có tác động đáng kể đến giá lương thực.
Ông nói: "Giá lương thực hiện đang cao không phải vì không có đủ ngũ cốc để đi phân phối, mà bởi vì các nhà buôn ngũ cốc nghĩ rằng chiến sự ở Ukraine sẽ khiến ngũ cốc thiếu hụt trong vài năm tới".
"Động thái này có thể giảm giá lương thực một cách nhanh chóng. Nhiên liệu sinh học sử dụng cho ô tô đang lãng phí lương thực và đất đai".
Elly Pepper, nhà vận động tại Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên Thiên nhiên (NRDC) và CCNF cho biết: "Mặc dù Chính phủ và ngành công nghiệp rất muốn dựa vào BECCS để đạt được các mục tiêu không có thực, nhưng điều đó không hề hợp lý ở bất kỳ góc độ nào. Trên thực tế, kế hoạch BECCS của Chính phủ sẽ khiến chúng ta mất đi những vùng đất rộng lớn cần thiết để trồng lương thực cho các gia đình ở Vương quốc Anh".