Vụ tấn công xảy ra khi gia đình Musiiwa đi lấy củi ở làng Murimbika, nằm ở miền Bắc Zimbabwe, tờ Newsday đưa tin ngày 30/9.
Anh Musiiwa kể con gái Nyarai, 21 tuổi, là người đầu tiên trong nhóm bị rắn mamba đen cắn vào chân. Vợ Musiiwa chạy tới giúp con gái thì bị cắn vào ngực. Cháu trai 15 tuổi của Musiiwa, Tawanda, sau đó bị cắn vào cổ chân khi cố thoát thân.
Người dân đã cố gắng đưa 3 nạn nhân đi điều trị nhưng quá trình này mất nhiều thời gian do địa hình đồi núi khiến xe cộ khó di chuyển.
Vợ và con gái của anh Musiiwa qua đời ngày 23/9 tại bệnh viện Trung tâm Sally Mugabe, cháu trai anh qua đời tại bệnh viện tỉnh Chinhoyi, theo Newsday.
Anh Musiiwa đang kêu gọi giúp đỡ từ cộng đồng để làm hậu sự. Cho tới nay, một tổ chức tang lễ đã quyên tặng gia đình 3 chiếc quan tài, và ông Abel Mbasera, một vị tù trưởng của Zimbabwe, đã đề nghị được trợ giúp 80 lít nhiên liệu.
Được mệnh danh là “độc nhất và nhanh nhất ở châu Phi”, rắn mamba đen sống ở nhiều nơi tại vùng Hạ Sahara và xuất hiện ở nhiều nước trên lục địa này như Zimbabwe, Nam Phi, Kenya… Nọc độc loài này có thể gây tử vong trong 3-16 tiếng kể từ khi nạn nhân bị cắn.
Rắn mamba đen trưởng thành trung bình có thân dài khoảng 2 m nhưng có thể lên tới hơn 4 m.
Ở châu Phi mỗi năm ước tính có 435.000-580.000 vụ rắn cắn cần điều trị, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Số vụ rắn cắn cần điều trị xảy ra nhiều nhất ở các nước có hệ thống y tế yếu kém và nguồn lực y tế thưa thớt.
Hiện chưa rõ trong số vụ rắn cắn trên có bao nhiêu vụ do rắn mamba đen gây ra. Viện Rắn cắn châu Phi cho biết hầu hết vụ tử vong vì rắn cắn ở Nam Phi là do rắn mamba đen và rắn hổ mang Nam Phi gây ra.