Clip: Gia cảnh đặc biệt của nam sinh Sơn La đầu tiên vào chung kết Đường lên đỉnh Olympia
Trong cuộc thi quý III Đường lên đỉnh Olympia, em Bùi Anh Đức - học sinh Trường THPT Chuyên Sơn La đã xuất sắc giành giải Nhất, với 185 điểm, tiến vào chung kết năm 2022. Không những mang niềm vui, hạnh phúc về với gia đình, nhà trường, mà còn là niềm tự hào của tỉnh Sơn La, vì Đức là người đầu tiên mang cầu truyền hình chương trình chung kết Đường lên đỉnh Olympia về tỉnh nhà. Còn tại Chung kết "Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 22", với số điểm chung cuộc của Anh Đức 120 điểm, em xếp ở vị trí thứ 3.
11 năm trên ghế nhà trường, Anh Đức luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi. Em từng giành 2 Huy chương Đồng, 1 Huy chương Bạc, 1 Huy chương Vàng cấp quốc gia trong các cuộc thi Toán, tiếng Anh qua mạng; giải Nhất cấp tỉnh và giải Ba học sinh giỏi môn Tiếng Anh cấp quốc gia năm học 2021-2022.
Đầu tháng 10, vượt hơn 30 km, từ thành phố Sơn La chúng tôi đến thăm, động viên em Anh Đức đang sống tại nhà ông bà ngoại thuộc tiểu khu 6, thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn. Do hoàn cảnh gia đình, nên 11 năm qua em Đức đã về sống với ông bà ngoại. Để tiện cho việc điều trị của bố và thuận lợi cho công việc mẹ em.
Ông Trần Danh Thắm (ông ngoại Anh Đức) chia sẻ: "Bố mẹ Đức lấy nhau năm 2005, bố Đức làm công nhân Công ty cổ phần Nông nghiệp Chiềng Sung, còn mẹ Đức công tác tại Trường tiểu học & THCS Chiềng Sung, huyện Mai Sơn. Mẹ cháu mới chuyển công tác về Trường THCS 19/5, xã Cò Nòi. Bố Đức phát hiện mình bị bệnh thận đa nang, các nang nước ở thận ngày càng lớn lên, khiến thận bị suy; mẹ Đức cũng phát hiện bị bệnh u tế bào. Mặc dù, chi phí điều trị cũng được BHYT chi trả 1 phần, tuy nhiên số tiền để điều trị cho bố mẹ cháu vẫn rất tốn kém.
Năm 2020, gia đình Đức tiết kiệm mua được căn nhà cũ gần thị trấn để cả nhà quây quần bên nhau. Ấy vậy mà chuyển về nhà mới được vài tháng thì bệnh tình của con rể chuyển biến nặng. Mẹ Đức đã phải bán nhà để có chi phí để đưa chồng về Hà Nội điều trị. Từ thời điểm đó đến nay, bố Đức phải ở lại hẳn Bệnh viện 103 dưới Hà Nội để phẫu thuật và điều trị. Tôi rất lo lắng không biết cháu Đức sau này sẽ ra sao"
Chị Trần Thị Hà Giang ngậm ngùi tâm sự: Vợ chồng chúng tôi đã xác định ngày này rồi cũng phải đến, song không nghĩ đến nhanh như vậy, cách đây 3 tuần đã phải cắt 1 bên thận. Quả thận còn lại, bác sỹ cũng thông tin là tỷ lệ bên chín, bên mười, dự kiến 2-3 tháng nữa sẽ cắt nốt. Chị cũng không nhớ hết những khoản tiền viện phí phải chi là bao nhiêu, mỗi đợt xuống khắm là mất cả chục triệu.
Chỉ riêng khoản lớn nhất là tiền điều trị ở phòng đặc biệt đã hết gần 300 triệu đồng. Ngoài chế độ viện phí do BHYT hỗ trợ thanh toán, mỗi ngày phải chi phí thêm hơn 3 triệu đồng để truyền dinh dưỡng cho anh Hanh. Số tiền trên chưa tính tiền chi phí cho ca ghép thận, chỉ riêng tiền chi phí xét nghiệm đối với cả 2 người nhận và hiến thận để kiểm tra các chỉ số tương thích ghép thận đã là số tiền quá lớn.
"Hoàn cảnh gia đình không có gì gọi là khá giả cả, bố mẹ em đều có bệnh tật. Bố em phải về Hà Nội điều trị lâu dài, phải cắt thận, sau đó ghép thận mới. Còn mẹ em cũng ốm đau, điều trị rồi nhưng thỉnh thoảng vẫn phát bệnh, giờ em thương cũng không biết làm thế nào, chỉ biết cố gắng học tập thôi ạ", Anh Đức nói.
Thương bố mẹ bệnh tật, cậu học trò Bùi Anh Đức càng nỗ lực học tập, giành được nhiều giải thưởng, tiền thưởng đều đưa hết cho mẹ lo tiền chữa bệnh cho bố. Đường từ huyện tới trường ở thành phố Sơn La khoảng 30km, suốt 2 năm học qua, đều đặn 5 giờ sáng hằng ngày, em bắt xe buýt đi học, để tiết kiệm tiền ở trọ. Không có tiền để đi học thêm, cũng không có tiền để mua những cuốn sách tham khảo hay sách nâng cao. Anh Đức tận dụng mọi khoảng thời gian để học tập mọi lúc, mọi nơi, từ trên xe buýt đi từ nhà đến trường hoặc tranh thủ học lúc rảnh ở nhà. Em Đức chú ý tiếp thu kiến thức từ những bài giảng của thầy cô trên lớp và tự mở, internet học thêm ở nhà để củng cố kiến thức.
"Em lựa chọn đi xe buýt, mặc dù thấy mệt nhưng vì tiết kiệm tiền cho gia đình. Em đi về như vậy sẽ có thời gian ở nhà giúp ông bà việc nhà và em cũng sẽ không phải mất tiền ăn sáng, ăn tối, tiền ở nội trú. Những ngày phải học buổi tối, sau khi học tại trường thì Đức lại vội vã lên xe buýt về lớp học gần nhà. Kết thúc ngày học bận rộn là vào khoảng hơn 8h tối", em Đức tâm sự.
Gia đình khó khăn nên từ nhỏ em đã phải xa gia đình, em đã trải qua một cuộc sống không mấy dễ dàng, em phải vượt qua rất nhiều định kiến để vươn lên học tập.
Theo Anh Đức hồi học THCS, khi giao tiếp với bạn bè, em gặp rất nhiều khó khăn, em thường xuyên hay bị bắt nạt. Do mọi người định kiến em từ trong bản ra, mà cũng đùng em từ trong bản ra thật. Để vượt qua các định kiến đó em chỉ biết học. Lúc mình tập trung vào học thì mình sẽ không để tâm đến cái khác.
Khi được hỏi về ước mơ, Đức nghẹn ngào nói: "Em cũng không biết có đủ tiền để học lên đại học khôn, vì hiện tại thì em vẫn đang suy xét hoàn cảnh gia đình để quyết định con đường học tiếp theo. Nếu em được ước mơ, em muốn học ngành nào đó về dịch vụ như hướng dẫn viên du lịch. Vì liên quan đến kỹ năng tiếng Anh của em, phù hợp với ở trường của em, thứ 2 là em muốn giới thiệu văn hóa, lịch sử của đất nước mình đến bạn bè thế giới. Đó chỉ là em ước mơ thôi còn sự thực như nào em cũng không biết nữa".
Cô giáo Hoàng Thị Hằng Nga - Giáo viên chủ nhiệm của em Bùi Anh Đức, Trường THPT Chuyên Sơn La (), chia sẻ: Em Đức là học sinh có tố chất thông minh và ham học hỏi. Trên lớp em luôn hăng hái phát biểu xây dựng bài. Ở tất cả các môn học, em ấy đều đạt điểm rất cao. Em luôn ngoan ngoãn, lễ phép, vâng lời thầy cô. Em sống hoà đồng và được bạn bè, thầy cô quý mến.
Trao đổi với phóng viên, cô giáo Trần La Giang - Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Sơn La cho hay: "Em Bùi Anh Đức, vào chung kết cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 22 là niềm vui, là vinh dự của nhà trường. Cùng với việc động viên, hỗ trợ học sinh về tâm lý, kiến thức để đến với trận chung kết quan trọng, nhà trường đã xây dựng kế hoạch, thành lập các tiểu ban và phân công cụ thể cho từng cán bộ, giáo viên.
Em Bùi Anh Đức tham gia Chung kết cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 22, có ý nghĩa to lớn đối với thầy cô, học sinh trong toàn trường. Đối với thầy cô đấy là niềm động viên, khích lệ, cũng là ghi nhận có nhiều cố gắng trong giảng dạy của thầy cô. Còn đối với các em học sinh đó là nguồn động lực và cũng là mục tiêu nhiều bạn học sinh hướng tới".
Đạt được nhiều thành tích cao trong học tập, khao khát được đi học là vậy, thế nhưng do hoàn cảnh của gia đình, em Bùi Đức Anh đang cân nhắc việc đi học và học trường nào để tiết kiệm chi phí cho gia đình. Chặng đường phía trước của Anh Đức còn nhiều khó khăn.