Dân Việt

Nhà Bè sẽ đưa sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao gắn sao OCOP TP.HCM

Hồng Phúc 05/10/2022 09:29 GMT+7
Các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao như rau hữu cơ, nấm mối đen, nấm linh chi... là những sản phẩm tiềm năng của huyện Nhà Bè tham gia Chương trình OCOP TP.HCM.

Tính đến nay, Nhà Bè là huyện duy nhất trong tổng số 5 huyện ngoại thành của TP.HCM chưa có sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm). Hiện nhiều sản phẩm tiềm năng của Nhà Bè đang từng bước chuẩn hóa, tham gia vào Chương trình OCOP TP.HCM.

Nhà Bè ưu tiên gắn sao OCOP cho sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao

Theo đại diện Phòng Kinh tế huyện Nhà Bè, hai sản phẩm tiềm năng của Chương trình OCOP TP.HCM đang được huyện hỗ trợ hoàn tất các hồ sơ, thủ tục tham gia đánh giá, xếp hạng là nấm mối đen và nấm linh chi của hợp tác xã nông nghiệp Nhơn Đức.

Các chỉ tiêu về tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của nấm mối đen và nấm linh chi của hợp tác xã đủ điều kiện, do đây là hai sản phẩm đã cung cấp trên thị trường nhiều năm nay. Hợp tác xã đang hoàn chỉnh về khâu bao bì cho phù hợp bộ tiêu chí đánh giá sản phẩm OCOP, cũng như cố gắng đạt mức đánh giá cao nhất khi đăng ký xét duyệt sản phẩm OCOP.

"Chúng tôi đang tiếp tục làm việc với các xã trong huyện để tìm kiếm sản phẩm OCOP tiềm năng. Các sản phẩm tiềm năng cho Chương trình OCOP TP.HCM trên địa bàn huyện hiện nay là các sản phẩm nông nghiệp chủ lực như rau hữu cơ, nhóm sản phẩm từ dừa sáp của các hợp tác xã, doanh nghiệp và các chủ thể sản xuất khác nói chung", vị này cho biết.

Nhà Bè sẽ đưa sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao gắn sao OCOP TP.HCM - Ảnh 1.

Sản phẩm nấm mối đen và nấm linh chi của HTX Nhơn Đức, huyện Nhà Bè. Ảnh: T.Đ

Nông nghiệp công nghệ cao là thế mạnh của huyện Nhà Bè, được TP.HCM khuyến khích phát triển, nhân rộng các mô hình trong những năm qua. Phát triển các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao tham gia vào Chương trình OCOP cũng là định hướng của TP.HCM khi triển khai chương trình này.

Theo Đề án Chương trình OCOP tại TP.HCM giai đoạn 2021-2025, nhiệm vụ trọng tâm được xác định là phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu nông sản theo hướng sản xuất hữu cơ, quản lý tài nguyên và bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần bảo tồn, duy trì cảnh quan nông thôn và bảo vệ môi trường sinh thái; ứng dụng công nghệ sinh học, phát triển khoa học công nghệ, nông nghiệp công nghệ cao gắn với đào tạo nguồn nhân lực để tận dụng tốt cơ hội của cuộc cách mạng 4.0…

Phấn đấu toàn bộ các xã nông thôn mới đều có sản phẩm OCOP

Theo Sở NNPTNT TP.HCM, đến năm 2025, 100% xã xây dựng nông thôn mới tại TP.HCM đều sẽ có sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao trở lên. Mục tiêu này cũng thể hiện rõ trong Đề án Chương trình OCOP tại TP.HCM giai đoạn 2021-2025, được UBND TP.HCM ban hành tháng 6/2022.

Đây là một trong các tiêu chí các xã cần hoàn thành trong xây dựng nông thôn mới. Cụ thể, bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ đã đưa ra chỉ tiêu: Có sản phẩm OCOP được xếp hạng đạt chuẩn hoặc tương đương còn thời hạn, là chỉ tiêu thuộc tiêu chí số 13 (tổ chức sản xuất) và là 1/19 tiêu chí các xã cần hoàn thành trong xây dựng nông thôn mới.

Nhà Bè sẽ đưa sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao gắn sao OCOP TP.HCM - Ảnh 3.

HTX Cần Giờ Tương Lai (huyện Cần Giờ) sơ chế tôm. Ảnh: H.Phúc

Các sản phẩm chủ lực, các sản phẩm tiềm năng của Chương trình OCOP hiện cũng nằm nhiều tại 5 huyện nông thôn mới. TP.HCM có chính sách ưu tiên các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại và hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh có các sản phẩm nông nghiệp chủ lực tham gia Đề án Chương trình OCOP của TP.HCM.

Cũng theo Đề án Chương trình OCOP tại TP.HCM giai đoạn 2021-2025, không gian tổ chức thực hiện được mở rộng hơn so với Chương trình OCOP giai đoạn trước. 

Điểm khác biệt lớn nhất là nếu như trước đây Chương trình OCOP tại TP.HCM chỉ thực hiện trên địa bàn 5 huyện nông thôn mới (Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ), thì nay mở rộng trên toàn địa bàn Thành phố, ngoài 5 huyện ngoại thành thì có thêm 16 quận và TP.Thủ Đức.

Theo kế hoạch, dự kiến năm 2022, TP.HCM sẽ tổ chức đánh giá, công nhận cho 41 sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3 sao trở lên (22 sản phẩm 3 sao và 19 sản phẩm 4 sao). Năm 2023 sẽ có thêm 27 sản phẩm, năm 2024 có 28 sản phẩm và năm 2025 có thêm 28 sản phẩm. 

Mục tiêu đến năm 2025, cả TP.HCM sẽ phấn đấu có ít nhất 124 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên.