Bơ đậu phộng chinh phục OCOP 4 sao bằng câu chuyện đường đi của nông sản
sạch
Bơ đậu phộng chinh phục OCOP 4 sao bằng câu chuyện đường đi của nông sản sạch
Mai Ánh
Thứ hai, ngày 05/09/2022 07:00 AM (GMT+7)
Với mục đích đồng hành cùng nông dân sản xuất ra các sản phẩm sạch, Đạt Butter (huyện Củ Chi, TP.HCM) - một doanh nghiệp xã hội vẫn miệt mài đi theo con đường sản xuất nông sản sạch, an toàn, thân thiện với môi trường. Hiện, doanh nghiệp này đã có 2 sản phẩm được chứng nhận OCOP 4 sao của TP.HCM.
Điệp khúc nông sản được mùa mất giá và giải cứu nông sản lặp đi lặp lại, điều này không chỉ khiến người nông dân loay hoay tìm đầu ra mà còn làm cho người tiêu dùng đặt câu hỏi về những giải pháp lâu dài cho chế biến nông sản sau thu hoạch.
Với những trăn trở đó, Đạt Butter đã được lập ra và đồng hành với nông dân cải thiện thu nhập bằng cách hướng dẫn họ trồng và sản xuất các sản phẩm từ hạt thuận tự nhiên.
Anh Bùi Thăng Long - đồng sáng lập Công ty TNHH Đạt Butter cho biết: “Để sản xuất ra các sản phẩm bơ từ các loại hạt, Đạt Butter phải chọn lựa kỹ từ vùng trồng nguyên liệu đến quy trình đóng gói bán ra thị trường. Môi trường sản xuất sạch, nguyên liệu đầu vào sạch, giống sạch thì sẽ tạo ra sản phẩm sạch”.
Khó khăn lớn nhất mà Đạt Butter gặp phải đó là phương pháp canh tác. Hiện tại, vì không sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ nên các nông hộ liên kết phải tập trung vào việc vừa canh tác vừa cải tạo đất. Ở mỗi vùng đất khác nhau sẽ có những quy trình canh tác cho phù hợp và cần thời gian để quan sát tìm hiểu và thử nghiệm 1-2 vụ, anh Long chia sẻ.
Hiện, Đạt Butter đang cung cấp cho cửa hàng thực phẩm sạch, các tiệm bánh cao cấp trên địa bàn TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng. Bình quân 1 tháng đưa ra thị trường khoảng 3.000 đơn vị sản phẩm (bơ đậu phộng, bơ điều..). Năm 2021, sản phẩm bơ đậu phộng mịn và bơ đậu phộng có hạt của Đạt Butter đã được chứng nhận OCOP 4 sao của TP.HCM.
Nói về tiềm năng phát triển của bơ đậu phộng, anh Long cho biết, với thói quen của người Việt thì bơ hạt chưa phổ biến. Tuy nhiên, với tính ưu việt, hàm lượng protein cao và sự tiện lợi có thể ăn kèm thêm với sandwich, bánh gạo thì bơ hạt trong tương lai hoàn toàn có thể có chỗ đứng và được phổ biến hơn ở thị trường Việt Nam.
Đặt lợi ích của người nông dân lên hàng đầu
“Việc làm đầu tiên là phải lựa chọn con người. Việc thuyết phục các hộ dân liên kết chuyển đổi hoàn toàn phương thức trồng trọt theo hướng hữu cơ, tự nhiên gặp phải rất nhiều khó khăn”, anh Long chia sẻ.
Khi chuyển đổi canh tác từ việc sử dụng phân bón hóa học sang canh tác tự nhiên, sản lượng sẽ giảm. Vì thế, để giúp các nông hộ yên tâm sản xuất, đồng hành cùng doanh nghiệp, Đạt Butter đã cam kết đồng hành cùng nông dân trong suốt quá trình lên kế hoạch, trồng trọt và các khâu sơ chế sau thu hoạch. Ngoài ra, giá thu mua cao hơn thị trường 10% để phù hợp với công sức bỏ ra của bà con khi canh tác không hóa chất độc hại.
Hiện, Đạt Butter đang liên kết với 30 nông hộ, gồm 1 hộ ở huyện Củ Chi (TP.HCM) và 29 hộ ở tỉnh Hòa Bình.
Để đảm bảo đậu phộng được trồng hoàn toàn tự nhiên, Đạt Butter đã hỗ trợ các hộ nông dân liên kết tìm hiểu thổ nhưỡng, khí hậu, kinh nghiệm, kiến thức về việc thay thế thuốc diệt cỏ, phân hóa học và thuốc trừ sâu bằng các giải pháp đến từ tự nhiên như sử dụng đá apatit, xương bột, phân dơi...
Ngoài ra, Đạt Butter còn có đội ngũ cộng tác viên kỹ thuật thăm vườn định kỳ để giám sát và giải quyết các vấn đề nảy sinh phương pháp canh tác thuận tự nhiên. Đồng thời hỗ trợ tham gia thu hoạch cùng các hộ dân.
Đậu sau khi phơi khô, tách vỏ và phân loại sẽ được công ty kiểm tra thành phẩm định kỳ bằng cách lấy mẫu và gửi mẫu đi kiểm nghiệm.
“Thời gian sắp tới, Đạt Butter dự định xây dựng các vùng nguyên liệu mở rộng và chuyển giao xưởng sản xuất về địa phương cũng như nhân rộng ra các vùng khác có nhu cầu chuyển đổi sang việc sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp thuần tự nhiên”, anh Long chia sẻ về định hướng phát triển trong tương lai của Đạt Butter.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.