TP.HCM có thêm nhiều sản phẩm tiềm năng, chờ gắn sao OCOP

Hồng Phúc Thứ bảy, ngày 01/10/2022 13:16 PM (GMT+7)
Các loại nông sản, thực phẩm chế biến từ nông sản đặc trưng của các huyện Cần Giờ, Bình Chánh, Hóc Môn… đang chờ đánh giá, xếp hạng, gắn sao OCOP năm 2022.
Bình luận 0

Nhiều sản phẩm tiềm năng của Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) sau khi thông qua vòng đánh giá cấp huyện đã được các địa phương gửi về Hội đồng đánh giá cấp Thành phố, tham gia đánh giá, xếp hạng năm 2022.

Bình Chánh, Cần Giờ sẽ có thêm nhiều sản phẩm OCOP

Tại huyện Bình Chánh, một số sản phẩm nông nghiệp đặc trưng trên địa bàn thuộc nhóm rau củ quả sẽ tiếp tục tham gia đánh giá OCOP năm nay. Hợp tác xã (HTX) Phước An có 10 sản phẩm rau an toàn đang chờ được đánh giá là cải xanh, rau dền, mồng tơi, rau ngót, cải ngồng, cải thìa, cần nước, bí, rau lang và khổ qua.

TP.HCM có thêm nhiều sản phẩm tiềm năng, chờ gắn sao OCOP - Ảnh 1.

Sản phẩm tinh bột nghệ vàng của Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên trên kệ siêu thị. Ảnh: Hồng Phúc

Cũng trên địa bàn huyện Bình Chánh, hai doanh nghiệp khác có sản phẩm đang chờ được đánh giá OCOP là Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên và Công ty Nhựa ABZ. Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên có 4 sản phẩm: Mật ong nghệ viên vàng, mật ong nghệ viên đen, tinh bột nghệ vàng, mật ong nhân sâm. Công ty Nhựa ABZ có 2 sản phẩm: Rượu sâm Đinh Lăng và nước sâm Đinh Lăng.

Ông Trần Văn Thích - Giám đốc HTX Phước An, cho biết rau xanh là sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của huyện Bình Chánh. HTX Phước An sản xuất rau an toàn lâu năm, uy tín và cung cấp cho các siêu thị, doanh nghiệp cùng trường học. Ông kỳ vọng với việc nhiều sản phẩm rau xanh được gắn sao OCOP, thị trường rau của Phước An sẽ mở rộng hơn nữa trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Văn Hồng - Chủ tịch huyện Cần Giờ, thông tin huyện đã đề xuất thêm 6 sản phẩm để đánh giá, xếp hạng OCOP tại TP.HCM trong năm 2022.

6 sản phẩm đang được đề xuất là cá đù 1 nắng, khô cá lưỡi trâu, khô cá chim 1 nắng, hàu tươi Cần Giờ, cá dứa tươi và bạch tuộc sông thuộc HTX Nông nghiệp Dịch vụ du lịch Đầu tư - Xây dựng Cần Giờ Tương Lai. Huyện Cần Giờ kỳ vọng 6 sản phẩm này sẽ được công nhận OCOP 4 sao, nâng tổng số sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện lên con số 18 sản phẩm.

img
img

Sản phẩm cá đù và cá dứa tươi của HTX Cần Giờ Tương Lai. Ảnh: CGTL

Các sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Cần Giờ hiện nay là tôm thẻ chân trắng thương phẩm (HTX Thuận Yến), xoài cát, khô cá dứa 1 nắng, tôm sú 1 nắng, tôm thẻ 1 nắng, tôm khô, tôm sú thiên nhiên, tôm thẻ tươi đông lạnh (HTX Cần Giờ Tương Lai), tổ yến chưng nguyên chất, tổ yến chưng vị đông trùng hạ thảo (hộ kinh doanh yến sào Khánh Đan), mật dừa nước tinh chất, mật dừa nước cô đặc (Công ty Phát triển Dừa nước Việt Nam).

Hóc Môn đa dạng hóa sản phẩm OCOP

Nhiều sản phẩm tiềm năng của huyện Hóc Môn đang chờ đánh giá, xét duyệt OCOP trong năm 2022. Các sản phẩm đang chờ xếp hạng đa dạng từ rau quả tươi đến thực phẩm chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm địa phương. 

Nhóm thực phẩm chế biến có Công ty TNHH Liên kết thương mại Toàn cầu với 5 sản phẩm cà phê hòa tan vị dừa, bạc hà, khoai môn, màu, đậu xanh. Công ty TNHH SX TM XNK Ngọc Liên có 5 sản phẩm: Cà pháo ngâm, dưa món, cà pháo mắm tôm chua, cà pháo mắm nêm, cóc chua ngọt mang thương hiệu Ngọc Liên.

TP.HCM có thêm nhiều sản phẩm tiềm năng, chờ gắn sao OCOP - Ảnh 4.

Rau xanh là sản phẩm nông nghiệp lợi thế của các huyện ngoại thành TP.HCM. Ảnh: T.Đ

Nhóm rau củ, thực phẩm tươi sống có Công ty TNHH sản xuất công nghệ HB với sản phẩm rau mầm, rau mồng tơi, rau muống hạt, rau cải xanh. Công ty CP Nông nghiệp kỹ thuật cao Nông Phát với dưa lưới Nhật Bản và cải bó xôi. HTX SX TMDV Rau sạch GAP có sản phẩm cải thìa Rasafood.

Đáng chú ý, một sản phẩm ẩm thực của huyện Hóc Môn là bánh đúc Bà Điểm của hộ kinh doanh Bánh đúc Bà Điểm cũng đang nằm trong nhóm đang chờ được công nhận OCOP năm 2022 tại TP.HCM.

Ông Đinh Minh Hiệp - Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM - cho biết theo kế hoạch, mục tiêu năm 2022, TP.HCM tổ chức đánh giá, công nhận cho 41 sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3 sao trở lên (22 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao và 19 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao). 

TP.HCM hiện có 27 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP theo Quyết định ngày 29/3/2022 của UBND TP, trong đó có 6 sản phẩm đạt 3 sao và 21 sản phẩm đạt 4 sao. 

"Sở đã có văn bản đề nghị các huyện thông tin, tuyên truyền đến doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ dân có đăng ký sản xuất kinh doanh, lựa chọn các sản phẩm tiềm năng tham gia Chương trình OCOP", ông Hiệp thông tin.

Tại TP.HCM, Chương trình OCOP được triển khai từ năm 2019. UBND TP.HCM đã phê duyệt Đề án Chương trình OCOP trên địa bàn TP giai đoạn 2021 - 2025.

Điểm khác biệt của Đề án Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025 so với giai đoạn trước là không gian thực hiện được mở rộng. Nếu như trước đây Chương trình OCOP tại TP.HCM chỉ thực hiện trên địa bàn 5 huyện nông thôn mới (Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ), thì nay mở rộng trên toàn địa bàn Thành phố, ngoài 5 huyện thì có thêm 16 quận và TP.Thủ Đức.

Mục tiêu của Chương trình OCOP tại TP.HCM là phát triển sản phẩm OCOP góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và dịch vụ nông thôn nhằm phát triển kinh tế nông thôn trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số, phát triển bền vững, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Chương trình OCOP TP.HCM cũng nhằm xây dựng, phát triển nông thôn theo hướng bền vững, bảo tồn các giá trị văn hóa, nâng cao thu nhập cho người dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem