Đây là kết quả của việc ứng dụng, thực hiện thành công dự án: "Ứng dụng kết quả nghiên cứu lai tạo giống bò 3B trên nền bò thịt lai Sind thành đàn bò F1 hướng thịt thành phố Hà Nội", được đại diện Công ty cổ phần Giống gia súc Hà Nội cho biết tại Hội thảo “Đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội”, do Sở NNPTNT Hà Nội tổ chức mới đây.
Theo đó, dự án đã tạo ra 240.000 con bê F1 3B, giúp tăng năng suất đàn bò thịt lai tạo so với các giống lai trước đây từ 20-30%, bên cạnh đó, nâng cao kỹ thuật chăn nuôi bò thịt cho các nông hộ. Giá trị sản phẩm đàn bò F1 3B làm ra ước đạt trên 12.000 tỷ đồng. Giá trị gia tăng so với giống bò thịt khác cùng thời điểm trên 2.400 tỷ đồng.
Đại diện Công ty cổ phần Giống gia súc Hà Nội cho hay, dự án đã tạo ra 160.000 việc làm cho các hộ dân, giúp người nông dân tăng thêm thu nhập từ 8-10 triệu đồng/1 bê F1 3B sau cai sữa.
Bên cạnh đó, Công ty cổ phần Giống gia súc Hà Nội cũng đã nghiên cứu, làm chủ công nghệ và sản xuất thành công sản phẩm tinh bò đông lạnh dạng cọng rạ các giống bò ngoại như: 3B, Charolais, Brahman, Senepol, Angus và bò sữa HF từ hệ thống dây chuyền sản xuất tinh bò đông lạnh dạng cọng rạ hiện đại của Đức. Ngoài ra, đơn vị này cũng đã nghiên cứu và làm chủ công nghệ tạo phôi bò invivo và invitro, công nghệ cấy truyền phôi bò.
Đánh giá về vai trò của ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020, ông Nguyễn Ngọc Giang, Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Hà Nội cho biết, hiện Hà Nội có 39 mô hình chăn nuôi, 15 mô hình thủy sản, 1 mô hình kết hợp chăn nuôi - trồng trọt trong tổng số 160 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chủ yếu tập trung ở các huyện Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Thường Tín, Thanh Oai, Đan Phượng.
Trong đó, các trang trại chăn nuôi đều có ứng dụng ít nhất một biện pháp công nghệ cao, vì vậy 100% sản phẩm chăn nuôi từ các trang trại lớn, quy mô công nghiệp đều có hàm lượng ứng dụng công nghệ cao.
"Các mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao bước đầu đã đem lại kết quả tốt. Khi ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đã làm tăng đáng kể khối lượng sản phẩm, giảm chi phí, từ đó hạ giá thành sản phẩm, đem lại thu nhập và lãi cao hơn cho người chăn nuôi", ông Giang khẳng định.
Tuy nhiên, theo ông Giang, số lượng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ứng dụng công nghệ cao còn ít, chỉ ở một số trang trại lớn. Chưa hình thành vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, việc nhân rộng mô hình còn hạn chế. Công tác hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, thu hút đầu tư còn hạn chế.
Thực tế cho thấy, vài năm gần đây dịch bệnh còn xảy ra nhiều. Năm 2019 - 2020 dịch bệnh tả lợn châu Phi làm chết trên 500.000 con lợn, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng. Năm 2020 dịch bệnh viêm da nổi cục ở bò gây nhiều tổn thất cho chăn nuôi.
Về mặt chính sách, còn hạn chế trong xây dựng và triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao. Chưa triển khai hỗ trợ theo Nghị định 57/2018/NĐ-CP về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó, số lượng danh mục được hỗ trợ rất nhỏ so với thực tế nên khó tiếp cận.
Ngoài ra, chưa có định mức kỹ thuật chi tiết theo danh mục công nghệ cao trong nông nghiệp do Bộ NNPTNT ban hành. Thủ tục chuyển nhượng đất đai hoặc chuyển mục đích sử dụng đất để xây dựng doanh nghiệp công nghệ cao còn gặp khó khăn.
Để giải quyết bài toàn trên, ông Giang cho rằng cần hoàn thiện quy hoạch tổng thể đối với nông nghiệp và chăn nuôi; hoàn thiện các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao. Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung và theo chuỗi giá trị.
Tăng cường hỗ trợ vốn và đổi mới cơ chế quản lý Nhà nước về khoa học công nghệ cho phát triển nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cho chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao.
Theo Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, nhằm triển khai hiệu quả ứng dụng và chuyển giao công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, Sở đang trình UBND thành phố Hà Nội xem xét, ban hành Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030.
Chương trình khi đi vào thực tiễn sẽ góp phần thúc đẩy phát triển và ứng dụng hiệu quả công nghệ cao, chuyển đổi số, nông nghiệp thông minh trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng sinh thái, hiện đại…