Người vào tù, người từng phá sản, người suýt thành cát tặc đã thành nông dân Việt Nam xuất sắc
Ba ông nông dân ở Sơn La, Hưng Yên, Hải Dương đã thành nông dân Việt Nam xuất sắc như thế nào?
K.Nguyên
Chủ nhật, ngày 09/10/2022 08:35 AM (GMT+7)
Hành trình vượt khó vươn lên làm giàu của mỗi nông dân Việt Nam xuất sắc có thể khác nhau nhưng đều có chung một điểm: Nhờ ngã rẽ với nông nghiệp, họ đã thành công và trở thành Nông dân Việt Nam xuất sắc.
Thất bại với cà phê, chuyển sang trồng cam và thành nông dân Việt Nam xuất sắc
Trước khi trở thành nông dân Việt Nam xuất sắc, lão nông Hoàng Văn Chất ở bản Củ 2, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, Sơn La phải nếm trải nhiều dư vị của thất bại, thậm chí phải trả giá bằng chính những năm tháng tự do của mình.
Tiên phong trồng cây cà phê ở Chiềng Ban, vào tù ra tội vì cây cà phê, nhưng ông Chất không buồn sầu nản chí. Ông bảo, mỗi lần vấp ngã sẽ là bài học để đầu tư khôn ngoan và có chọn lọc hơn. Minh chứng là ông không bỏ cà phê, nhưng tìm tòi thử sức với những cây trồng mới như cam, bưởi.
Và nhờ sự thay đổi trong tư duy sản xuất, cộng với khát khao làm giàu cháy bỏng, ông nông dân người Thái đã trở thành tỷ phú cam và được vinh danh Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2020.
Được biết, trước khi làm nông nghiệp, ông có 10 năm phục vụ quân đội, làm bác sĩ quân y từ năm 1979. Tuy nhiên, đến năm 1989, do vợ bị bệnh nặng, con cái nheo nhóc, gánh nặng gia đình quá lớn, ông buộc phải giải ngũ về quê, mạnh dạn đưa cây cà phê về trồng ở Chiềng Ban. Thời gian đầu, cây cà phê phát triển rất tốt nhưng ông Chất vẫn phải trả giá quá đắt vì đầu tư lớn mà không tìm hiểu kỹ thông tin.
Đó là thời điểm năm 1998, ông vay ngân hàng khoảng 390 triệu đồng để trồng 4ha cà phê và 13ha mía. Ai ngờ sương muối khiến toàn bộ diện tích cà phê, mía của tôi tàn lụi hết, tôi phải rớt nước mắt đốt bỏ hơn 9.000 tấn mía.
:Nhưng điều khiến tôi đau đầu hơn là khoản nợ ngân hàng 390 triệu đồng đang lơ lửng trên đầu. Tôi lên ngân hàng xin được gia hạn nhưng do cơ chế vay vốn thời điểm đó nên không được chấp thuận, tôi buộc phải đi chấp hành án 5 năm do bị khép vào tội lừa đảo tài sản. Mãi đến năm 2009 tôi mới được ra tù. Dù vậy, suốt những năm tháng cải tạo ở trại Thanh Xuân (Hà Nội) tôi luôn nung nấu suy nghĩ: Làm lại từ đầu", ông Chất nói.
Sau khi ra tù, ông Chất chuyển phần lớn diện tích sang trồng cam theo quy trình an toàn, thành lập hợp tác xã Trường Tiến liên kết với các nông dân khác tiêu thụ sản phẩm. Năm 2021, dù dịch Covid -19 tác động nhưng nhờ có mạng lưới tiêu thụ rộng khắp, ông Chất vẫn có một vụ cam thắng lợi, thu lãi hàng tỷ đồng.
Sau thất bại của mình, ông Chất đưa ra lời khuyên: "Phải sử dụng đồng vốn một cách thông minh, hạch toán kỹ đầu vào đầu ra, tìm hiểu kỹ từng đối tượng cây trồng, vật nuôi định đầu tư nuôi trồng".
Phá lò gạch xây trại nuôi gà, anh nông dân Hải Dương thành nông dân Việt Nam xuất sắc
Đối với anh Trần Văn Mạnh ở thôn Ngư Uyên, xã Long Xuyên, thị xã Kinh Môn (Hải Dương), trước khi đến với nghiệp chăn nuôi, anh là một chủ lò gạch có tiếng trong vùng. Vậy nhưng một ngày anh quyết định phá bỏ lò gạch ngày đêm nhả khói, về làng dựng trại nuôi lợn, gà.
"Tôi gắn bó với nghề làm gạch từ những năm 1990, nói thật cái nghề xắn đất đổi lấy tiền này cho thu nhập rất khá. Từ 1 lò gạch ban đầu, sau 8 năm, đến năm 1998, vợ chồng tôi đã xây dựng được 5 lò gạch, mỗi lò cho 15 – 20 vạn viên/lần đốt, có những năm tôi thu tới 150 triệu đồng từ làm gạch, đó là một số tiền khủng lúc bấy giờ.
Nhưng nghề này cũng bạc, gây mâu thuẫn với người dân xung quanh bởi dù có xây dựng lò gạch ở ngoài bãi ven sông, xa khu dân cư nhưng cứ mỗi khi đổi gió, khói lò gạch lại ảnh hưởng đến cuộc sống sản xuất, sinh hoạt của người dân. Năm nào tôi cũng phải vác một đống tiền đền bù những diện tích lúa, hoa màu của bà con bị úa, táp lá do khói lò gạch. Dù đã đền bù 100% thiệt hại nhưng nói thật mỗi lần như vậy tôi lại thấy vô cùng áy náy.
Năm 2003, khi Chính phủ có chủ trương dẹp bỏ các lò gạch thủ công để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, cộng với địa phương có chủ trương dồn điền đổi thửa, tôi đã nhen nhóm ý định chuyển đổi đất làm trang trại nên mua 4.000m2 đất ruộng trũng, cấy lúa kém hiệu quả. Năm 2005, tôi từ bỏ những lò gạch thủ công gắn bó với mình suốt nhiều năm, bắt đầu lập trang trại nuôi lợn", anh Mạnh kể.
Sau đó, năm 2007, anh Mạnh chính thức chuyển sang nuôi gà đẻ trứng. Để chắc ăn, anh không dám đầu tư ồ ạt ngay từ đầu nên chỉ thử nghiệm nuôi một chuồng 3.000 con, 1 năm sau tôi xây tiếp một chuồng nữa, nuôi 1,7 vạn con gà siêu trứng. Tôi cũng chịu khó đi nhiều nơi tham khảo, học hỏi kinh nghiệm để gà đạt năng suất cao, trứng đạt chất lượng.
Năm 2016, anh Mạnh quyết định mở rộng quy mô chăn nuôi, mua thêm đất ở khu dân cư Duẩn Khê cũng thuộc xã Long Xuyên với diện tích hơn 2ha để lập trang trại nuôi mới.
Ở trang trại mới này, anh quy hoạch thành 3 khu chuồng nuôi, quy mô 1,6 vạn con gà đẻ. Giữa các khu chuồng, tôi trồng cây ăn quả (hồng xiêm, mít Thái, na), đào ao nuôi cá, ba ba. Trang trại nằm giữa cánh đồng, biệt lập với khu dân cư, rất thuận lợi cho chăn nuôi. Có những thời điểm thị trường tiêu thụ thuận lợi, tôi thu cả chục triệu đồng nhờ bán trứng mỗi ngày.
Để đảm bảo đàn gà phát triển khỏe mạnh, tránh xa mọi loại dịch bệnh, tôi nuôi gà theo công nghệ chuồng kín được chia thành các khu riêng biệt, có thiết bị làm mát, thiết bị cho ăn và uống nước tự động, sử dụng đệm lót sinh học để giảm ô nhiễm môi trường chăn nuôi. Tôi cũng tuân thủ nghiêm túc quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, sử dụng các chế phẩm để nâng cao sức đề kháng của gà, xử lý chất thải. "Đàn gà này không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho gia đình tôi suốt bao năm qua, nó còn giúp tôi vượt qua bao phen gian khó, không có nó khéo giờ này tôi thành... cát tặc", anh Mạnh nói.
Đó là thời điểm năm 2016, trước khi anh quyết định mua trang trại thứ hai ở khu dân cư Duẩn Khê. Lúc đó, anh đã ngắm được chiếc thuyền hút cát, xã tôi ngay bên bãi sông, bên kia là huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng), cũng có nhiều người giàu lên nhờ nghề khai thác cát.
"Lúc đó, trong tay tôi cũng có vài tỷ tiền lãi từ nuôi gà sau nhiều năm, tôi dự định mở rộng sang lĩnh vực khác nên đi tìm hiểu mua tàu, khi tàu đã về bãi, gần đến ngày đặt cọc, một sáng tôi đi kiểm tra một vòng chuồng trại, nhìn những con gà miệt mài cho ra những quả trứng mỗi ngày, tôi chợt nghĩ: "Vàng ở đây, chứ cần gì phải đi mò mẫm dưới lòng sông". Tôi quyết định từ chối mua tàu, lên xã đặt vấn đề mua đất làm thêm trang trại thứ hai", anh Mạnh khoe.
Với những thành tích xuất sắc trong chăn nuôi, anh Trần Văn Mạnh đã được vinh danh là Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2020.
Lập nghiệp với chanh vàng, thành Nông dân Việt Nam xuất sắc
Hành trình lập nghiệp của Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2019 Nguyễn Hữu Hà ở xã Tân Dân, huyện Khoái Châu, Hưng Yên lại là một câu chuyện rất dài, trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, phiêu lưu có, ngọt ngào có, đắng cay cũng nhiều, thấm đẫm mồ hôi và nước mắt.
Quê anh Hà vốn là một vùng thuần nông, bố mẹ tôi sinh được 5 người con nên tuổi thơ của Hà trải qua nhiều cơ cực, vất vả. Năm 13 tuổi, Hà quyết định bỏ học, trốn nhà lên khu vực chợ Long Biên (Hà Nội) làm thuê, lang thang bán hàng dạo khoảng 2 năm, đến năm 1995 thì chính thức về Long Biên kinh doanh trái cây, buôn củ đậu dưới gầm cầu. Năm 18 tuổi, anh Hà về quê đi nghĩa vụ quân sự 2 năm, sau đó lại về gầm cầu Long Biên buôn bán trái cây.
Năm 2004, khi tròn 25 tuổi và đã có một số vốn khá khá, thấy việc buôn bán các loại trái cây rất dễ, lợi nhuận khá cao nên cứ nghĩ việc làm nông cũng đơn giản, vải thiều lại được giá nên anh Hà gom hết vốn liếng có được, vay mượn ngân hàng, bạn bè lên Lục Ngạn (Bắc Giang) mua đất trồng vải, xây chuồng trại chăn nuôi.
"Nhưng tôi đã không tính đến việc khi mình bắt tay vào trồng cũng là lúc diện tích vải đã tăng chóng mặt, cộng với chi phí xây chuồng trại quá lớn nên tôi phải gánh khoản nợ lớn.
Năm 2008, khi vườn vải nhà tôi được thu hoạch cũng là lúc giá chạm đáy, cộng thêm với dịch cúm gia cầm bùng phát đã cho tôi đòn chí mạng, tôi chính thức phá sản với món nợ hàng trăm triệu đồng. Sau khi bỏ nhà trốn nợ, nhờ một người anh bảo lãnh, tôi sang Nga làm thuê tại xưởng may. Sau đó, khi đã đủ lông đủ cánh, tôi ra chợ Vòm (Matxcơva) kinh doanh buôn bán, được một thời gian thì chợ đóng cửa. Trong thời gian ở Nga, tôi cũng gặp được vợ mình.
Năm 2011, khi đã trả hết nợ và tích lũy được số vốn kha khá, tôi tách ra lập xưởng may riêng với 40 công nhân. Ham kiếm tiền, năm 2012, tôi mở thêm xưởng nữa. Nhưng đây có lẽ cũng là điều khiến tôi một lần nữa trắng tay, xưởng đang ăn ra làm nên thì tôi bị bắt do hoạt động sản xuất chui và bị đưa vào trại tị nạn cả tháng trời. Nhưng ngay lúc đó, tôi nghĩ, không thể khóc mãi ở xứ người, phải trở về quê hương làm lại", anh Hà nhớ lại.
Từ Nga trở về, anh Hà quay lại với nghiệp buôn bán. Trong quá trình buôn dứa, anh được bạn giới thiệu cho giống chanh vàng của Úc nên quyết định mang về quê trồng.
"Quê tôi là vùng trồng cây có múi truyền thống, trong làng có rất nhiều cao nhân trong nghề ghép cây nhưng tôi lang thang từ nhỏ, không hề biết đến kỹ thuật chiết, ghép cây ăn quả. Lúc đó nhìn cái mắt ghép bé tí, tôi nghĩ trồng bao giờ cho có quả mà thu hoạch, vậy là tôi lăm le ghép số mắt chanh vàng mua về lên vườn bưởi Diễn 10 năm tuổi của bố, lúc đó, vườn bưởi đang cho quả khá tốt, giá bán cũng ổn định", anh Hà kể.
Sau những bỡ ngỡ ban đầu, anh Hà đã thành công trong việc đưa giống chanh vàng về Tân Dân. Anh đã thành lập Hợp tác nông sản Phú Quý với 60 hộ nông dân tham gia, diện tích trồng chanh vàng Úc đạt khoảng 60ha, đó là chưa kể nhiều trang trại vệ tinh ở Thanh Hóa, Bắc Ninh do tôi cung cấp giống. Anh Hà còn tiến hành trồng chanh vàng cảnh, chuyên cung cấp vào dịp Tết, với giá bán hàng triệu đồng/cây. Anh Hà đã được bình chọn là Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2018.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.