Nuôi toàn cá đặc sản, quý hiếm trên lòng hồ Na Hang, bắt lên thương lái, doanh nghiệp đều muốn mua

Thiên Hương Chủ nhật, ngày 09/10/2022 06:09 AM (GMT+7)
Toàn tỉnh Tuyên Quang hiện có 2.255 lồng cá được nuôi trên sông, hồ. Riêng huyện Na Hang đã chiếm trên 1.000 lồng cá, với hơn 100 hộ nuôi. Trong đó có 2 doanh nghiệp, 2 HTX tham gia nuôi cá đặc sản với quy mô lớn, như cá lăng, cá chiên, cá bỗng...
Bình luận 0

Nuôi cá đặc sản trên lòng hồ Na Hang, nhiều hộ nông dân có thu nhập hấp dẫn

Với 78 triệu đồng vốn vay giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội thông qua tổ chức Đoàn Thanh niên, năm 2018, anh Trịnh Văn Hà, tổ dân phố 7, thị trấn Na Hang (Na Hang) bắt đầu khởi nghiệp với nghề nuôi cá lồng, quy mô 40 lồng nuôi cá trên vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang. 

Ngay từ ban đầu, anh đã chọn nuôi các loại cá đặc sản như quất hoa, ngạnh đá, cá lăng... Nhận thấy chăn nuôi cá đặc sản mang lại hiệu quả kinh tế cao nên năm 2020, anh Hà đầu tư thêm 20 lồng nuôi, nâng tổng số lồng cá của gia đình lên 60 lồng. 

Nuôi toàn cá đặc sản, quý hiếm trên lòng hồ Na Hang, bắt lên thương lái, doanh nghiệp đều muốn mua - Ảnh 1.

Công nhân đang cho cá ăn tại trang trại nuôi cá của gia đình anh Trịnh Văn Hà, tổ dân phố 7, thị trấn Na Hang (Na Hang) Ảnh: T.L

Anh Hà cho biết, do chăn nuôi cá đặc sản, quý hiếm nên không bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch Covid-19. Đặc biệt, vì nuôi cá đặc sản nên thời gian nuôi lâu hơn cá thông thường, sau 2-3 năm khi cá đạt trọng lượng từ 2,5-3,5kg mới xuất bán. Các loại cá này chủ yếu ăn cá, tôm nhỏ được đánh bắt tại vùng lòng hồ nên chi phí không đáng kể. Vừa qua, gia đình anh xuất bán được hơn 30 tấn cá với giá bình quân 450.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, anh thu lãi hơn 400 triệu đồng.

Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thuỷ sản Tuyên Quang cho biết, cá nuôi trong lồng trên hồ thủy điện Tuyên Quang có nhiều ưu điểm, như dễ chăm sóc, nuôi được mật độ cao, thức ăn sẵn có, nuôi được nhiều chủng loại cá, nhất là những loại cá đặc sản, góp phần giảm chi phí trong nuôi trồng, tăng thu nhập. 

Bên cạnh đó, tại các khu vực hồ chứa, hồ thuỷ điện, môi trường ít bị ô nhiễm, lượng oxy trong nước cao, nguồn nước luôn được lưu thông cũng là những điều kiện thuận lợi để cá lồng sinh trưởng, phát triển tốt, chất lượng thịt ngon, được người tiêu dùng ưa thích.

Thời gian gần đây, phong trào liên kết nuôi cá lồng và tiêu thụ sản phẩm từ cá cũng được đẩy mạnh phát triển ở Na Hang. Trong đó nổi bật là chương trình liên kết sản xuất, tiêu thụ cá đặc sản của Công ty TNHH Thủy sản Đức Nguyên; Công ty TNHH Thủy sả Nhật Nam với các hộ nuôi cá đặc sản.

Anh Vi Anh Đức, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Nhật Nam cho biết, hiện tại công ty đang liên kết với 10 hộ dân đầu tư lồng bè để phát triển chăn nuôi các loại cá đặc sản theo quy trình an toàn như cá quả, cá lăng, cá bỗng... 

Theo hợp đồng thì sau khi cá đến tuổi xuất bán, công ty thu mua lại toàn bộ sản phẩm để tiêu thụ cho các hộ dân. Liên kết nuôi cá theo quy trình cá sạch, công ty đã giảm bớt chi phí đầu tư cũng như quản lý mà vẫn tạo ra được lượng sản phẩm đủ để cung ứng cho thị trường.

Nuôi toàn cá đặc sản, quý hiếm trên lòng hồ Na Hang, bắt lên thương lái, doanh nghiệp đều muốn mua - Ảnh 3.

Huyện Na Hang hiện có trên 1.000 lồng cá, với hơn 100 hộ nuôi, trong đó có 2 doanh nghiệp, 2 HTX tham gia nuôi cá đặc sản với quy mô lớn, tổng sản lượng khai thác đạt 700 tấn/năm. Ảnh: T.L

Hình thành chuỗi liên kết nuôi cá đặc sản, tăng cường chế biến

Tại buổi Toạ đàm Khuyến nông chủ đề "Giải pháp nâng cao hiệu quả nuôi cá lồng trên sông, hồ", do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NNPTNT tỉnh Tuyên Quang tổ chức ngày 7/10, ông Nguyễn Xuân Hùng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Tuyên Quang, cho biết, Tuyên Quang có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển nuôi trồng thủy sản. Tỉnh có mạng lưới sông, suối khá dày đặc và phân bố tương đối đều tại các huyện, thành phố với trên 12.000ha mặt nước có khả năng nuôi trồng thủy sản, trong đó có trên 8.000ha mặt nước hồ thủy điện. 

Hiện nay, toàn tỉnh có 2.255 lồng cá được nuôi trên sông, hồ (số lồng nuôi cá đặc sản, cá chủ lực chiếm 50% tổng số lồng). Sản lượng thủy sản năm 2021 đạt 10.091 tấn, trong đó sản lượng cá đặc sản đạt 54 tấn; 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt trên 4.800 tấn. 

Năm 2021, Tuyên Quang sản xuất được trên 91 triệu con cá giống các loại, tăng  3,4% so năm 2020, trong đó các giống đặc sản là trên 75.000 con. Nuôi cá lồng là nghề truyền thống lâu đời của người dân sống ven sông trên địa bàn tỉnh. Nghề nuôi cá đem lại lợi nhuận rất cao, nên người ta thường nói: "Thứ nhất nuôi cá, thứ nhì gá bạc".

Đáng chú ý, trên địa bàn đã hình thành, duy trì và phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, gắn với chế biến, với đầu mối là các doanh nghiệp, hợp tác xã, trong đó có 5 doanh nghiệp, hợp tác xã và 7 tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản lồng bè, với quy mô trên 700 lồng nuôi. Các đối tượng nuôi chủ yếu là cá Chiên, cá Lăng, cá Bỗng, cá Lóc Bông. Sản lượng hàng năm trên 600 tấn, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Các HTX, doanh nghiệp đã tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, sản xuất theo tiêu chuẩn. Theo đó đã có 15 sản phẩm được công nhận, xếp hạng OCOP từ 3 đến 4 sao; 2 sản phẩm được chứng nhận nhãn hiệu "Cá Chiên đặc sản Thái Hòa" của Hợp tác xã Sản xuất - Kinh doanh cá đặc sản Thái Hòa; "Cá Lăng hồ thủy điện Tuyên Quang" của Công ty TNHH Lâm sản và Dịch vụ Long Giang; có 6 cơ sở được chứng nhận VietGAP...

Phát biểu tại buổi Tọa đàm, bà Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, những năm qua, nghề nuôi lồng, bè đã có những chuyển biến mạnh mẽ, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nhân dân và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.

Nuôi toàn cá đặc sản, quý hiếm trên lòng hồ Na Hang, bắt lên thương lái, doanh nghiệp đều muốn mua - Ảnh 4.

Theo bà Hạ Thuý Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, phát triển nuôi cá lồng trên sông, hồ chứa giúp đồng bào miền núi tăng thu nhập, hạn chế phá rừng làm nương rẫy, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Hoàng Văn

Các hồ chứa có nguồn nước sạch, chưa có nhiều hoạt động nuôi trồng thủy sản, ít bị tác động bởi nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, hóa chất nông nghiệp và chất thải, hóa chất của nhà máy công nghiệp nên thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản. Nuôi cá trên hồ chứa tạo ra các sản phẩm sạch, chất lượng cao, được người tiêu dùng ưa thích và có giá bán trên thị trường cao hơn nuôi trong ao, bể từ 1,2 - 1,5 lần.

Tuy nhiên, theo bà Hạ Thúy Hạnh, nghề nuôi cá lồng bè còn những khó khăn, tồn tại trong công tác quy hoạch, tổ chức sản xuất. Việc áp dụng đúng quy trình kỹ thuật; chất lượng đầu vào con giống; vấn đề thức ăn và môi trường; việc liên kết mở rộng thị trường tiêu thụ... còn nhiều hạn chế. Do vậy, đòi hỏi các bộ, ban, ngành và các địa phương phải cùng nhau bàn bạc nhằm đưa ra các giải pháp phù hợp và hiệu quả để phát triển bền vững nghề nuôi cá lồng trên sông, hồ.

Từ năm 2013, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã phối hợp, chủ trì triển khai nhiều dự án mô hình nuôi cá lồng trên sông, hồ chứa với nhiều đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, như cá tầm, cá lăng, cá chiên, cá diêu hồng, thát lát, cá nheo Mỹ...

Các mô hình được triển khai ở Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Hà Giang, Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Đắc Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai, Quảng Nam...

Kết quả các dự án được tuyên truyền, nhân rộng nhằm phát triển tốt nghề nuôi cá lồng bè trên sông và hồ chứa. Đặc biệt với vùng trung du miền núi đã góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, xóa đói giảm nghèo, thay đổi cơ cấu sản xuất, hạn chế phá rừng, giảm các tệ nạn xã hội, cải thiện đời sống cho người nông dân khu vực biên giới góp phần xây dựng nông thôn mới.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem