"Tất cả mọi người đều muốn một chiến thắng cho Ukraine", chính trị gia Kurz nhấn mạnh. "Nhưng thua không phải là một lựa chọn cho Tổng thống Nga Vladimir Putin".
Ông Kurz, người đã từ chức năm ngoái trong bối cảnh các cáo buộc tham nhũng mà ông khẳng định là có động cơ chính trị, lập luận rằng "đối mặt với mối đe dọa hạt nhân, EU cần phải thúc đẩy con đường đàm phán".
Ông nói: "Hiện tại, điều quan trọng nhất là chấm dứt xung đột và đạt được một giải pháp hòa bình trên bàn đàm phán để ngăn chặn sự leo thang toàn diện trên lục địa châu Âu".
Ông Kurz không phải là người duy nhất công khai cảnh báo "mối đe dọa hạt nhân" được cho là từ Nga. Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi đầu tháng đã cảnh báo về "mối đe dọa trực tiếp" về vũ khí hạt nhân từ Nga, trong khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố Nga sẽ gặp "hậu quả nghiêm trọng" nếu nước này sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine.
Tổng thống Putin không đe dọa sẽ tấn công hạt nhân Ukraine. Trong các tuyên bố công khai của mình, ông khẳng định học thuyết hạt nhân của Nga: "Moscow sẽ chỉ tự vệ bằng 'tất cả các phương tiện sẵn có' nếu sự tồn tại của Liên bang Nga bị đe dọa".
Trong bài phát biểu vào tháng trước, Tổng thống Putin đã coi cuộc xung đột ở Ukraine như một cuộc đấu tranh tồn tại giữa Nga và một phương Tây "toàn trị". Trong một tuyên bố riêng, ông mô tả các lực lượng Nga đang chiến đấu với "toàn bộ cỗ máy quân sự phương Tây" ở Ukraine.
Nhìn chung, các nhà lãnh đạo phương Tây ủng hộ ý tưởng xung đột kết thúc bằng một thỏa thuận thương lượng, nhưng nhấn mạnh rằng Ukraine nên được phép đưa ra các điều khoản của thỏa thuận. Cho đến lúc đó, Mỹ, G7 và EU đều tuyên bố sẽ vũ trang cho Ukraine "chừng nào còn có thể" để Kiev đạt được các mục tiêu của mình - trong đó bao gồm cả việc giành lại các khu vực của Ukraine hiện đã sáp nhập vào Liên bang Nga.