Năm 2016, tình cờ thấy một chiếc cổng cưới lá dừa quá đẹp nên anh Đoàn Thành Trung quyết định học nghề.
Từng học Trường Cao đẳng Sư phạm Long An, chuyên ngành Mỹ thuật, năm 2013, anh Trung về công tác tại Trường Tiểu học Nguyễn Tấn Kiều (thị xã Kiến Tường, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) cho đến nay.
Từ năm 2016, ngoài công việc chuyên môn, anh còn thử sức với công việc làm cổng cưới.
“Tình cờ thấy một cổng cưới lá dừa quá đẹp nên tôi quyết tâm học nghề từ cha mẹ và nhiều người làm nghề khác.
Sau đó, trong quá trình làm việc, bản thân tự tích lũy thêm kinh nghiệm. Để thực hiện một chiếc cổng cưới lá dừa hoàn chỉnh, nhóm mất khoảng 1,5 ngày, trong đó, nửa ngày để tìm các vật liệu.
Nhóm có 6 thành viên, số lượng người làm cổng dao động tùy thuộc vào quy mô lớn, nhỏ của cổng cưới” - anh Trung chia sẻ.
Được biết, anh sẽ đưa mẫu cho khách hàng xem trước khi bắt tay vào thực hiện các công đoạn. Khách ưng cổng nào thì báo giá và thực hiện, trường hợp khách muốn bổ sung thêm các ý tưởng, chi tiết theo sở thích thì nhóm nhận làm theo yêu cầu.
Từ năm 2016 đến nay, ngoài dạy học tại trường, anh Đoàn Thành Trung còn thử sức với công việc làm cổng cưới lá dừa.
Cổng cưới lá dừa là sự kết hợp của lá dừa nước và lá dừa ta, khó nhất là công đoạn làm bông. Lá dừa phải to, đạt được “độ chín” về màu sắc, không chọn lá già vì sẽ dễ héo và ngả màu, bông làm ra phải tròn đều. Thông thường, cổng cưới lá dừa có giá dao động từ 3-8 triệu đồng, tuy nhiên giá thành còn phụ thuộc độ lớn, nhỏ của cổng.
Sau 2 năm “bén duyên” với cổng cưới lá dừa, năm 2018, anh Trung thử sức với làm cổng cưới rồng, phụng.
Anh Trung tâm sự: “Trước sự cạnh tranh, tôi quyết định học thêm cách làm cổng cưới rồng, phụng để phục vụ khách hàng. Nếu làm cổng lá dừa phức tạp 30% thì cổng cưới rồng phụng là 80%”. Nguyên liệu để làm cổng cưới rồng, phụng khá đa dạng: Cau, đậu bắp, ớt, hoa hồng, hoa cúc,...
Để thực hiện 1 con rồng có độ cao 3,5m thì tốn khoảng 15kg cau, 17 - 20kg ớt, 17 - 20kg đậu bắp và nhiều nguyên, vật liệu khác. Thực hiện cổng cưới rồng, phụng phải trải qua nhiều công đoạn: Tạo cốt rồng, phụng; tìm, mua các nguyên liệu; khi đủ các nguyên liệu thì kết lại; ráp khung; trang trí. Thời gian hoàn thiện cổng rồng, phụng từ 3 - 3,5 ngày”.
Theo anh Trung, công đoạn tạo cốt rồng, phụng rất khó và mất thời gian, con lớn khoảng 7 ngày, con nhỏ từ 2-3 ngày. Cốt rồng phụng được cắt, tạo hình từ xốp đen, mỗi bộ được tái sử dụng khoảng 10 lần. Để có thể cắt được thành thạo bộ cốt rồng, phụng, anh phải mất 1 năm. Hiện nay, cổng rồng, phụng có giá dao động từ 10-30 triệu đồng và tùy theo độ hoành tráng mà có giá khác nhau.
Anh Trung đang thực hiện công đoạn kết cau
Thời gian qua, nhờ mạng xã hội và bạn bè, người thân, khách hàng cũ giới thiệu nên anh có được lượng khách hàng tương đối ổn định.
Không chỉ tại Long An, khách hàng của anh còn đến từ nhiều tỉnh, thành: Đồng Tháp, Tây Ninh, Bình Dương, TP.HCM,... Hiện nay, bên cạnh nhận làm cổng cưới lá dừa và rồng, phụng, anh Trung còn làm dịch vụ mâm quả rồng, phụng.
Trò chuyện cùng chúng tôi, anh Trung tâm sự, ngoài thu nhập, công việc này còn mang đến cho anh nhiều niềm vui, hạnh phúc vì đã góp phần mang lại sự hài lòng cho các đôi uyên ương trong ngày trọng đại.
Trở lại với công việc chuyên môn, anh Trung luôn cố gắng, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Với anh, mỗi công việc đều có cái hay riêng. Thông thường, anh dạy 3 ngày/tuần, mỗi giờ lên lớp, anh đều tạo cảm giác thoải mái, gần gũi để các em cảm thấy vui vẻ, hứng thú khi học môn Mỹ thuật.
Mặt khác, trong quá trình giảng dạy, nếu phát hiện học sinh có năng khiếu thì anh sẽ bồi dưỡng, đề xuất nhà trường tạo điều kiện cho các em tham gia các cuộc thi vẽ. Là người dám nghĩ, dám làm nên anh Trung luôn được mọi người yêu quý, tin tưởng, anh dần xây dựng được thương hiệu cho riêng mình trong lĩnh vực cưới.