Ở Việt Nam, nhắc đến bệnh đột quỵ, giới y học gần như ai cũng biết Phó giáo sư Nguyễn Văn Thông. Ông không chỉ là "khắc tinh" của căn bệnh vô cùng khó chữa này mà còn là người có công tiên phong sáng lập Trung tâm Đột quỵ não thuộc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108...
Bác sĩ thú y "hụt"
Đã có hơn 8.000 người được Phó giáo sư, bác sĩ Nguyễn Văn Thông chữa trị, phục hồi căn bệnh quái ác này trong 8 năm qua. Lật giở những bức thư người bệnh gửi lại sau khi xuất viện, tôi được thấy những dòng: "Phó giáo sư là người mang phép lạ", "người đã hồi sinh cuộc đời tôi", "anh chính là niềm hy vọng cuối cùng", v.v..
Hồi còn nhỏ, nhà có tới 8 anh em, anh từng phải lao động vất vả và gắn bó với nhiều vùng nông thôn bởi những năm sơ tán đi học xa nhà. Năm 1967, anh thi đỗ vào Đại học Nông nghiệp 1, chuyên ngành… thú y. Mùa thu năm 1971, theo tiếng gọi chiến trường, anh và nhiều bạn sinh viên viết đơn tình nguyện vào bộ đội.
Đường chín Nam Lào, chiến trường Lào là nơi thử lửa, anh trở thành chiến sĩ pháo binh Sư đoàn 351. Năm 1975, anh được về Trường Sĩ quan Pháo binh ôn văn hóa để đi học nước ngoài thì đất nước hoàn toàn giải phóng. Anh được lệnh về Học viện Quân y, chuyển sang đào tạo bác sĩ đa khoa.
Tốt nghiệp Học viện Quân y, bước chân người bác sĩ trẻ lại in dấu khắp nẻo biển đảo Cam Ranh và biên giới Cam-pu-chia với vai trò là Chủ nhiệm Quân y của Trung đoàn 72.
Năm 1985, khi Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 có chủ trương chọn những cán bộ giỏi trong toàn quân để xây dựng và phát triển bệnh viện, anh được trên điều về làm bác sĩ tại Khoa Thần kinh của bệnh viện.
Năm 1994, qua người vợ công tác ở Phi-líp-pin, anh biết ở nước bạn, giới y học đã có nhiều đột phá vào các bệnh thần kinh và não. Anh mạnh dạn báo cáo cấp trên, xin được ra nước ngoài học bằng kinh phí tự túc. Lúc bấy giờ, hiếm ai dám bỏ tiền túi để ra nước ngoài học như anh. Tuy nhiên, lựa chọn ấy đã cho anh những kiến thức mới vô cùng quý giá. Trở về nước, anh được bổ nhiệm làm Phó chủ nhiệm Khoa Thần kinh và những ý tưởng mới về chữa trị các bệnh thần kinh, về não tiếp tục được chắp cánh.
Năm 1998, anh được American Academy of Neorology (Mỹ) - viện nghiên cứu hàng đầu thế giới về đột quỵ não mời sang nghiên cứu. Tại đây, anh đã tiếp nhận sâu sắc hơn về mô hình điều trị căn bệnh này ở Mỹ, nơi mà nền y học đã đi trước thế giới. Ý tưởng xây dựng một trung tâm chữa trị đột quỵ não ở Việt Nam đã lóe lên trong anh. Năm 2001, anh đề xuất ý tưởng thành lập Trung tâm, được cấp trên ủng hộ. Ngày 21-5-2002, Trung tâm Đột quỵ não thuộc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 được thành lập.
Người khởi tạo một "mũi nhọn"
"Những ngày đầu, đội ngũ y bác sĩ chưa qua đào tạo chuyên biệt, chúng tôi phải cầm tay chỉ việc, vừa làm vừa học" – anh nhớ lại. Vốn kiến thức học từ Mỹ là quý giá, nhưng không thể bê nguyên xi vào Việt Nam, khi mà mức đầu tư chưa bằng 1/3 nước ngoài. Điều kiện khí hậu, thời tiết, lao động, sinh hoạt của người Việt Nam không giống ở các nước khác. Phải làm sao tìm ra mô hình chữa trị phù hợp nhất?
Anh ngày đêm miệt mài tự đọc sách, tự nghiên cứu, tìm tòi cả kim cổ, Đông – Tây. Chỉ riêng sáng kiến của anh trong kết hợp với Khoa Can thiệp mạch đã cứu sống nhiều bệnh nhân hiểm nghèo trước đây phải nằm ở Khoa Hồi sức hoặc phải chuyển đi các bệnh viện lớn khác. Anh còn tìm tòi, kết hợp giữa y học hiện đại và cổ truyền để chữa trị đột quỵ. Có lúc, anh lặn lội sang tận Trung Quốc, kết hợp với Bệnh viện Quảng Châu nghiên cứu, áp dụng bài thuốc Hoa Đà tái tạo hoàn khá hiệu quả. Lại có khi, anh ngược xuôi lên núi rừng Tây Bắc, đi tìm những phương thuốc cổ truyền dân tộc…
Hôm tôi đến Trung tâm, chiều đã muộn nhưng anh vẫn đăm chiêu bên những giường bệnh. Một quang cảnh ảm đạm bày ra trước mắt. Tất cả người bệnh đều thiêm thiếp, các ống thở, truyền nước cắm khắp cơ thể. Máy điện tâm đồ, huyết áp luôn chạy "nóng". Những gương mặt người nhà đăm chiêu lo lắng phía ngoài.
Anh Nguyễn Văn Nam, quê ở xã Dân Tiến, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, người nhà một bệnh nhân xúc động nói: "Hiếm có bác sĩ khoa nào vất vả như nơi đây. Bệnh nhân vào viện đều "đột ngột ngã quỵ", bị tai biến, nằm liệt và tiểu tiện, đại tiện tại giường. Các y bác sĩ đều phải trực 2-3 ca mỗi ngày. Riêng anh Thông thì ngày nào cũng có mặt 18-24 giờ". TS Nguyễn Hoàng Ngọc, Phó giám đốc Trung tâm kể: "Từ khi thành lập Trung tâm đến nay, anh Thông chưa bao giờ nghỉ phép. Xã hội càng phát triển, người bệnh đột quỵ càng tăng. Mới ngày nào trung tâm chỉ có 10 giường bệnh, giờ đã lên 50 giường bệnh với hơn 1.000 bệnh nhân mỗi năm. Tỷ lệ bệnh nhân tử vong luôn ở mức dưới 5%, giảm thiểu tối đa sự tàn phế, nhanh chóng giúp họ trở lại cộng đồng".
Cách chẩn đoán, điều trị sớm bệnh đột quỵ của anh đã thành "mô hình chuẩn" được hàng chục bệnh viện trong cả nước đến học tập. Đã có hàng trăm y bác sĩ ở nhiều bệnh viện được anh bồi dưỡng về điều trị đột quỵ. Tháng 10 tới, anh sẽ tiếp tục thực hiện cuộc tập huấn quy mô toàn quân và toàn quốc…
Với những cống hiến ấy, Phó giáo sư Nguyễn Văn Thông đã hai lần được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quân, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
*Bài có sự biên tập ở title