Dân Việt

Bươn chải đủ thứ nghề đó đây không khá, ông nông dân Vĩnh Phúc về quê trồng thứ cây cảnh gì mà thu 300 triệu/năm?

Sinh ra và lớn lên tại xã Triệu Đề, nơi có nghề trồng hoa, cây cảnh nổi tiếng, anh Nguyễn Văn Nam, thôn Tân Tiến, xã Triệu Đề, huyện Lập Thạch (tỉnh Vĩnh Phúc) đã gắn bó với công việc trồng hoa, trồng cây cảnh từ nhiều năm nay.

Cây cảnh, cây hoa không phụ công người, vườn hoa, cây cảnh không chỉ giúp gia đình anh Nguyễn Văn Nam phát triển kinh tế mà còn tô thắm hương sắc cho mọi người, mọi nhà.

Bươn chải đủ thứ nghề đó đây không khá, ông nông dân Vĩnh Phúc về quê trồng thứ cây cảnh gì mà thu 300 triệu/năm? - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Văn Nam, xã Triệu Đề, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc có thu nhập cao qua mô hình trồng hoa, trồng cây cảnh.

Chia sẻ với chúng tôi anh Nam cho biết: Thời còn trẻ, tôi cũng đã trải qua nhiều nghề khác nhau nhưng thu nhập cũng không ổn định. 

Nhận thấy cần phải tìm cho mình một hướng đi mới để phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình, năm 2000, tôi bắt đầu theo đuổi nghề trồng hoa, trồng cây cảnh vốn đã có từ lâu đời ở địa phương mình. 

Những năm đầu, do chưa có kinh nghiệm trong việc chăm sóc hoa, cây cảnh nên tôi gặp nhiều khó khăn, thậm chí làm cây chết khá nhiều. Tuy nhiên, tôi không nản lòng, tôi đi các nơi tìm hiểu, học hỏi nâng cao kiến thức, kỹ thuật trồng cây cảnh, đặc biệt là cây cảnh có giá trị kinh tế cao. 

Đồng thời, anh mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích vườn nhà, vườn đồng sang trồng hoa, trồng cây cảnh, đến nay, mô hình phát triển kinh tế từ nghề trồng hoa, cây cảnh đã đem lại thu nhập ổn định cho gia đình.

Với niềm say mê và bàn tay khéo léo, lại thường xuyên tiếp xúc với các nghệ nhân làng nghề, anh Nam đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu, nhất là những bí quyết về kỹ thuật nuôi trồng và cấy ghép tạo nên cây cảnh có giá trị thẩm mỹ và kinh tế cao. 

Anh chia sẻ: Trồng và chăm sóc hoa, trồng cây cảnh không hề đơn giản, đòi hỏi người trồng phải chăm sóc tỉ mẩn như con mọn. 

Từ những cây sở, cây sanh tưởng chừng như vô tri, vô giác, để tạo thành một bon sai có thế, có hồn và có giá trị đòi hỏi người trồng, người cắt tỉa phải có đôi bàn tay khéo léo, con mắt thẩm mỹ cùng niềm đam mê, chất nghệ thuật...

Không những thế phải yêu cây, coi cây cảnh như một người bạn để hiểu đặc tính từng cây như: có cây ưa bóng mát không thể để trực tiếp ra ngoài trời nắng; có cây lại không ưa nhiều nước…, từ đó có cách chăm sóc khác nhau.

Để có các sản phẩm được thị trường tin tưởng, anh Nam luôn cẩn thận trong việc chăm sóc, pha trộn đất với các phụ gia khác như trấu, xơ dừa và phân bón với tỷ lệ hợp lý nhất, đảm bảo cho cây trồng sinh trưởng và phát triển. 

Đây cũng chính là một trong những yếu tố giúp anh tạo được uy tín cho sản phẩm của mình. Nắm bắt nhu cầu của thị trường, trong vườn nhà anh Nam luôn có các loại cây cảnh có giá trị, chất lượng cao, cung cấp cho người mua. 

Hiện nay, với diện tích 4.000m2, khu vườn của gia đình anh luôn có khoảng 200 cây được người dân ưa chuộng như: Hoa mộc, đào, trà, sở, hoa hồng... Có những cây cảnh giá trị tới hàng trăm triệu đồng, có cây vừa và nhỏ, giá giao động từ vài trăm ngàn đến hàng trục triệu đồng. 

Anh dành riêng một diện tích đất để trồng và chăm sóc hoa đào phục vụ khách chơi hoa ngày tết. Anh cho biết: Người Việt chơi cây cảnh rất tinh tế, thường chọn những cây có giá trị nghệ thuật và mang ý nghĩa tâm linh ngày tết như hoa mộc có hương thơm thanh khiết; hoa mai, hoa đào là biểu tượng của mùa xuân. 

Do đó mình cần tìm hiểu, lựa chọn và chăm sóc cây cảnh cẩn thận để đáp ứng nhu cầu của khách. Khách hàng mua cây của anh đến từ khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Trừ chi phí mỗi năm, nhà vườn của anh thu lãi trên 300 triệu đồng.

Thời gian tới, anh Nguyễn Văn Nam có ý định mở rộng diện tích và đưa nhiều giống cây cảnh mới về trồng để tạo nên sự phong phú cho khu vườn của mình, cũng như áp dụng những công nghệ tiên tiến vào khâu chăm sóc nhằm giảm thiểu sức người.