Tỉnh nào là nơi trồng chanh dây nhiều nhất cả nước, chanh dây trồng nhiều thế bán đi đâu?
Tỉnh nào là nơi trồng chanh dây nhiều nhất cả nước, chanh dây trồng nhiều thế bán đi đâu?
Thứ tư, ngày 26/10/2022 06:06 AM (GMT+7)
Theo ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, hiện tại Gia Lai là tỉnh đứng đầu cả nước về diện tích cây chanh dây.
Trong dự kiến, đến năm 2025, tỉnh Gia Lai sẽ mở rộng diện tích chanh dây đến 20.000 ha, năm 2030 sẽ khoảng 30.000 ha và đến năm 2040 là 30.000 ha để đảm bảo nguồn cung ứng chanh dây cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Nông dân huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai thu hoạch chanh dây. Ảnh: gialai.gov.vn
Tính đến cuối năm 2022, tỉnh Gia Lai có gần 4.500 ha chanh dây giống thuần, năng suất bình quân khoảng 36,2 tấn/ha, sản lượng đạt gần 110.000 tấn/năm.
Diện tích trồng chanh dây được trồng chủ yếu ở các địa phương: Đak Đoa (1.080 ha), Ia Grai (962 ha), Chư Prông (714 ha), Chư Sê (474 ha), Mang Yang (302 ha), Kbang (211 ha), Chư Pưh (149,1 ha) và thành phố Pleiku (230 ha)... Cơ cấu giống chanh dây chủ yếu là Đài Nông 1, Đồng Giao 1 (ĐG1).
Ngoài ra, toàn tỉnh Gia Lai có hơn 2.470 ha chanh dây ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; gần 2.500 ha chanh dây sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Tỉnh đã bình tuyển, công nhận 8 vườn cây chanh dây đầu dòng với 1.195 cây, hàng năm có khả năng cung cấp khoảng 2,65 triệu hom giống, đảm bảo cho diện tích trồng mới từ 4.240-5.300 ha/năm.
Cũng theo ông Đoàn Ngọc Có, để cây chanh dây phát triển và đem lại giá trị kinh tế bền vững, trước tiên phải chú ý đến mã số vùng trồng, tiêu chuẩn cơ sở; phải tổ chức trồng rải vụ quanh năm để liên tục có sản phẩm phục vụ cho nhà máy chế biến.
Với những điều kiện thuận lợi cũng như sự có mặt của các doanh nghiệp chuyên về sản xuất giống, thu mua, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm từ chanh dây, nông dân trồng chanh dây ở Gia Lai đang có niềm tin lớn về loại cây trồng này.
Tuy nhiên, để cây chanh dây phát triển bền vững, có đầu ra ổn định, nhất thiết phải chú trọng khâu tổ chức kết nối giữa doanh nghiệp - hợp tác xã với nông dân, từ khâu giống, phân bón, thu mua, chế biến và xuất khẩu.
Trong những năm gần đây, nhận thức rõ lợi ích của việc sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm trái cây; trong đó có chanh dây, nhiều doanh nghiệp và người dân trong tỉnh đã ưu tiên đầu tư phát triển, ứng dụng công nghệ trong sơ chế, chế biến, bảo quản sau thu hoạch.
Trên địa bàn tỉnh Gia Lai hiện có khoảng 25 cơ sở, có công suất thiết kế đảm bảo sơ chế, chế biến, bảo quản từ 150.000 - 160.000 tấn nguyên liệu trái cây/năm. Riêng Nhà máy chế biến rau quả của Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao - Chi nhánh Gia Lai (Doveco Gia Lai) chế biến sâu sản phẩm chanh dây với công nghệ, thiết bị hiện đại, công suất 52.000 tấn sản phẩm/năm.
Mạng lưới kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm chanh dây của Gia Lai khá đa dạng và phong phú; ngoài tiêu thụ tại các chợ đầu mối và Trung tâm Thương mại Pleiku, sản phẩm chanh dây được thương lái thu mua, cung cấp cho các thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, thông qua doanh nghiệp đã xuất khẩu chanh dây sang các thị trường, điển hình như EU.
Ông Đinh Gia Nghĩa, Giám đốc Doveco Gia Lai cho biết, Doveco Gia Lai rất chú trọng đến việc phát triển vùng nguyên liệu thông qua các hình thức liên doanh, liên kết, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các hợp tác xã, người dân.
Đến nay, Doveco Gia Lai đã liên kết với người dân, hợp tác xã trồng hơn 6.000 ha chanh dây để đáp ứng đủ sản lượng chanh dây cho nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.