Người Việt khẩn hoang đất Phú Yên vùng hạ lưu sông Cái với chứng tích từ ngôi đình cổ Ngân Sơn

Thứ hai, ngày 24/10/2022 05:11 AM (GMT+7)
Đình Ngân Sơn nằm trên địa bàn khu phố Ngân Sơn, thị trấn Chí Thạnh (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) là một di tích lịch sử - văn hóa có giá trị. Ngôi đình cổ này là chứng tích quan trọng về quá trình hình thành cộng đồng người Việt ở khu vực hạ lưu sông Cái thời kỳ đầu khẩn hoang vùng đất Phú Yên.
Bình luận 0

Kiến trúc độc đáo của đình cổ Ngân Sơn

Từ TP Tuy Hòa theo quốc lộ 1 về hướng bắc khoảng 34km, đến ngã ba Cây Keo (khu phố Ngân Sơn) đi khoảng 200m là đến di tích. Đình Ngân Sơn xây dựng trên khu đất cao sát bờ sông Cái, quay mặt về hướng đông, nhìn ra sông Cái và cầu Lò Gốm. 

Theo các bậc cao niên tại địa phương, lúc mới hình thành đình Ngân Sơn có kiến trúc nhà lá mái. Do tác động của thời tiết, bom đạn chiến tranh, ngôi đình này đã được tu bổ, tôn tạo nhiều lần và dần được thay thế bằng loại vật liệu kiên cố hơn.

Người Việt khẩn hoang đất Phú Yên vùng hạ lưu sông Cái với chứng tích từ ngôi đình cổ Ngân Sơn - Ảnh 1.

Mặt tiền đình Ngân Sơn. Ảnh: HOÀI SƠN

Năm 1932, ngôi đình được ông Nguyễn Văn Trim, Chánh tổng và Phạm Tư, Phó Chánh tổng lấy công quỹ sửa sang chánh điện, xây tường bao bằng đá và thay mái tranh bằng mái ngói âm dương, trang trí các họa tiết hoa văn, phù điêu công phu tinh xảo. 

Năm 1936 xây thêm nhà Đông, nhà Tây bằng gạch ngói. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhà Đông và nhà Tây đã bị dỡ bỏ, chỉ còn lại ngôi đình. Năm 1998, các cụ phụ lão trong làng đứng ra quyên góp kinh phí tu sửa nhiều hạng mục kiến trúc. Đình xây 3 gian, gian chính giữa rộng 2,3m; gian tả và gian hữu mỗi bên rộng 2,8m. 

Phía trước có hành lang rộng 1,5m. Nội thất đình, ngay gian chính giữa chánh điện là bàn thờ Thần, phía sau là bàn thờ Tiền hiền, Hậu hiền. Bàn thờ Tiền hiền, Hậu hiền nguyên trước đây thờ tại lẫm Thiện Đức nằm trong khuôn viên khu đình Ngân Sơn, nhưng khi lẫm không còn thì rước vào đình để thờ. 

Bệ thờ bên trái thờ Ngũ Tự Thần. Ngoài ra, 2 bên vách có 2 bàn thờ (Tây hiến, Đông hiến) thờ các bậc tiền nhân đã có công tạo lập và tu sửa ngôi đình.

Điểm nhấn trong kiến trúc ngôi đình là mái đình dạng cổ lầu, tường xây bịt 2 bên, nhìn từ phía ngoài mái đình chiếm 1/3 chiều cao, 4 góc xòe rộng, uốn lượn nhẹ nhàng. Bờ nóc hơi võng, trên bờ nóc được đắp hình lưỡng long chầu nguyệt. 

Bốn góc mái nhô cao với các đầu đao cong vút đắp 4 con phượng quay mặt vào nhau. Mái nhìn từ mặt trước, dưới 2 con phượng là các cánh sen được sơn màu xanh dương. Phần dưới mái đình là 4 bức vách được sơn màu vàng. Dưới bức vách mặt trước là một mái lợp song song với mái trên, mái lợp ngói, đây là phần mái che hiên thềm ba. Trên nóc có trang trí lưỡng long tranh châu, mặt tiền đình được trang trí nhiều họa tiết hoa văn, chính giữa có đề 3 chữ Hán Nôm lớn. 

Trải qua thời gian, đình Ngân Sơn tích tụ những giá trị tinh thần trở thành niềm cộng cảm, tạo nên sức mạnh tinh thần cộng đồng nên được người dân Ngân Sơn bảo tồn, lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng

Đình Ngân Sơn là công trình phục vụ nhu cầu tín ngưỡng tâm linh, là nơi thờ tự các vị thần linh được thờ phụng ở làng Ngân Sơn. Xưa kia, hoạt động tế lễ tại đình là hoạt động tín ngưỡng tâm linh quan trọng nhất của Nhân dân làng Ngân Sơn. 

Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hoạt động thờ cúng tại đình bị gián đoạn. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng thống nhất đất nước, đình Ngân Sơn được Nhân dân tu bổ, tôn tạo thường xuyên; việc tế lễ tại đình được khôi phục với hai lần cúng tế vào mùa xuân và mùa thu theo lệ xuân kỳ, thu tế. 

Lễ cúng xuân định kỳ khoảng giữa tháng 3 âm lịch được tiến hành đều đặn. Cúng thu là ngày giỗ vị tiền hiền làng, thường được tổ chức trang trọng theo nghi thức truyền thống, có ban hành lễ do các cụ phụ lão ở địa phương đảm nhiệm với các thành phần chánh tế, bồi tế, đông hiến, tây hiến, chinh cổ...

Lễ vật trong các lần cúng tế nhiều hay ít tùy thuộc vào sự đóng góp của Nhân dân và điều kiện kinh phí mỗi năm, nhưng thường phải có heo làm vật tế chính, ngoài ra còn có các loại hoa quả, thực phẩm khác. Lễ cúng diễn ra chiều hôm trước đến sáng hôm sau, thu hút sự tham gia đông đảo của Nhân dân địa phương. Lễ cúng đình Ngân Sơn được tổ chức trang trọng, đều đặn hàng năm nhưng tiết kiệm và phù hợp với nếp sống mới.

Người Việt khẩn hoang đất Phú Yên vùng hạ lưu sông Cái với chứng tích từ ngôi đình cổ Ngân Sơn - Ảnh 4.

Mái cổ lầu đình Ngân Sơn. Ảnh: HOÀI SƠN

Đình Ngân Sơn là chứng tích vật chất về quá trình hình thành cộng đồng dân cư người Việt ở vùng hạ lưu sông Cái trong tiến trình lịch sử. Đình cũng là trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng ở làng Ngân Sơn từ xa xưa đến nay; nơi bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng dân cư làng Ngân Sơn. 

Hoạt động thờ cúng các vị thần đã che chở cộng đồng dân cư làng Ngân Sơn trong tiến trình lịch sử và các bậc tiền hiền, hậu hiền mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện lòng tri ân đối với các bậc tiền nhân đã có công khai khẩn đất đai, tạo lập làng xóm, các công trình thờ tự, ca ngợi công đức của người xưa, đồng thời nhắc nhở giáo dục thế hệ trẻ nhận thức rõ về cội nguồn. 

Từ đó biết trân trọng gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp trong cuộc sống đương đại.

Đình Ngân Sơn là công trình tín ngưỡng tâm linh thuộc sở hữu chung của cộng đồng dân cư địa phương nên được người dân tự nguyện bảo vệ và gìn giữ. 

Nhân dân trong khu phố đã bầu ra ban chấp hành chi hội người cao tuổi, gồm 5 người có tâm huyết, có ý thức cao đối với việc gìn giữ và phát huy giá trị di tích. Ban phụ lão có trách nhiệm trông coi, bảo quản và duy trì việc cúng tế hàng năm theo định kỳ diễn ra tại đình.

Đáp ứng đủ tiêu chí để xếp hạng di tích

Đình cổ Ngân Sơn có giá trị nổi bật về lịch sử, văn hóa đáp ứng đủ tiêu chí để xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Việc xếp hạng di tích đình Ngân Sơn không chỉ nhằm tôn vinh những nét đẹp truyền thống về văn hóa tín ngưỡng của người dân Phú Yên mà còn góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền, quảng bá những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể đối với các tầng lớp nhân dân, khách du lịch trong và ngoài huyện. 

Việc cần làm trước khi di tích được xếp hạng là các cấp chính quyền địa phương và lực lượng chức năng cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước theo Luật Di sản. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức trách nhiệm của Nhân dân trong việc tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di tích đình Ngân Sơn. 

Kịp thời bổ sung diện tích khoanh vùng bảo vệ di tích đình Ngân Sơn vào quy hoạch sử dụng đất của huyện Tuy An, tiến hành cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với di tích này. Mặt khác, tập trung việc xã hội hóa nguồn kinh phí để tu bổ, tôn tạo di tích đình Ngân Sơn, ưu tiên xây dựng công trình phụ để đảm bảo cảnh quan, giữ gìn vệ sinh môi trường khi tổ chức lễ hội và các hoạt động sinh hoạt cộng đồng tại đình.

Đình Ngân Sơn nằm trong không gian gắn kết với các di tích lịch sử, văn hóa, khảo cổ học tiêu biểu trên địa bàn Tuy An như: thành An Thổ, nhà thờ Mằng Lăng, khu mộ cổ trên núi A Man và nhiều ngôi chùa cổ tại địa phương. Đây là lợi thế để kết nối tạo thành tuyến tham quan du lịch; tạo nhiều sản phẩm du lịch đặc thù thu hút khách du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Nguyễn Hoài Sơn (Báo Phú Yên)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem