Trồng thứ khoai môn gặp mưa là tốt um, tới kỳ cuốc lên toàn thấy củ, nông dân Lâm Đồng đổi đời
Trồng thứ cây gặp mưa là tốt um, tới kỳ cuốc bật lên toàn thấy củ, nông dân nơi này ở Lâm Đồng đổi đời
Thứ ba, ngày 25/10/2022 05:44 AM (GMT+7)
Một số hộ dân tại xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng) đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng và lựa chọn cây khoai môn để canh tác. Hiện nay, khoai môn đã phát triển xanh tốt, cho năng suất, hiệu quả cao...
Mô hình trồng khoai môn tại xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng) đã phát triển xanh tốt, cho năng suất, hiệu quả cao, góp phần mở ra hướng đi mới trong sản xuất và nâng cao thu nhập cho nhà nông tại địa phương.
Cây khoai môn bén rễ trên vùng đất Đạ Chais (huyện Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng) đang mở ra hướng đi mới cho nhà nông địa phương...
Đạ Chais là một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Lạc Dương. Đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây lâu nay vẫn gắn bó với nghề nông cùng những loại cây trồng truyền thống quen thuộc trên ruộng vườn, nương rẫy như bắp, khoai lang, cà phê và một số cây rau màu khác.
Gần đây, nhiều hộ dân tại địa phương đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích. Trong đó, cây khoai môn đã được một số hộ dân lựa chọn để canh tác.
Hội Nông dân xã Đạ Chais cho biết, giống cây khoai môn đã được nông dân trồng tại địa phương lâu nay. Tuy nhiên, người dân chủ yếu trồng nhỏ lẻ ở những vùng đất thấp, trũng, không trồng được các loại cây trồng khác, hoặc trồng xen trên vườn rẫy để phục vụ đời sống gia đình và chăn nuôi.
Gần đây, nhận thấy giống cây khoai môn sinh trưởng, phát triển tốt trên núi đồi, nương rẫy tại địa phương, cho năng suất, sản lượng cao và có người thu mua với giá tốt nên nhiều hộ dân đã chuyển từ một số giống cây trồng khác sang chuyên canh khoai môn để bán ra thị trường.
Một trong những hộ tiên phong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, canh tác cây khoai môn thương phẩm tại Đạ Chais là gia đình ông Vầy Sỹ Quân ở thôn K'Long K'Lanh.
Ông Vầy Sỹ Quân cho biết, trước đây gia đình ông đã đầu tư và trồng thử nhiều loại rau, hoa màu nhưng hiệu quả không cao và thiếu bền vững. Qua thời gian tìm hiểu, nghiên cứu để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ông nhận thấy cây khoai môn phù hợp nên áp dụng.
Hiện nay, gia đình ông đang canh tác 2 ha diện tích khoai môn. Theo ông Quân, khoai môn là một trong những loại cây trồng rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương, dễ trồng, chăm sóc, ít sâu bệnh.
Vốn đầu tư để trồng cây khoai môn cũng không cao với chi phí mua giống, phân bón, công làm đất và một số vật tư khác, chỉ ở mức từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng/1.000 m2. Khi được trồng trên ruộng vườn tại Đạ Chais, khoai môn phát triển xanh tốt, sản lượng củ cao.
Cây khoai môn sau khi trồng khoảng 8 tháng là cho thu hoạch củ với năng suất trung bình 2 tấn/1.000 m2. Hiện tại, gia đình ông Vầy Sỹ Quân đang bán củ khoai môn cho thương lái thu mua tại vườn với giá 15.000 đồng/1 kg.
Hiện nay, gia đình ông Vầy Sỹ Quân cũng đang cung cấp giống và hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây khoai môn cho nhiều nhà nông tại địa phương để áp dụng, canh tác thành công giống cây này. Nhà nông Vầy Sỹ Quân cũng mong muốn tạo vùng nguyên liệu, liên kết sản xuất, tạo đầu ra ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Ông Vũ Hoàng Đăng Khoa - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đạ Chais (huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) cho biết, Hội Nông dân xã luôn tuyên truyền, vận động gia đình hội viên và người dân địa phương mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao thu nhập.
Nhiều hộ dân tại địa phương đã chịu khó, tìm tòi học hỏi để canh tác những giống cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Trong đó có gia đình ông Vầy Sỹ Quân với mô hình trồng khoai môn thương phẩm. Thành công bước đầu từ mô hình trồng khoai môn của gia đình ông Quân đang mở ra hướng đi mới cho nông dân trên địa bàn.
Hi vọng, cây khoai môn tiếp tục sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao và có đầu ra ổn định để nhà nông địa phương nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích và nâng cao đời sống.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.