Trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Hoài Ân (Bình Định) đặt trọng tâm vào các loại cây ăn quả có thế mạnh như: Bưởi da xanh, bơ sáp, dừa xiêm, chè, mít Thái…
Hiện nay, diện tích bưởi da xanh ở Hoài Ân đã đạt trên 320ha, trong đó, diện tích đã cho kinh doanh là trên 160ha, sản lượng đạt trên 1.000 tấn/năm. Nhiều diện tích trước đây trồng những loại cây kém hiệu quả đã được chuyển đổi sang trồng bưởi da xanh, số hộ tham gia trồng bưởi ở Hoài Ân lên đến 3.202 hộ.
Để cây bưởi da xanh phát triển đúng định hướng, huyện Hoài Ân đã xây dựng 54 mô hình, mỗi mô hình có quy mô từ 0,5ha trở lên. 54 mô hình nói trên có tổng diện tích là 42,8ha, được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hỗ trợ kỹ thuật, cây giống, hệ thống tưới và quản lý, chăm sóc theo quy trình GAP, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm.
Mục tiêu đến năm 2025, diện tích bưởi da xanh ở Hoài Ân tăng lên 450ha, trong đó có trên 350ha cho sản phẩm, sản lượng hàng năm đạt trên 2.500 tấn.
Theo nông dân Phạm Hữu Hoàng, ở thôn Gia Trị, xã Ân Đức (huyện Hoài Ân), năm nay thời tiết nhiều mưa dẫn đến cây bưởi hay sinh nấm. Thêm nữa, khi bưởi ra hoa mà gặp mưa là bưởi không đậu trái hoặc bị rụng trái non nên bưởi năm nay bị mất năng suất so với trước đây.
"Trong những năm qua, nhờ UBND huyện hỗ trợ cây giống nên diện tích bưởi ở Hoài Ân hiện đã tăng rất nhanh, trong khi sức mua còn yếu nên bưởi bị mất giá", ông Hoàng nói.
Để lo đầu ra cho cây bưởi, từ năm 2020, huyện Hoài Ân đã thành lập HTX Nông nghiệp Thanh Niên, nhiệm vụ của HTX là hình thành chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản chủ lực của huyện gồm: Bưởi da xanh, chè Gò Loi, dừa xiêm, gà thả vườn, quýt.
Theo anh Huỳnh Văn Duy - thành viên HTX Nông nghiệp Thanh Niên Hoài Ân phụ trách mảng kinh doanh, mục tiêu chủ yếu của HTX là lo đầu ra cho nông dân, khi đầu ra được thông thoáng thì nông dân mới yên tâm chăm sóc cây trồng.
"Trong 2 năm qua, HTX đã nỗ lực tìm đầu ra cho nông sản trên địa bàn, hỗ trợ đắc lực cho nông dân trong khâu tiêu thụ. Riêng vụ bưởi năm 2022, HTX đã tích cực liên hệ với các đầu mối ở Gia Lai, Kon Tum, Đà Nẵng; các chợ đầu mối trong tỉnh và thông qua hệ thống Bưu điện tỉnh Bình Định tiêu thụ bưởi cho nông dân", anh Duy chia sẻ.
Cũng là thành viên của HTX Nông nghiệp Thanh Niên Hoài Ân, anh Thái Thành Việt cho biết, về lâu về dài, người trồng bưởi ở Hoài Ân cần thay đổi thói quen canh tác để bưởi Hoài Ân ổn định đầu ra.
Theo anh Việt, hiện nay trên địa bàn huyện Hoài Ân diện tích bưởi đã đạt trên 300ha, trong đó diện trồng thuần tập trung đã có khoảng gần 200ha bưởi cho kinh doanh, hầu hết bưởi mới chỉ được 5 - 6 năm tuổi nên năng suất chưa cao, chỉ có một ít diện tích "bưởi lão" trên 10 năm tuổi là cho năng suất ổn định.
Hiện nay, các tỉnh trong khu vực Duyên hải Nam Trung bộ tỉnh nào cũng trồng nhiều bưởi, trong khi sức tiêu thụ nội địa có hạn. Vì vậy, chỉ có con đường xuất khẩu thì may ra người trồng mới có thu nhập ổn định. Thế nhưng, để xuất khẩu được, bưởi Hoài Ân phải đáp ứng đủ các yêu cầu về kỹ thuật.
Riêng về cây bưởi, hiện nay HTX Nông nghiệp Thanh Niên Hoài Ân đã thiết lập mối liên kết với gần 100 hộ nông dân, trong đó, có khoảng 50 hộ đã sản xuất theo hướng hữu cơ, quy trình do HTX đưa ra; 50% còn lại HTX đang hướng dẫn nông dân dần đi theo hướng hữu cơ để sau này được các doanh nghiệp chuyên xuất khẩu nông sản hữu cơ thu mua.
"Qua quá trình tìm kiếm thị trường, chúng tôi ghi nhận từ khách hàng nhược điểm của bưởi Hoài Ân là vỏ có màu vàng, trong khi thị hiếu người tiêu dùng thích bưởi có vỏ màu xanh, nếu các nhà khoa học nghiên cứu ra cách bổ sung vào quy trình chăm sóc như thế nào để bưởi Hoài Ân có được vỏ màu xanh thì sẽ đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng", anh Việt nhìn nhận.
Về quy trình chăm sóc bưởi, hiện nay HTX Nông nghiệp Thanh Niên Hoài Ân đã thành lập 1 nhóm Zalo, nhóm Zalo này kết nối với tất cả bà con có vườn bưởi lớn trên địa bàn huyện.
Đều đặn mỗi tháng, HTX có thông báo trên nhóm Zalo về quy trình bón phân, chăm sóc, hướng dẫn nông dân chăm bưởi theo hướng hữu cơ mà HTX Thanh Niên Hoài Ân đang hướng tới, để đảm bảo chất lượng cho bưởi Hoài Ân đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Theo lãnh đạo UBND Huyện Hoài Ân, huyện này đã tổ chức quy hoạch các vùng chuyên canh cây ăn quả với diện tích hơn 1.590ha trên địa bàn 10 xã; thực hiện dự án hỗ trợ phát triển một số loại cây trồng có thế mạnh của địa phương với nhiều mô hình được triển khai thực hiện. Áp dụng rộng rãi tiến bộ khoa học trong quá trình sản xuất.
Sản phẩm dừa xiêm, bưởi da xanh, trà Gò Loi, heo và gà ta thả vườn của Hoài Ân đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu tập thể.
Ngoài ra, Hoài Ân còn có 14 sản phẩm được UBND tỉnh Bình Định đánh giá, xếp hạn sản phẩm OCCOP, trong đó có bưởi da xanh và 28 sản phẩm đăng ký giao dịch trên sàn thương mại điện tử của tỉnh Bình Định.