Nông dân nghèo đổi đời nhờ trồng chè Shan tuyết nơi cổng trời miền Tây tỉnh Nghệ An

Thắng Tình Thứ năm, ngày 20/10/2022 07:03 AM (GMT+7)
Sau hơn 1 thập kỷ bén rễ ở nơi cổng trời xứ Nghệ, chè Shan tuyết đã phủ xanh những ngọn đồi trọc, trở thành cây trồng chủ lực giúp bà con huyện miền núi Kỳ Sơn, Nghệ An thoát nghèo với mức thu nhập trong mơ.
Bình luận 0
Shan tuyết bén rễ nơi cổng trời xứ Nghệ mang lại thu nhập trong mơ cho bà con người Mông - Ảnh 1.

Sau gần 1 thập kỷ bén rễ nơi cổng trời xứ Nghệ, chè Shan tuyết đã phủ xanh những ngọn đồi trọc ở các xã Huồi Tụ, Mường Lống, huyện Kỳ Sơn. Ảnh: V.T

Những năm trở lại đây, cuộc sống của bà con xã Huồi Tụ, Mường Lống, huyện miền núi Kỳ Sơn, Nghệ An đã từng bước thay đổi, thu nhập bình quân đầu người dần được nâng lên, nhiều hộ thoát nghèo tất cả nhờ vào cây chè Shan tuyết. Những ngọn đồi trọc trước kia chỉ trồng một vụ lúa hoặc ngô, năng suất thấp thì giờ đây được thay bằng những đồi chè xanh mướt của chè Shan tuyết.

Shan tuyết bén rễ nơi cổng trời xứ Nghệ mang lại thu nhập trong mơ cho bà con người Mông - Ảnh 2.

Khí hậu mát mẻ nên chè Shan tuyết được trồng ở các huyện miền núi Kỳ Sơn, Nghệ An búp to, năng suất cao. Ảnh: V.T

Năm 2003, Tổng đội Thanh niên xung phong 8 đưa giống chè Shan tuyết từ tỉnh Hà Giang về trồng. Khí hậu ở các xã Huồi Tụ, Mường Lống nơi được ví như cổng trời của xứ Nghệ quanh năm mát mẻ nên cây chè Shan tuyết sớm bén rễ, sinh trưởng tốt, búp to, năng suất cao. Từ đó cán bộ Tổng đội Thanh niên xung phong 8 đã cùng với chính quyền xã vận động bà con nhân dân trồng theo.

Shan tuyết bén rễ nơi cổng trời xứ Nghệ mang lại thu nhập trong mơ cho bà con người Mông - Ảnh 3.

Chè Shan tuyết ưa mát nên bà con phải trồng thêm cây gỗ để tạo bóng mát nhờ đó các đồi trọc cũng được phủ xanh. Ảnh: V.T

Ông Dềnh Vả Hùa (SN 1950, trú tại bản Huồi Khả, xã Huồi Tụ) chia sẻ: "Tôi cũng như người dân địa phương chỉ biết trồng ngô, lúa, năng suất rất thấp. Được các cán bộ xã, tổng đội thanh niên vận động bà con bắt đầu chuyển sang trồng chè. Mặc dù cũng có những thời điểm giá chè xuống rất thấp chỉ khoảng 5.000 đồng/kg chè búp tươi, nhiều hộ có ý định bỏ. Nhưng những năm trở lại đây, giá chè ngày một nâng cao, thương lái về thu mua tận nhà nên bà con yên tâm sản xuất. Giờ hầu như nhà nào ở bản cũng trồng chè, nhà ít 2 ha, nhiều thì 7 ha. Đối với đồng bào người Mông, không có gì thay thế được cây chè. Nhờ cây chè mà chúng tôi thoát được cái nghèo".

Shan tuyết bén rễ nơi cổng trời xứ Nghệ mang lại thu nhập trong mơ cho bà con người Mông - Ảnh 4.

Hiện trên địa bàn huyện Kỳ Sơn, Nghệ An một số cơ sở thu mua chế biến chè Shan tuyết với giá ổn định khoảng 10.000 đồng / 1 kg. Ảnh: V.T

Bà Vừ Y Sềnh (trú tại bản Huồi Khả, xã Huồi Tụ) chia sẻ, chè Shan tuyết ưa mát nên bà con phải trồng thêm cây pơ mu để tạo bóng mát nhờ đó các đồi trọc cũng được phủ xanh. Bây giờ, với giá 10.000 đồng/kg chè búp tươi, tính ra hơn 1ha chè bà thu về gần 60 triệu đồng/năm. Đây là số tiền rất lớn, đủ để trang trải cuộc sống gia đình.

Được trồng ở những nơi có độ cao từ 1200 - 1.500 m so với mực nước biển, lại có khí hậu mát mẻ nên chè Shan tuyết ở Kỳ Sơn có búp to, được các thương lái đánh giá chất lượng rất cao.

Shan tuyết bén rễ nơi cổng trời xứ Nghệ mang lại thu nhập trong mơ cho bà con người Mông - Ảnh 5.

Từ ngày chè Shan tuyết về bén rễ ở huyện miền núi Kỳ Sơn đã tạo công an việc làm ổn định cho bà con nơi đây, từ đó giúp nhiều nha đình thoát nghèo. Ảnh: V.T

Bà Đặng Thị Hoa - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp, sản xuất chè hữu cơ xã Huồi Tụ đơn vị bao tiêu sản phẩm búp chè tươi cho người dân, chia sẻ: "Chè Shan tuyết ở Huồi Tụ khi pha sẽ có màu vàng đượm như màu của mật ong chứ không xanh như những loại trà khác. Hương thơm của chè khi pha không khác biệt với nguyên gốc Shan tuyết cổ thụ mọc tự nhiên ở Hà Giang hay Yên Bái.

Shan tuyết bén rễ nơi cổng trời xứ Nghệ mang lại thu nhập trong mơ cho bà con người Mông - Ảnh 6.

Toàn huyện Kỳ Sơn hiện có hơn 600 ha chè, trong đó có 400 ha đã cho thu hoạch. Ảnh: V.T

Chỉ tính riêng tại xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn có khoảng 200 ha chè Shan tuyết đang cho thu hoạch. Từ ngày cây chè Shan tuyết bén rễ ở cổng trời nhiều người dân địa phương có công việc ổn định, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Trong thời gian tới, địa phương tiếp tục tuyên truyền vận động người dân mở rộng diện tích trồng chè Shan tuyết.

Shan tuyết bén rễ nơi cổng trời xứ Nghệ mang lại thu nhập trong mơ cho bà con người Mông - Ảnh 7.

Hiện chè Shan tuyết trở thành cây trồng chủ lực giúp xóa đói, giảm nghèo ở huyện Kỳ Sơn, Nghệ An. Ảnh: V.T

Toàn huyện Kỳ Sơn hiện có hơn 600 ha chè, trong đó có 400 ha chè Shan tuyết tập trung chủ yếu tại các xã Huồi Tụ, Mường Lống, Na Ngoi… cho thu hoạch đạt gần 1.400 tấn/năm. Huyện cũng đã thông qua đề án phát triển cây trồng chủ lực theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo tiêu chuẩn OCOP giai đoạn 2021 - 2025; trong đó, cây chè Shan tuyết là cây trồng chủ lực.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem