Thời gian qua, thị trường bất động sản đang chịu nhiều tác động trước việc thắt chặt tín dụng của các ngân hàng. Bên cạnh đó, việc cơ quan chức năng giải quyết các thủ tục pháp lý chậm, siết chặt các quy định về mua bán nhà đất… cũng khiến thị trường chững lại khi nguồn cung sụt giảm.
10 tháng đầu năm, thị trường TP.HCM hầu như không có dự án bất động sản đủ điều kiện pháp lý nào được chào bán ngoài thị trường. Hiếm hoi chỉ xuất hiện 1 số dự án ở khu Đông thành phố, nhưng với mức giá "trên trời" khiến có những người có thu nhập thấp, người có nhu cầu ở thực không còn khả năng tiếp cận với nhà ở TP.HCM.
Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, thị trường bất động sản giáp ranh TP.HCM lại khá sôi động, thu hút nhiều nhà đầu tư. Trong đó, tỉnh Bình Dương là một ví dụ điển hình về vùng giao thoa, có lợi thế về vị trí địa lý, tốc độ phát triển, cơ sở hạ tầng… nơi đây đang trở thành điểm đến trong xu hướng dịch chuyển của nhiều nhà đầu tư.
Theo thông tin từ ông Phạm Trọng Nhân – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, 6 tháng đầu năm, tổng vốn FDI trên địa bàn tỉnh này đạt trên 2,5 triệu USD, bằng 180% so với cùng kỳ năm 2021. Tính lũy kế đến nay, Bình Dương đang đứng thứ 2 cả nước về thu hút FDI với 4.053 dự án, tổng vốn đăng ký đạt hơn 39,55 tỷ USD, chiếm hơn 9,3% FDI của cả nước.
Bình Dương hiện có gần 40 khu, cụm công nghiệp với tổng diện tích lên đến hơn 11.000ha, chiếm 1/4 diện tích khu công nghiệp toàn miền Nam. Bên cạnh đó, Bình Dương hiện nay có 31 khu công nghiệp với tổng diện tích 12.721ha, trong đó có 29 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích 11.021ha, tỷ lệ lấp kín đạt trên 80%.
Hiện nay, các chỉ số FDI liên tục tăng, phạm vi hoạt động của các cụm khu công nghiệp ngày càng mở rộng đã tạo cho Bình Dương nhiều cơ hội phát triển về kinh tế xã hội, khiến nơi đây thành điểm đến của nhiều người dân tứ xứ.
Bên cạnh đó, Bình Dương vì có những khu công nghiệp rộng lớn, xí nghiệp, cụm công nghiệp… nên có hơn 50.000 chuyên gia từ nước ngoài và gần 1 triệu kỹ sư đang sinh sống làm việc tại đây. Điều này khiến thị trường bất động sản nhà ở, cũng như cho thuê tại tỉnh này trở nên khan hiếm và rất nhiều người có nhu cầu. Nguồn cung ở phân khúc căn hộ cao cấp đáp ứng các tiêu chuẩn sống của giới chuyên gia nước ngoài là đòn bẩy giúp bất động sản Bình Dương trở nên thu hút với các nhà đầu tư.
Ông Võ Hoàng Ngân - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cho biết hiện nay, tỉnh Bình Dương đang tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông nhằm phục vụ các khu công nghiệp và giúp khai thác hiệu quả quỹ đất. Nhiều dự án trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ như mở rộng Quốc lộ 13, đại lộ Mỹ Phước - Tân Vạn, xây dựng cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, Vành đai 3, Vành đai 4... cộng với việc quỹ đất ở Bình Dương khá bằng phẳng, tiện lợi trong việc xây dựng nên luôn thu hút được các nhà đầu tư bất động sản.
Nhiều chuyên gia nhận định, thị trường Bình Dương hiện nay rất tiềm năng và đang thu hút xu hướng dịch chuyển của các chủ đầu tư dự án và nhà đầu tư bất động sản.
Đơn cử, một số dự án lớn nổi bật vừa được các tập đoàn nước ngoài công bố đầu tư tại Bình Dương như hai tập đoàn LEGO và Pandora xây nhà máy trị giá hơn 1,1 tỷ USD tại khu công nghiệp VSIP 3. Khi hoạt động, hai nhà máy này sẽ tạo việc làm cho hơn 10.000 lao động. Tập đoàn AEON cũng đã được tỉnh Bình Dương giới thiệu nghiên cứu xây dựng trung tâm thương mại thứ hai tại thị xã Tân Uyên.
Mới đây, Gamuda Land đã mua lại một dự án thành phần của "siêu" dự án thành phố mới Bình Dương từ Becamex TDC. Gamuda Land đặt mục tiêu phát triển dự án này trở thành khu phức hợp với các hoạt động văn hóa, thương mại sầm uất ngay trung tâm thành phố mới Bình Dương.
Trước đó, những tên tuổi lớn của nước ngoài như Tukyu, GoucoLand, CapitaLand, Setia, MapleTree, Sembcorp, AEON, Central Retail… đều triển khai các dự án đô thị, nhà ở hoặc bất động sản thương mại, bất động sản công nghiệp trên địa bàn Bình Dương.
Ngoài ra, các tập đoàn bất động sản lớn của Việt Nam cũng nhanh chóng nhận diện tiềm năng của Bình Dương, nhất là đầu tư phát triển các dự án nhà ở đáp ứng nhu cầu đang tăng cao. Đơn cử như các tập đoàn Vingroup; Hưng Thịnh; Trần Anh Group, Cát Tường, Đất Xanh Group, LDG Investment; Nam Long, Phú Đông Group… Hiện trên địa bàn Bình Dương đang có hàng trăm dự án lớn được phát triển.
Chia sẻ về tiềm năng bất động sản của các khu vực tiệm cận, ông Ngô Quang Phúc - Tổng Giám đốc Phú Đông Group nhận định: "Xu hướng nhà đầu tư đổ về vùng ven Tp.HCM hiện nay đang gia tăng nhanh chóng, khu vực cận thành phố sẽ trở thành thị trường cực kỳ tiềm năng để phát triển dự án nhà ở thương mại vừa túi tiền. Các địa phương khu vực vùng ven dần trở thành đối trọng của TP.HCM cả về nguồn cung cũng như số lượng dự án và số lượng giao dịch".
Tổng giám đốc Phú Đông Group cũng cho rằng, với tốc độ phát triển nhà ở như hiện nay, tỉnh Bình Dương không còn là vệ tinh mà dần trở thành đối trọng của TP.HCM. Theo đó, Bình Dương trở thành một trong những khu vực nổi trội với nguồn cung nhà ở dồi dào, đa phân khúc, đặc biệt là phân khúc nhà ở dành cho người có thu nhập thấp.
"Tỉnh Bình Dương có hạ tầng giao thông tốt, khu công nghiệp phát triển và thu hút được hàng tỷ USD mỗi năm cho việc đầu tư… đây chính là điểm đến của nhiều doanh nghiệp, kéo theo sự phát triển của bất động sản, nhu cầu nhà ở của người dân, nhu cầu đầu tư", ông Ngô Quang Phúc chia sẻ.
Trong khi đó, ông Lê Đình Lăng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển Địa ốc Song Long nhận định, năm 2022 không phải là thời điểm vàng để đầu tư bất động sản tại TP.HCM vì thanh khoản thị trường chậm. Chính vì vậy, một số tỉnh vùng tiệm cận như Bình Dương sẽ là điểm đến cho khách hàng".
"Ngoài việc mua bán, đầu tư chung cư cạnh các trục đường chính, hoặc khu công nghiệp, người dân sẽ có nhiều cơ hội hơn với các phân khúc đất nền với giá cả phải chăng và được các công ty hỗ trợ vay tài chính như khu vực thị xã Bến Cát; huyện Bàu Bàng; huyện Phú Giáo… những khu vực đất cạnh các khu, cụm công nghiệp", ông Lăng cho hay.