Thông tin Trung Quốc xem xét nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 ở Bắc Kinh và lo ngại nguồn cung thắt chặt đã hỗ trợ giá dầu hôm nay tăng mạnh.
Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 2/11/2022, theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 12/2022 đứng ở mức hơn 88 USD/thùng, tăng 0,31 USD/thùng trong phiên. Và nếu so với cùng thời điểm ngày 1/11, giá dầu WTI giao tháng 12/2022 đã tăng tới 2,11 USD/thùng.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 1/2023 đứng ở mức 95 USD/thùng, tăng 0,26 USD/thùng trong phiên và đã tăng tới 2,11 USD/thùng so với cùng thời điểm ngày 1/11.
Giá dầu hôm nay tăng mạnh trong bối cảnh thị trường ghi nhận thông tin Trung Quốc đang xem xét nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 tại Bắc Kinh. Điều này đã dấy lên nhiều kỳ vọng về nhu cầu tiêu thụ dầu tại Trung Quốc sẽ được cải thiện mạnh thời gian tới.
Đồng USD yếu hơn cũng là nhân tố hỗ trợ giá dầu thô đi lên.
Giá dầu ngày 2/11 cũng được thúc đẩy bởi lo ngại nguồn cung thắt chặt hơn khi các lệnh cấm vận, trừng phạt dầu thô Nga của EU và G7 có hiệu lực.
Nguồn cung dầu thô trên thị trường hiện cũng đang bị cắt giảm hơn 1 triệu thùng/ngày theo quyết định cắt giảm sản lượng của OPEC+ từ đầu tháng 11/2022.
Ngoài ra, giá dầu còn được hỗ trợ bởi các dự báo tích cực về nhu cầu dầu trong năm 2023 của OPEC.
Giá dầu tại châu Á đã tăng hơn 1% trong phiên 1/11, đảo ngược đà giảm trong phiên trước, khi đồng USD yếu hơn, trong khi những hạn chế nhằm kiểm soát dịch Covid-19 tại Trung Quốc gây lo ngại nhu cầu nhiên liệu tại quốc gia tiêu thụ dầu nhiều thứ hai thế giới sẽ chậm lại. Cả dầu Brent và dầu WTI đều tăng khi kết thúc tháng 10, đánh dấu tháng tăng đầu tiên kể từ tháng 5, sau khi OPEC+ cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày.
Trong phiên này, đồng bạc xanh giảm từ mức cao nhất trong một tuần so với rổ các đồng tiền mạnh khác, khi các nhà giao dịch đánh giá khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất tại cuộc họp kết thúc vào ngày 2/11. Đồng USD xuống giá khiến dầu rẻ hơn với những người mua bằng các đồng tiền khác và thường cho thấy các tài sản rủi ro hấp dẫn các nhà đầu tư hơn.
OPEC ngày 31/10 đã nâng dự báo nhu cầu dầu của thế giới trong trung và dài hạn, đồng thời cho rằng cần đầu tư 12.100 tỷ USD để đáp ứng nhu cầu, dù chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo.
Các biện pháp kiểm soát dịch tại Trung Quốc đã gây lo ngại nhu cầu nhiên liệu của nước này sẽ tăng chậm hơn, khi chính sách "Zero Covid" tiếp tục được thực hiện. Các biện pháp hạn chế nhằm kiểm soát dịch đã khiến hoạt động của các nhà máy tại Trung Quốc giảm sút trong tháng 10 và nhập khẩu từ Nhật Bản và Hàn Quốc cũng giảm.
Một yếu tố gây sức ép lên giá dầu là sản lượng dầu của Mỹ tăng lên gần 12 triệu thùng/ngày trong tháng 8, mức cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát. Theo một khảo sát, điều đó có thể khiến dự trữ dầu thô của Mỹ tăng khoảng 300.000 thùng trong tuần kết thúc ngày 28/10.
Dự báo, dầu thô nhiều khả năng duy trì đà tăng tăng khi Dollar Index giảm hỗ trợ lực mua cho các tài sản rủi ro. Mặc dù Fed được kỳ vọng sẽ tăng 75 điểm cơ bản trong tuần này, tuy nhiên thị trường cho rằng Ngân hàng trung ương Mỹ sẽ giảm tốc quá trình tăng lãi suất trong tháng 12, với mức tăng chỉ còn 50 điểm cơ bản trong cuộc họp cuối năm. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Anh và châu Âu đươc kỳ vọng sẽ mạnh tay hơn nữa nhằm khống chế lạm phát.
Chỉ còn hơn một tháng là đến ngày lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga của châu Âu đi vào hiện thực. Thị trường vẫn chưa ước tính được tác động thực sự của lệnh cấm vận lần này tới nguồn cung dầu của Nga, nhất là do sự "nhập nhằng" trong số liệu khiến cho sự ước lượng trở nên khó khăn.
Ví dụ, số lượng các chuyến tàu xuất phát từ các cảng biển Nga có điểm đến “không rõ” ngày càng lớn, có thể do các doanh nghiệp tìm cách lách luật. Ngoài ra, cũng có khả năng các chuyến tàu chở dầu Nga được giao cho người mua ngay giữa biển và trộn lẫn với các loại dầu khác nhằm che giấu nguồn gốc.
Trong khi đó, theo cuộc họp trước, tháng này OPEC+ sẽ cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày, tuy nhiên năng lực sản xuất suy yếu của các thành viên trong nước khiến cho giới phân tích đưa ra nhiều nhận định trái chiều về mức giảm thực tế. Khoảng dự đoán khá rộng từ 200.000 đến 1 triệu thùng/ngày. Điều này có thể khiến cho thị trường rơi trở lại trạng thái thâm hụt, bất chấp nhu cầu của Trung Quốc có giảm vì chính sách Zero-Covid.
Tại thị trường trong nước, ngày 1/11, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã công bố giá cơ sở đối với các mặt hàng xăng dầu cho kỳ điều hành từ ngày 1/11.
Trong kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 1/11, giá xăng RON 95 tăng 410 đồng/lít, giá xăng E5 RON 92 tăng 380 đồng/lít, dầu diesel tăng 290 đồng/lít.
Cụ thể, xăng E5 RON92 sau khi tăng 380 đồng, giá bán ra 21.870 đồng/lít; xăng RON95 tăng 410 đồng, giá bán ra 22.750 đồng/lít. Tương tự, dầu diesel sau khi tăng 290 đồng, giá bán ra 25.070 đồng/lít; dầu hỏa tăng 120 đồng, giá bán ra 23.780 đồng/lít.
Ở kỳ điều hành này, cơ quan điều hành ngừng chi quỹ bình ổn giá, đồng thời trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu với xăng E5 RON 92 ở mức 200 đồng/lít, xăng RON 95 là 300 đồng/lít, dầu mazut 500 đồng/kg, không trích lập quỹ đối với mặt hàng dầu diesel và dầu hỏa.
Đây là lần tăng giá liên tiếp thứ 3 của mặt hàng này tính từ giữa tháng 10 đến nay.
Như vậy, so với giá các mặt hàng nói trên vào đầu tháng 1/2022, mỗi lít xăng RON 95-III đang rẻ hơn khoảng 2.100 đồng/lít, còn dầu diesel đắt thêm 6.800 đồng.
Tại kỳ điều hành trước (21/10), giá xăng E5 RON 92 tăng thêm 200 đồng/lít, lên 21.490 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 340 đồng/lít, lên 22.340 đồng/lít. Cùng với xăng, giá dầu cũng được điều chỉnh tăng mạnh, riêng dầu diesel tăng 600 đồng/lít, lên 24.780 đồng/lít.
Tính từ đầu năm đến nay, giá các mặt hàng xăng trong nước đã qua 29 kỳ điều chỉnh, trong đó 16 lần tăng, 12 lần giảm và 1 lần giữ nguyên.
Theo Bộ Công Thương, thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 21/10/2022-01/11/2022) chịu ảnh hưởng của các yếu tố như việc Trung Quốc tăng cường áp dụng các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 tại Vũ Hán; khai thác và xuất khẩu dầu thô của Mỹ tăng; biến động tăng giảm của đồng USD; hoạt động kinh doanh của Mỹ giảm gây lo ngại về tăng trưởng kinh tế; việc nhiều ngân hàng trung ương của các nước châu Âu tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát… Các yếu tố trên đã tác động làm giá xăng dầu có diễn biến tăng giảm đan xen nhưng nhìn chung là tăng đối với xăng RON 95, dầu mazut và giảm nhẹ đối với dầu diesel và dầu hỏa và xăng RON 92.
Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa 02 kỳ điều hành giá ngày 21/10/2022 và ngày 01/11/2022 là: 98.615 USD/thùng xăng RON 95 (tăng 0,785 USD/thùng, tương đương tăng 0,828 % so với kỳ trước; 395,928 USD/tấn dầu mazut 180CST 3,5S (tăng 6,875 USD/thùng, tương đương tăng 1,767% so với kỳ trước); 133,217 USD/thùng dầu điêzen (giảm 1,121 USD/thùng, tương đương giảm 0,834% so với kỳ trước); 90,925 USD/thùng xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 (giảm 0,374 USD/thùng, tương đương giảm 0,409% so với kỳ trước); 123,043 USD/thùng dầu hỏa (giảm 1,908 USD/thùng tương đương giảm 1,527% so với kỳ trước).
Kỳ điều hành này, ngoài tác động của sự biến động giá xăng dầu thế giới, giá cơ sở mặt hàng xăng dầu trong nước còn tiếp tục chịu cả tác động của tỷ giá USD/VNĐ tại Ngân hàng Vietcombank liên tục tăng (tỷ giá mua chuyển khoản và bán ra bình quân dùng để tính giá cơ sở kỳ điều hành ngày 01/11/2022 ở mức 24.346-24.879 đồng/USD, tăng 518-520 đồng/USD so với kỳ điều hành ngày 21/10/2022) sau khi Ngân hàng Nhà nước nới biên độ giao động tỷ giá từ 3% lên mức 5% và liên tục điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm của USD/VNĐ (từ mức 23.688 đồng/USD ngày 21/10/2022 lên mức 23.697 đồng/USD ngày 01/11/2022), giá mặt hàng xăng E5 RON 92, dầu hỏa, dầu diesel nếu không có tác động của yếu tố tỷ giá sẽ giảm nhẹ, tuy nhiên do tỷ giá tăng nên giá cơ sở của xăng E5 RON 92, dầu hỏa, dầu diesel đã tăng.
Sau khi thực hiện trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu tại Mục 1 nêu trên, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường ngày 2/11 như sau: Xăng E5 RON 92: không cao hơn 21.873 đồng/lít (tăng 377 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành), thấp hơn xăng RON 95-III 883 đồng/lít; Xăng RON 95-III: không cao hơn 22.756 đồng/lít (tăng 412 so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu điêzen 0.05S: không cao hơn 25.070 đồng/lít (tăng 287 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu hỏa: không cao hơn 23.783 đồng/lít (tăng 120 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 14.082 đồng/kg (tăng 183 đồng/lít so với giá bán hiện hành).