Giá xăng dầu hôm nay 27/10: Dầu thô tăng vọt, xăng dầu trong nước lại sắp tăng?
Giá xăng dầu hôm nay 27/10: Dầu thô tăng vọt, xăng dầu trong nước lại sắp tăng?
Nguyễn Phương
Thứ năm, ngày 27/10/2022 08:24 AM (GMT+7)
Giá xăng dầu hôm nay 27/10: Đồng USD mất giá mạnh cộng với thông tin nhu cầu tiêu thụ dầu tích cực hơn đã hỗ trợ giá dầu hôm nay bật tăng mạnh. Trong nước, giá xăng dầu có thể tăng lần thứ ba liên tiếp nếu như giá xăng nhập vẫn duy trì mức cao như hiện nay.
Trên thị trường thế giới, đà tăng của giá xăng dầu chưa dừng lại do đồng USD yếu, xuất khẩu dầu của Mỹ tăng. Dầu WTI tăng lên hơn 88 USD/thùng, dầu Brent tiến đến mốc hơn 96 USD/thùng.
Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 27/10/2022, theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 12/2022 đứng ở mức 88,17 USD/thùng, tăng 0,26 USD/thùng trong phiên. Nhưng nếu so với cùng thời điểm ngày 26/10, giá dầu WTI giao tháng 12/2022 đã tăng tới 3,29 USD/thùng.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 12/2022 đứng ở mức 96,15 USD/thùng, tăng 0,46 USD/thùng trong phiên và đã tăng tới 3,26 USD so với cùng thời điểm ngày 27/0.
Giá dầu hôm nay tăng mạnh khi thị trường ghi nhận triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu tích cực hơn từ Mỹ.
Dữ liệu từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 21/10 đã tăng 2,6 triệu thùng, thấp hơn số liệu tăng 4,5 triệu thùng được Viện Dầu khí Mỹ (API) đưa ra trước đó.
Xuất khẩu dầu của Mỹ cũng lên mức 5,1 triệu thùng/ngày, qua đó khiến nhập khẩu ròng dầu thô của Mỹ xuống mức thấp nhất lịch sử.
Đáng chú ý, theo EIA, tỷ lệ nhà máy lọc dầu vận hành ổn định ở mức gần 89% công suất, mức cao nhất cho thời điểm này trong năm, của Mỹ hiện ở mức cao nhất kể từ năm 2018.
Giá dầu ngày 27/10 tăng mạnh còn do đồng USD lao dốc khi thị trường đặt cược vào việc Fed sẽ tăng lãi suất ở mức thấp hơn dự báo.
Các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc ghi nhận nhiều dữ liệu tích cực, tăng trưởng mạnh trong quý III/2022 cũng là nhân tố tích cực hỗ trợ giá dầu thô đi lên.
Ngoài ra, giá dầu hôm nay tăng mạnh còn do lo ngại nguồn cung dầu thắt chặt hơn khi bắt đầu từ tháng 11 tới, sản lượng dầu của OPEC+ sẽ giảm khoảng 1 triệu thùng/ngày, trong khi đó nguồn cung dầu thô từ Nga cũng được dự báo sẽ khó khăn hơn khi các lệnh cấm vận, trừng phạt có hiệu lực.
Trong phiên giao dịch 26/10, giá dầu thế giới tăng gần 3%. Báo cáo lạc quan về lượng dầu xuất khẩu của Mỹ là nhân tố hỗ trợ thị trường dầu mỏ trong phiên này. Theo các nhà giao dịch, xuất khẩu dầu tăng mạnh là do mức chênh lệch giá giữa dầu WTI và Brent nới rộng có lúc lên tới hơn 8 USD/thùng trong phiên 26/10.
Các chuyên gia dự đoán nguồn cung sẽ thắt chặt trong những tháng tới khi chính sách cắt giảm sản lượng của OPEC+, sẽ có hiệu lực vào tháng 11/2022 và các lệnh trừng phạt mới của EU đối với dầu Nga sẽ được thực thi vào tháng 12/2022.
Theo các nhà phân tích của ngân hàng JP Morgan, cho đến năm 2024, khả năng vận chuyển của các tàu chở dầu Nga sẽ trở thành nhân tố chi phối giá dầu thay vì các yếu tố cơ bản về cung-cầu.
Thực chất, giá dầu vẫn chưa thoát khỏi giằng co giữa một bên là nguy cơ nguồn cung sụt giảm và một bên là lo ngại về rủi ro nền kinh tế thế giới suy yếu. Hiện tại, thị trường vẫn đang giằng co với 2 lực cân bằng, với một bên là lo ngại suy thoái kinh tế và một bên là rủi ro thiếu hụt nguồn cung khi các lệnh cấm vận nhập khẩu dầu Nga vượt trần giá đang đến gần.
Các công ty vận tải cho biết họ vẫn đang loay hoay trong việc làm thế nào để mua bảo hiểm cho dầu của Nga mà không vi phạm lệnh cấm của các nước. Trong khi đó, với thời gian vận chuyển lên tới hơn tháng, nếu không nhanhg chóng tìm ra giải pháp, cuối tháng 10 sẽ là thời điểm cuối cùng các doanh nghiệp vận tải chở dầu Nga đến châu Âu. Điều này có thể khiến thị trường ngay lập tức thiếu hụt 800,000 – 1 triệu thùng dầu/ngày.
Việc thiếu vắng các động lực tăng trưởng trong cuối năm lại là áp lực khiến cho giá khó có thể tạo ra đà tăng mới. Gần như chắc chắn khu vực đồng tiền chung châu Âu sẽ bước vào suy thoái kinh tế trong cuối năm, với hoạt động sản xuất, tiêu dùng giảm dưới tác động kép của khủng hoảng giá năng lượng, lương thực và tiêu dùng suy yếu.
Trong khi đó, thị trường lao động vững mạnh cũng như chi tiêu vẫn tăng ở Mỹ vẫn đang là trụ cột giúp cho nước này duy trì tăng trưởng dương, tuy nhiên chính điều này lại khiến cho Fed có nhiều khả năng để duy trì lãi suất cao.
Tại thị trường trong nước, ngày 21/10, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã công bố giá cơ sở đối với các mặt hàng xăng dầu cho kỳ điều hành từ ngày 21/10.
Trong kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 21/10, mỗi lít xăng RON 95 tăng 337 đồng/lít, xăng E5 RON 92 tăng 204 đồng/lít, giá dầu diesel tăng 596 đồng/lít.
Theo đó, Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với mặt hàng xăng E5 RON 92 ở mức 200 đồng/lít, xăng RON 95 ở mức 400 đồng/lít, dầu diesel ở mức 0 đồng/lít, dầu hỏa ở mức 0 đồng/lít và dầu mazut ở mức 708 đồng/kg. Đồng thời không thực hiện chi Quỹ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các loại xăng dầu.
Sau khi thực hiện trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường ngày 27/10 như sau: Giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 21.496 đồng/lít; giá xăng RON 95-III không cao hơn 22.344 đồng/lít; giá dầu diezen 0.05S không cao hơn 24.783 đồng/lít; giá dầu hỏa không cao hơn 23.663 đồng/lít. Riêng dầu mazut 180CST 3.5S có giá bán không cao hơn 13.899 đồng/kg và giảm 195 đồng/lít.
Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, giá thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 19/10 của xăng RON 92 là 89,26 USD/thùng, RON 95 là 92,75 USD/thùng. Còn dầu diesel mức giá 130,10 USD/thùng; dầu hỏa là 121,38 USD/thùng, dầu mazut là 383,32 USD/tấn.
Cũng theo liên Bộ Công Thương - Tài chính, giá xăng dầu giữa 2 kỳ điều hành gần đây có diễn biến tăng giảm đan xen nhưng nhìn chung là tăng đối với xăng RON 95, dầu diesel và dầu hỏa, giảm nhẹ với xăng RON 92 và dầu mazút.
Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa 2 kỳ điều hành giá ngày 11/10 ngày 21/10 là giá xăng RON 95 là 94,830 USD/thùng, tăng 0,595 USD/thùng, tương đương tăng 0,631% so với kỳ trước. Giá dầu hỏa 24,951 USD/thùng, tăng 3,403 USD/thùng, tương đương tăng 2,799% so với kỳ trước. Giá dầu diezen là 134,338 USD/thùng, tăng 0,534 USD/thùng, tương đương tăng 0,399% so với kỳ trước. Giá xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 là 91,299 USD/thùng, giảm 0,01 USD/thùng, tương đương giảm 0,01% so với kỳ trước. Giá dầu mazút là 389,054 USD/tấn, giảm 12,758 USD/tấn tương đương giảm 3,175 USD/tấn so với kỳ trước.
Với lần điều chỉnh này, giá xăng đã tăng hai lần liên tiếp sau 4 lần giảm giá. Tính từ đầu năm đến nay, giá mặt hàng xăng đã trải qua 28 lần điều chỉnh giá, trong đó có 15 lần tăng, 12 lần giảm, và một lần giữ nguyên.
Được biết, theo dữ liệu của Bộ Công Thương, ngày 26/10, giá xăng A95 nhập khẩu từ Singapore vẫn duy trì mức 95 USD/thùng. Mức giá này tương đương với ngày 12/1, mà khi đó giá xăng trong nước (A95) là 23.876 đồng/lít. Bên cạnh đó, thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã có những điều chỉnh về tỷ giá và lãi suất.
Các yếu tố này có thể sẽ đẩy giá xăng trong nước tăng lần thứ ba liên tiếp nếu như giá xăng nhập vẫn duy trì mức cao như hiện nay. Vào kỳ điều chỉnh trước giá xăng trong nước đã tăng 340 đồng lên 22.344 đồng/lít.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.